Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Trảng Bàng phương chí- một tác phẩm giàu tâm huyết
Thứ năm: 03:59 ngày 30/10/2014

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTNO) - 18 chương sách theo tuần tự phát triển của Quang Hoá- Trảng Bàng suốt chiều dài cả ngàn năm lịch sử, tính từ “Một nền văn minh đã mất” ở chương 3 khi Trảng Bàng còn nằm trong vương quốc Phù Nam (thế kỷ I- VII). Cho đến Trảng Bàng hôm nay thể hiện tại chương 9- Trảng Bàng 1975 - 2013. Rồi từ chương 10 trở đi, lần lượt là các chương Nguồn gốc địa danh tên nôm ở Trảng Bàng- một vấn đề hoàn toàn mới chưa ai nghiên cứu; Phong tục tập quán, tín ngưỡng hội hè; Văn chương nghệ thuật; Giáo dục, Y tế, Khu công nghiệp và đời sống làng nghề; Đình miễu và đền chùa, tịnh xá; Nhà thờ Thiên chúa giáo và Tin lành; Những thánh thất Cao Đài ở Trảng Bàng và chương cuối, thứ 18 là nhân vật chí. Hầu như không sót một thứ gì!

Thật là cảm động khi cầm trên tay cuốn sách này! Tên sách đầy đủ là “Trảng Bàng phương chí, lịch sử, văn hoá vùng đất và con người nam Tây Ninh” của tác giả Vương Công Đức (ảnh). Anh còn có tên tộc là Dương Tấn Hảo, sinh năm 1971, quê ở xã Gia Bình, huyện Trảng Bàng. Thì ra anh cũng là một hậu duệ của vị thành hoàng xã Gia Bình là cụ Dương Tấn Quá. Cha cụ Quá là Dương Tấn Phong, một trong những người Việt đầu tiên đến khai hoang lập ấp tạo nên ấp Chánh, xã Gia Bình.

Rồi chúng ta sẽ hiểu ngay thôi, cái lý do để cuốn sách ra đời, một cuốn có tới 800 trang in, chứa rất nặng dày lịch sử một miền đất nước. Sách do Nxb Tri Thức in năm 2014. Lý do đầu tiên có lẽ là đây: “Trong những ngày tháng cầm bút, tôi thấy rằng, bằng chính sử của người Việt Nam, bằng sự chính trực của người nghiên cứu, nói về xứ Tây Ninh thì trước là phải nói đến đạo Quang Hoá… và cuối cùng là Trảng Bàng ngày nay.

Miệt Trảng Bàng- Tây Ninh là vùng đất địa đầu của xứ Sài Gòn, là cửa ngõ của Gia Định mở ra với Phiên quốc Cao Miên xưa. Cũng như xứ Quảng Nam được coi là vùng “yết hầu” của kinh đô Phú Xuân, thì Quang Hoá- Trảng Bàng chính là “phên giậu” của thủ phủ thành Gia Định” (thay cho lời kết, trang 794).

Trước nay, người Tây Ninh quan tâm đến lịch sử quê hương thường có một phàn nàn: còn quá ít những trang sử, tư liệu viết về vùng đất Tây Ninh, nên việc nghiên cứu gặp nhiều trở ngại. Thì sau khi đọc những dòng này, có lẽ chúng ta nên tự trách mình, có lẽ còn chưa đủ tình yêu để bỏ nhiều công sức ra tìm tòi khám phá.

Và có lẽ đây là lý do chính yếu để tác giả, sau nhiều năm nghiên cứu, tìm tòi đã viết nên bộ sách. Ở trang 794, 795 có đoạn viết: “Vùng đất nắng cháy da người Quang Hoá- Trảng Bàng… là địa danh thuộc phủ Tây Ninh chiếm nhiều trang giấy nhất trong các bộ chính sử của triều Nguyễn, là nơi xảy ra những cuộc chiến tranh dai dẳng “bọc thây da ngựa” của các đời chúa Nguyễn với láng giềng Chân Lạp và Xiêm La, là chiến trường khốc liệt bên cửa ngõ Sài Gòn, là nơi sinh ra nhiều bậc thức giả, nhiều tướng lĩnh thao lược trong chiến tranh, các nhà lãnh đạo chính trị của toàn tỉnh Tây Ninh trong một thời gian dài. Vậy há không xứng đáng để chúng ta tự hào và xoá bỏ sự tự ti để có những trang viết về vùng đất này sao?”. Điều này chắc cũng từng là những trăn trở của những người viết tâm huyết ở tỉnh nhà.

Lý do thứ ba, chắc chắn thuộc về tình cảm. Tác giả viết: “Bản thân tôi được đi du học và ngao du qua nhiều đất nước trên thế giới, từ những quốc gia văn minh đến xứ sở lạc hậu. Dù đang ở bất cứ nơi đâu, và trong cảnh ngộ nào, thì trong tâm trí của mình, tôi luôn nghĩ về Tổ quốc, về vùng đất Trảng Bàng nơi chôn nhau cắt rốn.

