Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Ấp B2, xã Phước Minh, huyện Dương Minh Châu:
Trang trại nuôi heo xây dựng trái phép trên đất công, gây ô nhiễm môi trường
Chủ nhật: 23:26 ngày 31/05/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Nhiều năm qua, người dân sống tại ấp B2, xã Phước Minh, huyện Dương Minh Châu bức xúc trước việc xuất hiện hàng loạt trang trại nuôi heo có quy mô lớn, nhưng không thực hiện tốt các biện pháp bảo đảm môi trường. Phần lớn các trang trại heo này đều nằm trên đất công, không có giấy phép của ngành chức năng.

Nước dưới kênh tiêu sau cống phụ đoạn chảy qua địa phận ấp B2, xã Phước Minh bị ô nhiễm nặng.

Không bảo đảm vệ sinh môi trường

Theo sự hướng dẫn của một người dân địa phương, chúng tôi tìm hiểu thực tế tại các trại heo ở ấp B2, xã Phước Minh. Chạy theo con đường bên trong các hàng cao su, trang trại heo xuất hiện. Dù cách các trang trại heo hàng trăm mét nhưng mùi hôi khá nồng nặc.

Theo người dân đi cùng, chỉ có một số trang trại làm hầm biogas, có hộ còn cho nước thải chăn nuôi heo ra ngay các ao nằm lộ thiên cặp đường. Đến xem ao chứa nước thải nằm phía sau trang trại heo, chúng tôi không khỏi rùng mình vì nước dưới ao đen ngòm, bốc mùi hôi thối. Bức xúc, người dân kiến nghị đến các cơ quan chức năng đề nghị xử lý, nhưng trang trại heo vẫn cứ hoạt động.

Người dẫn đường đưa chúng tôi đến hai trang trại heo nằm bên bờ kênh tiêu phía sau cống phụ, chỉ xuống nguồn nước dưới kênh hôi thối và cho biết thêm: Dù con kênh tiêu sau cống phụ bắt nguồn từ khu vực phía trên, có nhiều chất thải đổ vào nhưng nước kênh không thể có mùi hôi thối. Khả năng hai trại heo xả nước thải ra kênh là không tránh khỏi.

Ước tính, trên địa bàn ấp B2, xã Phước Minh có hơn 20 trang trại heo quy mô lớn, nằm gần nhau. Chỉ nhìn những ao chứa nước thải lộ thiên của các trang trại chăn nuôi heo có thể biết được môi trường xung quanh. Không hiểu sao, các trang trại này dù không thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, xây dựng trên đất công nhưng vẫn tồn tại từ năm này qua năm khác.

Vượt quá thẩm quyền của UBND xã?

Theo UBND xã Phước Minh, việc người dân lấn chiếm đất công, xây dựng trang trại heo tự phát do yếu tố… “lịch sử để lại”. Trước đây, do việc quản lý đất công không chặt chẽ nên một số hộ dân tự lấn chiếm canh tác, cất nhà, xây dựng trang trại chăn nuôi… Khu đất tập trung nhiều trại chăn nuôi nhất ở ấp B2 có diện tích 309 ha là đất công do Nhà nước quản lý. Theo thống kê của UBND xã, tại đây có 24 trang trại theo hình thức trại lạnh và trại hở.

Tuy nhiên, chỉ có 2 trang trại có hồ sơ bảo vệ môi trường (có ký hợp đồng thuê đất với huyện), còn lại đều không có giấy phép về môi trường, xây dựng trên đất công, không đúng quy hoạch sử dụng đất, làm thay đổi hiện trạng đất.

Địa phương cũng đã kiểm tra, nhận thấy còn một số trại chăn nuôi gây mùi hôi, làm ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của các hộ dân lân cận. UBND xã đã có báo cáo, kiến nghị UBND huyện chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ trong quá trình xử lý vi phạm; và có hướng giải quyết phù hợp.

Một cán bộ UBND xã Phước Minh cho biết, việc các trại chăn nuôi heo trên khu đất công 309 ha gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân là bài toán khá nan giải cho địa phương trong công tác xử lý.

