BAOTAYNINH.VN trên Google News

Trảng Bàng: Sử dụng năng lượng mặt trời thắp sáng đường nông thôn 

Cập nhật ngày: 08/03/2019 - 09:30

BTNO - Thời gian qua, huyện Trảng Bàng đã cho lắp đặt thí điểm hệ thống thắp sáng đường nông thôn tại 2 xã Lộc Hưng và Gia Lộc, bước đầu đã cho thấy hiệu quả.

Theo ông Nguyễn Văn Trãi- Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Trảng Bàng, trước đây, tỉnh có dự án lắp đặt thí điểm điện mặt trời tại một tuyến đường nông thôn ở xã Lộc Hưng. Tuy nhiên, do công suất của bóng đèn thắp sáng thấp, chỉ khoảng 18-20W nên không bảo đảm độ chiếu sáng vào ban đêm.

Đèn thắp sáng bằng năng lượng mặt trời trên Hương lộ 2, ấp Lộc Khuê, xã Gia Lộc, huyện Trảng Bàng.

Dù vậy, nhận thấy những lợi ích của việc sử dụng điện mặt trời thắp sáng đường nông thôn nên ông Trãi đã tự bỏ kinh phí mua phụ kiện về lắp đặt. Qua nhiều lần sửa chữa, cuối cùng ông Trãi cũng lắp đặt thành công bộ điện mặt trời chiếu sáng với bóng đèn có công suất 90W. Sau đó, ông Trãi trình bày công trình của mình trước Hội đồng Khoa học công nghệ huyện, được huyện đồng ý giao cho Phòng Kinh tế hạ tầng triển khai thí điểm lắp đặt tại một số xã trên địa bàn.

Theo ông Trãi, với quy mô thiết kế hệ thống điện mặt trời để cung cấp điện cho bóng đèn chiếu sáng có công suất từ 70-90W thì giá thành dao động khoảng 17-18 triệu đồng/bóng.

Sau qua 2 năm triển khai lắp đặt, hệ thống đèn thắp sáng đường nông thôn bằng năng lượng mặt trời tại khu vực trung tâm xã Lộc Hưng và Hương lộ 2, ấp Lộc Khuê, xã Gia Lộc đã cho thấy nhiều hiệu quả. Cụ thể, 2 năm qua huyện đã không phải trả tiền sử dụng điện cho 21 bóng đèn này, tiết kiệm một khoảng chi phí khá lớn. Bên cạnh đó, do sử dụng hệ thống bật, tắt tự động từ 18 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau nên không cần phải có người vận hành. Một lợi thế nữa là việc sử dụng điện mặt trời để thắp sáng đường nông thôn rất an toàn, không có nguy cơ xảy ra nguy hiểm đối với  người dân.

Tuy nhiên, ông Trãi cũng thừa nhận, dù việc sử dụng điện năng lượng mặt trời để thắp sáng đường nông thôn đã cho thấy hiệu quả nhưng khuyết điểm là tuổi thọ bình ắc quy thực tế chỉ có thể sử dụng đến 3 năm. Do đó cần phải có kinh phí dự trù để thay bình ắc quy khi đến thời điểm bình bị hư hỏng; riêng tấm pin có tuổi thọ đến 25 năm nên thời gian thay tấm pin mới cũng khá lâu.

Ông Phan Văn Tấn- Phó Chủ tịch UBND xã Gia Lộc cho biết, việc huyện triển khai lắp đặt thí điểm điện mặt trời thắp sáng đường nông thôn tại Hương lộ 2, ấp Lộc Khuê, xã Gia Lộc đáp ứng được nhu cầu thắp sáng đường giao thông, bảo đảm độ sáng phục vụ người dân lưu thông trên đoạn đường này vào ban đêm.

Ông Nguyễn Văn Trãi cho biết thêm, trong năm 2019, huyện Trảng Bàng dự định triển khai lắp đặt thêm đèn thắp sáng đường nông thôn bằng hệ thống điện năng lượng mặt trời tại trung tâm xã Phước Chỉ bằng nguồn kinh phí hoạt động khoa học công nghệ của huyện.

Tuy nhiên, ông Trãi khẳng định sẽ tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh để giảm công suất thắp sáng của các bóng đèn từ 90W xuống còn khoảng 40W, bảo đảm chiếu sáng đường nông thôn. Khi giảm công suất chiếu sáng, kinh phí cũng sẽ giảm còn khoảng 13-14 triệu đồng/ hệ thống bóng điện chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời. Bên cạnh đó, ông Trãi cũng nghiên cứu việc sửa chữa lại các bình ắc quy để có thể tái sử dụng khi chúng đến tuổi thọ, nhằm tiết kiệm ngân sách nhưng vẫn đạt được mục tiêu thắp sáng đường nông thôn bằng năng lượng sạch, thân thiện với môi trường.

Thế Nhân – Nhi Trần