Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Nhà văn Nguyễn Hữu Tài vừa từ Mỹ về Việt Nam ngồi giữa Đường sách TP.HCM tâm sự về một điều thôi thúc thường trực trong anh trong những tháng ngày xa xứ: Nỗi nhớ chợ quê.
Nhà văn Nguyễn Hữu Tài giới thiệu món nem Ninh Hòa quê anh giờ đã "cải tiến" buộc bằng nilon - Ảnh: L.Điền
Buổi trò chuyện mang chủ đề “Chợ quê giữa lòng nước Mỹ” sáng 8-7 là một sự kiện được Hội quán các bà mẹ cùng Nguyễn Hữu Tài tổ chức, đưa ra thông điệp dùng thực phẩm sạch và phát hành tập sách Chồm hổm giữa chợ quê cho một chương trình thiện nguyện.
Nguyễn Hữu Tài định cư tại Mỹ từ năm 2000, lúc anh 18 tuổi, tính đến nay anh đã có 17 năm sống ở Mỹ, suýt soát số năm sống ở Việt Nam từ nhỏ.
Nhưng điều đó không quan trọng bằng hành trình viết văn trong 5 năm trở lại đây: “Tôi ‘đẻ được tám đứa con’ trong vòng 5 năm, mà đứa nào cũng là mang nặng đẻ đau cả”, Nguyễn Hữu Tài bộc bạch.
Trong số đó, Chồm hổm giữa chợ quê là tập tạp văn đầy ắp nỗi nhớ quê nhà qua từng món ăn xoay quanh khẩu vị của người dân miệt Ninh Hòa - Khánh Hòa.
Lẫn trong đó là cảm tình cha con, gia đình chòm xóm và những kỷ niệm thời ấu thơ được Nguyễn Hữu Tài “gọi về” và trải lên trang viết khi đang ở giữa lòng nước Mỹ. Với tập tạp văn này, anh thừa nhận có những lúc vừa viết vừa chảy nước mắt vì nhớ nhà, và bù lại “đây là tập sách đầy ma lực và đẻ nhuận bút nhiều nhất”, Tài chia sẻ.
Đồng cảm với tâm sự của Nguyễn Hữu Tài, chị Thanh Thúy đại diện Hội quán các bà mẹ - cho biết chính chị mỗi lần về quê nhà Đơn Dương cũng la cà chợ quê đến nỗi “lần nào cũng muốn mua hết cả cái chợ quê”.
Để rồi chị nhận ra có những món ăn hôm nay đã được làm khác ngày xưa, rằng bánh căn Phú Yên có vị khác bánh căn Đơn Dương và nem Ninh Hòa hôm nay cột bằng dây nhựa nhìn không cảm tình bằng dây lạt như trước...
Và bên cạnh sân khấu ra mắt sách, Hội quán giới thiệu một số món ăn quê để kêu gọi mọi người ý thức dùng thực phẩm xanh và sạch.
“Chúng tôi đã thay dây cột nem Ninh Hòa bằng đúng dây lạt truyền thống của người dân bản xứ”, chị Thúy cho biết.
Món ăn quê bên cạnh sách của Nguyễn Hữu Tài - Ảnh: L.Điền
Có bạn đọc đặt câu hỏi tại sao ở giữa nước Mỹ mà lại viết về những món ăn quê hương Việt Nam, Nguyễn Hữu Tài tâm sự rằng ở Mỹ, ăn nhiều cũng là một liệu pháp để bớt nhớ quê và vượt qua những ngày tháng khó khăn.
Anh nhớ quê từ những bữa ăn, và anh nhận ra rằng, không cứ gì ở Mỹ, ngay cả người Việt xa quê vào sống ở Sài Gòn, đến ngày tết là nỗi nhớ quê cồn lên, lại muốn quay về cái làng của mình.
“Cho nên, khi công việc ổn định một chút, liên tục mấy năm gần đây tôi đều cố gắng tết nào cũng về Việt Nam ăn tết với gia đình”, Nguyễn Hữu Tài tâm sự.
Và ở nơi xa quê nửa vòng trái đất, cách một đại dương ngút ngàn, anh vẫn tranh thủ viết văn sau những giờ bộn bề công việc kinh doanh.
“Những kỷ niệm vui buồn trong 17 năm xa quê là chất liệu dồi dào, nên ngoài nỗi nhớ quê, mình sẽ viết về những gì trải nghiệm ở nước ngoài. Tài bật mí về quyển sách sắp in trong năm tới: Một quyển du ký về những nơi anh đã đi qua.
“Đây là quyển sách vượt qua nỗi nhớ nhà và viết về những nơi xa lạ của mình”, Nguyễn Hữu Tài nhắn gửi với những bạn đọc từng yêu mến trang viết của anh bấy lâu nay.
Sách do NXB Văn hóa văn nghệ ấn hành - Ảnh: L.Điền
Hội quán các bà mẹ cho biết nhân cuộc tọa đàm sẽ dành toàn bộ số tiền bán 100 quyển Chồm hổm giữa chợ quê để góp quỹ mua 100 cây bơ hỗ trợ cho các em học sinh người dân tộc Chu Ru tại Di Linh để mưu sinh.
Chồm hổm giữa chợ quê do NXB Văn hóa Văn nghệ ấn hành từ năm 2013, tập sách viết về 40 món ăn dân dã quê hương Ninh Hòa, cũng là 40 câu chuyện kỷ niệm thuở thiếu thời.
Tác giả khéo léo chia ra những món ăn theo từng không gian xuất xứ và chế biến: những món ăn từ sông; những món quen thuộc ở chợ; những kỷ niệm với món biển, và không gian ăn uống ở gia đình...
Tập sách không đơn thuần là nghệ thuật ẩm thực được kể lại bằng hoài niệm, mà còn là những mối quan hệ và chất đất - chất người được chắt lọc trong từng trang viết.
Nguồn TTO