BAOTAYNINH.VN trên Google News

Trang trại ở Tây Ninh:Giảm số lượng, tăng quy mô

Cập nhật ngày: 29/01/2012 - 08:58

Năm 1997, Ban Kinh tế Tỉnh uỷ tổ chức khảo sát tình hình phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh. Đây coi như là đợt điều tra đầu tiên về kinh tế trang trại ở Tây Ninh. Đợt điều tra này đã xác định sơ bộ là Tây Ninh có khoảng hơn 2.700 trang trại. Năm 2000, theo tiêu chí thống nhất cả nước, Cục Thống kê điều tra xác định lại số trang trại ở Tây Ninh. Kết quả điều tra lại, năm 2000 Tây Ninh có 2.250 trang trại- giảm hơn tổng số trang trại đã được điều tra trước đây là gần 500 trang trại. Trong đó có hơn 1.800 trang trại trồng trọt nông nghiệp, hơn 130 trang trại chăn nuôi, hơn 50 trang trại nuôi trồng thuỷ sản… với tổng số vốn đã đầu tư ước khoảng hơn 500 tỷ đồng và giá trị hàng hoá, dịch vụ hằng năm đạt khoảng hơn 350 tỷ đồng. Năm 2006, Tây Ninh tiếp tục điều tra tình hình phát triển kinh tế trang trại và lúc đó toàn tỉnh chỉ còn khoảng hơn 2.000 trang trại.

Trang trại trồng cây hàng năm giảm mạnh

Năm 2011, Cục Thống kê tiến hành đợt điều tra nông thôn, nông nghiệp và thuỷ sản trên địa bàn tỉnh, trong đó có điều tra, thống kê lĩnh vực kinh tế trang trại theo tiêu chí mới của Bộ NN&PTNT với quy mô bình quân về diện tích và lao động của mỗi trang trại cao hơn giai đoạn trước. Theo Thông tư số 27/2011/TT-BNNPTNT ngày 13.4.2011 của Bộ NN&PTNT, tiêu chí mới xác định kinh tế trang trại phải thỏa mãn điều kiện sau. Đối với cơ sở trồng trọt, nuôi trồng thuỷ sản, sản xuất tổng hợp vùng Đông Nam Bộ phải có diện tích trên mức hạn điền, tối thiểu là 3,1 ha và giá trị sản lượng hàng hoá đạt 700 triệu đồng/năm. Đối với cơ sở chăn nuôi phải đạt giá trị sản lượng hàng hoá từ 1 tỷ đồng/năm trở lên. Đối với cơ sở sản xuất lâm nghiệp phải có diện tích tối thiểu 31 ha và giá trị sản lượng hàng hoá bình quân đạt 500 triệu đồng/năm trở lên.

Qua kết quả điều tra theo tiêu chí mới cho thấy hiện nay Tây Ninh chỉ còn 856 trang trại giảm hơn tổng số trang trại điều tra năm 2006 đến gần 1.200 trang trại. Tổng diện tích đất sản xuất ở các trang trại theo thống kê mới hiện nay là 16.251 ha- giảm hơn tổng diện tích điều tra trước đây khoảng gần 7.900 ha, nhưng quy mô diện tích bình quân từng trang trại tăng lên là 19 ha cao hơn diện tích bình quân trước đây khoảng 7,2 ha. Tổng số lao động làm việc thường xuyên ở các trang trại theo điều tra mới hiện nay là hơn 7.000 người giảm hơn con số điều tra trước đây trên 8.300 lao động, nhưng số lao động bình quân ở từng trang trại tăng gấp đôi so với trước đây. Hầu hết các trang trại thuộc lĩnh vực trồng trọt chiếm đến 814/856 trang trại, còn lại lĩnh vực chăn nuôi 37 trang trại, lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản chỉ có 5 trang trại. Địa phương có số trang trại nhiều nhất là huyện Tân Biên 362 trang trại, kế đến là huyện Tân Châu 333 trang trại, huyện Châu Thành 75 trang trại, huyện Dương Minh Châu 37 trang trại, thị xã Tây Ninh 23 trang trại, huyện Gò Dầu 18 trang trại. Thấp nhất là huyện Trảng Bàng chỉ có 2 trang trại và huyện Bến Cầu, Hoà Thành chỉ có 3 trang trại.

Trang trại trồng cây cao su chiếm gần 90% tổng số trang trại

Về cơ cấu lĩnh vực hoạt động các trang trại, qua điều tra theo tiêu chí mới cho thấy hầu hết trang trại thuộc nhóm trồng cây lâu năm. Cụ thể, trong 856 trang trại được thống kê theo tiêu chí mới có đến 732 trang trại trồng cây cao su- chiếm đến hơn 85% tổng số trang trại trên địa bàn tỉnh với tổng diện tích sử dụng là hơn 14.000 ha- chiếm hơn 89% tổng diện tích trang trại toàn tỉnh. Trong đó huyện Tân Biên có đến 330 trang trại và huyện Tân Châu có 285 trang trại trồng cây lâu năm. Qua kết quả điều tra mới này cho thấy trong thời gian gần đây xu hướng trang trại ở Tây Ninh chuyển dịch ngày càng mạnh sang lĩnh vực trồng cây lâu năm có giá trị kinh tế cao. Nếu như năm 2006, Tây Ninh chỉ có hơn 35% số trang trại thuộc lĩnh vực trồng cây lâu năm thì đến nay số trang trại trồng cây lâu năm ở Tây Ninh đã chiếm đến hơn 89% tổng số trang trại. Ngược lại, số lượng trang trại trồng cây hàng năm giảm rất mạnh- từ hơn 57% theo điều tra năm 2006 xuống chỉ còn hơn 10% theo điều tra mới đây. Kết quả này có được có phần do tiêu chí trang trại thay đổi nhưng chủ yếu là giá trị kinh tế cây cao su ngày càng cao khiến số hộ đầu tư phát triển cây cao su ở Tây Ninh ngày càng nhiều và có quy mô diện tích ngày càng lớn.

Theo kết quả điều tra thì giá trị sản phẩm và dịch vụ bình quân mỗi trang trại trên địa bàn tỉnh thu được trong năm điều tra đạt không dưới 2,5 tỷ đồng. Còn hiệu suất sử dụng đất thì đạt trung bình đến khoảng 134 triệu đồng/ha/năm và năng suất lao động đạt bình quân hơn 300 triệu đồng/người/năm. So với những năm trước đây thì hiệu quả kinh tế trang trại hiện nay cao hơn khá nhiều. Từ đó cho thấy kinh tế trang trại ở Tây Ninh không những ngày càng chuyển dịch mạnh từ lĩnh vực trồng cây hằng năm sang trồng cây lâu năm có giá trị kinh tế cao mà giá trị sản phẩm và dịch vụ ở các trang trại cũng được nâng lên ngày càng cao.

Sơn Trần