Cấp xã không có thẩm quyền xử lý trại nuôi heo có quy mô từ 100 con trở lên, trong khi các trang trại này nuôi từ 500 con đến hàng ngàn con. Muốn xử lý vấn đề môi trường, phải kiểm tra lấy mẫu, rồi thực hiện các thủ tục về bảo vệ môi trường… Thế nhưng, do các trang trại xây dựng trại trên đất công, không có “giấy đất”, cũng không được cơ quan có thẩm quyền cấp hồ sơ về bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi.

Các trang trại heo bên trong khu đất 309 ha đều được xây dựng quy mô khá lớn.

Khi người dân bức xúc, kiến nghị chính quyền địa phương chủ yếu chỉ tuyên truyền, vận động, yêu cầu viết cam kết bảo vệ môi trường. Thế nhưng, tình trạng các hộ chăn nuôi heo không quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường vẫn còn tái diễn. Vì vậy, để giải quyết dứt điểm vấn đề này, các cấp có thẩm quyền cần hỗ trợ địa phương tìm giải pháp khả thi để xử lý dứt điểm.

Khu đất trên được quy hoạch là khu du lịch sinh thái

Được biết, khu đất công 309 ha trước đây là đất dự phòng do Công ty khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà quản lý, sử dụng. Công ty sử dụng một số diện tích làm nhà kho, nhà ở tập thể, trụ sở Công an bảo vệ hồ nước, bưu điện, kênh thuỷ lợi…

Diện tích còn lại, công ty, UBND xã Phước Minh đã cấp cho một số hộ gia đình là cán bộ, nhân viên của công ty sử dụng. Do quá trình quản lý, sử dụng đất của công ty và chính quyền địa phương không chặt chẽ, một số hộ gia đình, cá nhân lấn chiếm đất sử dụng làm nhà ở, sản xuất, trồng cây lâu năm kết hợp với chăn nuôi.

Ngày 21.6.1999, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 158/QĐ-CT thu hồi 380 ha đất dự phòng Công ty Dầu Tiếng - Phước Hoà quản lý, giao 309 ha (trong số 380 ha) cho UBND huyện Dương Minh Châu quản lý theo Quyết định số 160/QĐ-CT ngày 21.6.1999 để quy hoạch giao đất cho các tổ chức, cá nhân sản xuất và xây dựng nhà ở ổn định, lâu dài theo luật định. Tại thời điểm UBND tỉnh giao UBND huyện quản lý, các hộ dân đang sử dụng đất sản xuất, xây dựng chuồng trại và trồng cây lâu năm.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND huyện Dương Minh Châu đã xây dựng Kế hoạch số 77/KH-UBND ngày 9.6.2017 về việc cấp giấy cho các trường hợp sử dụng đất phù hợp với quy hoạch (đất ở và đất cây lâu năm dọc theo các tuyến đường chính); các trường hợp còn lại sử dụng đất xây dựng chuồng trại không phù hợp do nằm trong khu 184 ha quy hoạch khu du lịch sinh thái nên chưa được xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Một ao chứa nước thải chăn nuôi phía sau một trại heo nước đen kịt, bốc mùi hôi thối.

Trước thực trạng các trang trại nuôi heo phát sinh trên khu đất công do Nhà nước quản lý, năm 2019, Phòng Tài nguyên và Môi trường đề xuất UBND huyện Dương Minh Châu quản lý chặt chẽ khu đất 309 ha, không để cho các cơ sở vi phạm, kiên quyết xử lý nghiêm, không để xây dựng mới.

Vấn đề được đặt ra: các trại nuôi heo trên khu đất công tại ấp B2, xã Phước Minh có quy mô khá lớn nhưng không có hồ sơ về môi trường, do đó cần phải có sự vào cuộc và có giải pháp đồng bộ từ chính quyền địa phương đến các cơ quan có thẩm quyền.

Trước mắt cần xử lý nghiêm những cơ sở chăn nuôi không tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường, trả lại bầu không khí trong lành cho người dân xung quanh, chính quyền địa phương và các ngành chức năng sớm thu hồi số đất công sử dụng không đúng mục đích trong thời gian sớm nhất.

Thế Nhân

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh