Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - Để có được những chiếc bánh tráng phơi sương mềm dẻo, những người làm nghề này phải thức trắng đêm với bao công sức, nhọc nhằn.

|
Vợ chồng bà Nhiều trải bánh phơi sương.
Nghề làm bánh tráng phơi sương ở huyện Trảng Bàng gồm nhiều công đoạn liên hoàn với nhau như một chu trình kép kín. Một vài gia đình chuyên xay bột gia công. Số hộ khác làm nghề đương vỉ bán cho các “lò”. Nhiều nhà khác thì xây lò tráng bánh, phơi bánh. Những người có vốn liếng thì thu mua bánh tráng đem về nướng, phơi sương, bán lại cho những quán ăn, nhà hàng trong và ngoài tỉnh. Chỉ có một vài hộ làm từ khâu tráng bánh, phơi bánh, nướng bánh và bán bánh nướng tại nhà. Riêng công đoạn thức đêm phơi sương bánh tráng thì chỉ lẻ tẻ vài hộ chọn làm kế sinh nhai.
Gia đình bà Nguyễn Thị Nhiều, ở khu phố Lộc Du, thị trấn Trảng Bàng là một trong số ít gia đình kiếm sống bằng nghề phơi sương bánh tráng. 22 giờ ngày 6.4.2016, tôi đến gia đình bà Nhiều để trải nghiệm một lần trắng đêm phơi sương bánh tráng. Lúc này, sân gạch tàu của nhà bà Nhiều đã bày sẵn 4 giàn phơi bánh tráng. Các giàn này được đóng bằng cây tầm vông. Mỗi giàn cao 1 mét, dài 5,5 mét, rộng 1,4 mét. Trên mặt giàn có 10 cây tầm vông đóng dài theo chiều dọc, mỗi cây cách nhau khoảng 5cm. Trên mặt những cây tầm vông này trải thêm một lớp lưới, mắt lưới có diện tích khoảng 4cm vuông. Lớp lưới này có tác dụng giữ cho bánh tráng khi đã mềm sương không bị tuột xuống đất.
Về khuya, trời bắt đầu trở lạnh. Ướm chừng đã có sương đêm, vợ chồng bà Nhiều liền bắt tay vào việc. Ông, bà vào kho chứa bánh tráng xách ra một số bao bánh tráng đã nướng sẵn. “Số bánh này phải nướng trước vài ngày, để trong bao, miệng bao cột chặt cho bánh dịu lại, đem ra phơi mới mềm đều”, bà giải thích. Hai vợ chồng bà nhanh tay trải hàng trăm chiếc bánh tráng ra giàn để đón sương đêm. Bánh trải chưa xong, đột ngột trời trở gió, thổi bánh bay lật bật. Sợ bánh bay xuống đất, vợ chồng bà vội vã gom toàn bộ số bánh lại, rồi ngồi chờ trời yên, gió lặng.
Trong khi chờ phơi sương, bà Nhiều kể: Mấy mươi năm trước, mẹ của bà cũng làm nghề tráng bánh kiếm tiền nuôi gia đình. Sau đó, mẹ giải nghệ, chuyển qua làm nghề mua bán hàng bông, vì vậy bà Nhiều không được truyền nghề tráng bánh. Những năm đầu sau ngày miền Nam giải phóng, thấy trong xóm có nhiều gia đình tráng bánh, bà cũng thử kiếm sống bằng cách đi mua bánh đã tráng sẵn đem về nướng rồi bán lại. Bà nhớ lại: “Thời điểm 40 năm trước, chưa có bánh phơi sương, chỉ mới có bánh tráng nhúng và bánh tráng nướng thôi”. Hằng ngày, bà nướng 1- 2 ràng (khoảng 20-40 cái), bỏ vào bọc ni lông, xách đi bán dạo vòng vòng trong xóm ấp. Khoảng 30 năm nay, ở Trảng Bàng “rộ” lên phong trào ăn bánh tráng phơi sương, gia đình bà Nhiều mới làm thêm việc phơi sương bánh tráng.
Bà Nhiều kể tiếp, hàng chục năm nay, ngày nào cũng vậy, cơm chiều xong, vợ chồng bà phải chuẩn bị cho việc phơi sương bánh tráng. Nếu trời không mưa thì phải mở mô tơ bơm nước tưới ướt toàn bộ mặt sân cho sân hạ nhiệt, để tối phơi bánh tráng mau mềm và không có bụi bay lên bám vào bánh tráng. Sau đó, bày biện những giàn phơi bánh tráng ra sân. Nghỉ ngơi một lát, đến khoảng 20 giờ, vợ chồng bà nhắc ghế ra sân ngồi canh sương xuống. Khi nào “nghe” trong không khí bắt đầu lành lạnh là trải bánh ra phơi. “Sương xuống bất thường lắm. Có khi 22 giờ đã có sương, nhưng nhiều đêm đến gần sáng sương mới bắt đầu xuất hiện”, bà Nhiều nói. Đêm nào sương nhiều phơi bánh rất nhanh. Chỉ cần khoảng 30 phút là xong một lượt. “Trải bánh từ đầu giàn này đến hết các giàn ở cuối sân kia, rồi quay lại thu gom từ đầu trở xuống là vừa”, bà diễn tả. Hôm nào sương ít thì vất vả hơn, nhiều lúc phải ngồi chờ cả hai, ba giờ liền mà bánh chưa chịu dẻo.
Theo lời chồng bà Nhiều, yếu tố mang tính chất quyết định trong nghề này là làm sao “canh” cho bánh đúng độ mềm cần thiết. Nếu phơi ít sương, bánh bị khô giòn, không cuốn với rau, thịt được. Nếu phơi hơi nhiều, bánh sẽ bị nhão, dính, không bán được là kể như phải bỏ toàn bộ, bị lỗ cả vốn lẫn công. Vì vậy, từ khi trải bánh ra phơi, người làm nghề này phải ngồi túc trực suốt bên giàn bánh. Quan sát thấy chiếc bánh vừa xẹp xuống, bằng phẳng trên giàn thì gom lại là vừa. Để bánh hứng sương nhiều đến nỗi sờ tay vào nghe mát thì không còn cứu kịp. Những ngày bình thường như thế này, trung bình mỗi đêm hai vợ chồng bà chỉ phơi từ 6.000- 8.000 cái bánh. Những lúc cao điểm như dịp cận và qua Tết dương lịch, âm lịch, Tết Đoan ngọ, Rằm tháng Tám âm lịch, mỗi đêm, gia đình bà huy động đến 6 người con, dâu ra phơi với số lượng hơn 10.000 bánh mới đủ bán. Thức đêm, nhọc nhằn như vậy, nhưng theo chồng bà Nhiều, thu nhập của người làm bánh tráng rất thấp: “Tuỳ theo thời điểm, mỗi thiên bánh chỉ kiếm lời được từ 15- 20.000 đồng. Sống được với nghề này là nhờ mỗi đêm vợ chồng tôi phơi nhiều thiên”.
Đêm đã khuya. Các gia đình trong xóm đã chìm sâu vào giấc ngủ. Những cành cây trước sân nhà đứng lặng, gió đã ngưng thổi. Sương đêm giăng đầy trở lại. Vợ chồng bà Nhiều dừng chuyện trò với tôi, nhanh tay xách bao bánh tráng trải đầy ra phơi...
Đại Dương