Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Mà phải là quê tôi cỡ mấy mươi năm về trước thì càng đẹp… Bởi lúc đó, trăng như cái đèn pin khổng lồ chiếu rọi xuống khắp nhân gian, khi cả xóm còn xài đèn dầu.
Ngắm trăng ở đâu là đẹp nhất?
Tôi không ngại trả lời liền là ở quê tôi.
Cái thời muốn có điện phải câu mắc tới mấy lần, tới được nhà mình thì điện yếu nhớt rồi. Nhà nào có điều kiện mua cái bình xiệc (ổn áp) thì hoạ may điện còn mạnh mạnh được một chút.
Mà, nhà tôi lúc đó cũng thuộc dạng nghèo của xóm, mỗi khi tựu trường là ba tôi lại đến xã xin xác nhận nhà thuộc diện xoá đói giảm nghèo để được giảm học phí. Cỡ đó thì lấy đâu ra tiền mà mua cái bình xiệc đắt đỏ đó. Nói chứ, cơm canh đạm bạc vậy mà mỗi khi tới trăng tròn thì cả nhà vui lắm!
Ba tôi rinh cả cái giường tre ra ngoài sân, rồi cả nhà nằm, ngồi đủ kiểu ngó lên trời ngắm trăng. Tay cầm cái quạt nan phe phẩy nhẹ nhẹ thôi là cả một làn gió mát thổi vào mặt. Bao nhiêu mệt mỏi qua một ngày học tập, lao động của cả nhà tan biến.
Chỉ còn lại khung cảnh nên thơ chốn làng quê yên bình, trăng thanh gió mát. “Sân nhà em sáng quá/Nhờ ánh trăng sáng ngời/Trăng tròn như cái đĩa/Lơ lửng mà không rơi/ Những hôm nào trăng khuyết/Trông giống con thuyền trôi/ Em đi trăng theo bước/Như muốn cùng đi chơi”- chị Hai khe khẽ đọc bài thơ cô giáo dạy rồi khoe với ba má.
Hết đọc thơ rồi kể chuyện, chuyện học hành, chuyện bạn bè rồi chuyện hàng xóm, tôi tưởng tượng nếu kể tới sáng chắc cũng chưa hết chuyện. Cái gì cũng hỏi, cái gì cũng muốn biết, hàng đống câu hỏi nhưng ba tôi vẫn nhẫn nại lắng nghe, trả lời từng câu, đại loại như “Ba ơi! Sao con cứ có cảm giác trăng nó đi theo con, con đi đâu cũng thấy nó ở sau lưng?”; “Ba ơi, sao con tắc kè ở bụi tre nhà bác Bảy nó kêu hoài vậy ba?”; “Ba ơi, ba có thấy chú Cuội trên đó không?”…
Gặp bữa có trăng mà cúp điện, cả xóm- nhà nào cũng ra ngoài hiên ngồi ngắm trăng, nói chuyện phiếm. Thời cả xóm còn xem ké truyền hình đen trắng của nhà khá giả nhất, đang coi mà hết bình thì thất thểu đi về, tiếc đứt ruột cái khúc cuối không biết phim kết thúc ra sao. Cái thời mà tin tức còn truyền miệng nhau thì lũ trẻ con là truyền thông tin giỏi nhất. Cứ thử cúp điện rồi có điện đi, hai chữ “có điện” lan nhanh hơn điện qua mấy cái loa miệng của tụi nó.
Hồi còn chưa biết tính tháng, tính ngày thì ba tôi dạy cứ nhìn trăng mà biết, trăng tròn là nửa tháng trôi qua, đến khi trăng khuyết còn nhỏ xíu như cái lưỡi liềm ba đem đi xuống ruộng cắt cỏ thì đã sắp tròn tháng.
Tính ra, một năm có tất thảy mười hai lần trăng tròn rồi lại khuyết. Nhưng dù trăng tròn hay trăng khuyết thì trăng vẫn không già đi. Chỉ có con người là già đi trông thấy. Tôi thấy rõ điều đó trên mái tóc của ba. Dần dà, tôi không dám nhổ tóc cho ba nữa, vì giờ nó đã trắng nhiều hơn đen, bạc từ tóc đến râu.
…Cũng lâu lắm rồi, tôi mới có dịp thảnh thơi ngắm trăng nơi hiên nhà. Trăng đêm nay cũng tròn vành vạnh, cũng sáng tựa như hôm ấy. Điện cũng ít khi cúp rồi.
Mà lạ thay, dù có điện sáng, người ta lại vẫn nhớ về ánh trăng của những ngày ấy- ngày mà ánh trăng chiếm một vị trí quan trọng trong cuộc sống chốn quê nhà!
X.V