Tôi nhớ ngôi trường trung học Trảng Bàng, nơi tôi và các bạn đạp xe đến học với hai hàng dương cao lớn rủ bóng trải dài và bên hông là đầm nước xanh với nhiều lau sậy và lục bình đứng lặng. Tôi nhớ cầu Trưởng Chừa- nơi tiền hiền Trùm cả Đặng Văn Trước “hạ mã” năm xưa- bắc phà con suối nhỏ trong xanh uốn khúc xa xa phía trước là hàng cây dầu cổ thụ im lìm của đình thần Gia Lộc trên triền đất. Tôi nhớ gương mặt người Trảng Bàng với nét khắc khổ rám nắng nhưng trên môi vẫn nở nụ cười lạc quan…

Rồi hàng đêm tôi thao thức, mình đã làm được gì cho quê hương hay chỉ sống trong xúc cảm lãng mạn và đắm mình trong thú vui thù tạc…”.

Đây có phải cũng là những điều tâm huyết của các thế hệ người Tây Ninh ta hay không, hỡi những người Tây Ninh có tình yêu sâu đậm với quê hương xứ sở?

Nhưng nói gì thì nói, vấn đề chủ yếu để một cuốn sách có thu hút được nhiều bạn đọc hay không, vẫn là ở nội dung tác phẩm. Thì đây, 18 chương sách theo tuần tự phát triển của Quang Hoá- Trảng Bàng suốt chiều dài cả ngàn năm lịch sử, tính từ “Một nền văn minh đã mất” ở chương 3 khi Trảng Bàng còn nằm trong vương quốc Phù Nam (thế kỷ I- VII).

Cho đến Trảng Bàng hôm nay thể hiện tại chương 9- Trảng Bàng 1975 - 2013. Rồi từ chương 10 trở đi, lần lượt là các chương Nguồn gốc địa danh tên nôm ở Trảng Bàng- một vấn đề hoàn toàn mới chưa ai nghiên cứu; Phong tục tập quán, tín ngưỡng hội hè; Văn chương nghệ thuật; Giáo dục, Y tế, Khu công nghiệp và đời sống làng nghề; Đình miễu và đền chùa, tịnh xá; Nhà thờ Thiên chúa giáo và Tin lành; Những thánh thất Cao Đài ở Trảng Bàng và chương cuối, thứ 18 là nhân vật chí. Hầu như không sót một thứ gì!

Cũng nên lưu ý là tác giả tự nhận đây chỉ là cuốn sách nghiên cứu về lịch sử văn hóa vùng đất nam Tây Ninh nhưng đọc kỹ mà xem, rồi ta sẽ thấy ở đây gần như là hầu hết đất Tây Ninh, kể từ khi lập phủ Tây Ninh năm 1836, với hai huyện Tân Ninh và Quang Hoá. Trong đó, có lúc Quang Hoá bao gồm cả xã Trường Hoà (Hoà Thành) và Phước Hội (Dương Minh Châu).

Những phần còn lại của đất Tây Ninh khi ấy chủ yếu còn là miên man đất rừng- rừng bắc Tây Ninh và rừng Quang Hoá. Vậy thì cũng có thể xem đây là cuốn lịch sử vùng đất và con người Tây Ninh, món quà quý dâng lên chúc mừng sự kiện 180 năm thành lập phủ Tây Ninh- tiền thân của tỉnh Tây Ninh hiện nay (1836 - 2016).

Không chỉ có thế đâu! Chúng ta còn có thể đọc kỹ, đề tìm thấy những chi tiết lịch sử lần đầu tiên được nhắc tới. Như mối liên hệ của cuộc khởi binh Lê Văn Khôi (con nuôi Lê Văn Duyệt) với miền đất Quang Hoá những năm 1833 - 1835.

Hoặc chi tiết về mối liên hệ giữa vua Tự Đức và Trương Định trong cuộc khởi nghĩa Trương Định (khoản 5, chương 6 về sự kiện Hịch văn thân chống Pháp của vua Tự Đức rơi vào tay Pháp (trang 189). Ngoài ra còn rất nhiều tấm ảnh xưa, có tấm đã trên 100 năm in trên các bưu thiếp Pháp, khiến người xem thêm thích thú khi nghỉ ngơi giữa các chương hồi.

Điều thú vị đặc biệt là trong các chương 7 và 8: cách mạng tháng 8.1945 và kháng chiến 9 năm; Trảng Bàng trong khói lửa chiến tranh 1954 - 1975; tác giả đã sưu tầm được tư liệu từ cả hai phía. Do vậy mà có cách nhìn sâu sắc hơn và cũng công bằng hơn trong từng giai đoạn, vấn đề và sự kiện. Xem sử mà dễ bị thu hút, giống như ta đang xem phim từ màn hình phẳng nhảy vọt lên xem phim màn ảnh rộng 3D.

Sau nữa là cũng nên nói đến chất lượng xuất bản. Giữa lúc tình trạng sách “nhái” , sách “rác” hoặc in ấn ẩu tả hơi nhiều, thì Trảng Bàng phương chí lại là một cuốn sách được biên tập công phu, rất dày, rất đẹp bằng giấy quý.

Cả 800 trang in chỉ có khoảng 150 chữ trong ô đính chính. Đây rõ là công lao của ban biên tập Nhà xuất bản Tri Thức. Tác giả cũng đã rất “sòng phẳng” khi liệt kê đầy đủ tới 108 cuốn sách tham khảo, tiếc rằng vẫn có một cuốn “bị quên” là cuốn Văn học Tây Ninh của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Tây Ninh- xuất bản năm 2010.

Bữa tiệc trí thức ngon lành này vẫn không tránh được một vài viên sỏi, sạn. Chúng tôi sẽ xin được nhặt giùm tác giả trong bài viết tiếp theo.

TRẦN VŨ

 

Từ khóa:
data:
Liên kết hữu ích
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục