BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tranh cãi xung quanh tiềm lực tên lửa và hạt nhân Triều Tiên

Cập nhật ngày: 06/04/2013 - 06:17

Hàng loạt những động thái đầy đe doạ gần đây của CHDCND Triều Tiên khiến dư luận lo ngại nguy cơ chiến tranh, mà cũng có thể là thế chiến thứ 3 sẽ bùng phát từ bán đảo này. Mới đây, hôm 4.4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland cho rằng, những tuyên bố “hiếu chiến” của chính quyền Bình Nhưỡng buộc Washington phải gia tăng củng cố khả năng đối phó quân sự, nhằm bảo vệ nước Mỹ cũng như các nước đồng minh.

Phát biểu của bà Nuland được đưa ra ngay sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Kwan-jin nhận định về việc Triều Tiên triển khai tên lửa tầm trung Musudan (còn gọi là Nodong B) ở khu vực bờ biển phía Đông có thể chỉ nhằm bắn thử hoặc tập trận. Ông Kim Kwan-jin cho rằng, tên lửa của Triều Tiên có tầm bắn 3.000km, nhưng vẫn không đủ khả năng bắn tới Mỹ. Trước đó, quân đội Triều Tiên khẳng định, họ đã nhận được lệnh sẵn sàng mở một cuộc tấn công tàn khốc vào nước Mỹ, trong đó bao gồm cả khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân.

Tên lửa KN-08 lần đầu tiên xuất hiện trong một cuộc duyệt binh ngày 15.4.2012 tại Bình Nhưỡng. Ảnh: AP

Triều Tiên là một quốc gia đầy bí ẩn. Cho dù đến nay các chuyên gia quân sự vẫn cho rằng nước này chưa đủ tiềm lực để thực hiện một cuộc tấn công bằng vũ khí hạt nhân, nhưng để đề phòng bất trắc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel vẫn ra lệnh triển khai hệ thống lá chắn tên lửa ở đảo Guam- vùng lãnh thổ của Mỹ trên Thái Bình Dương.

Trong những năm gần đây, Triều Tiên từng bước nâng cấp tên lửa của nước này, mà theo các quan chức chính quyền Bình Nhưỡng là có khả năng bắn tới Mỹ. Không ít người cho đây là điều đáng báo động, nhưng các chuyên gia quân sự cho rằng, không có bằng chứng nào cho thấy Triều Tiên đã đạt được trình độ thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để gắn vào tên lửa tầm xa– điều mà Mỹ, Nga, Trung Quốc và một số quốc gia khác đã đạt được từ hàng chục năm trước. Theo họ, có thể tên lửa Triều Tiên chạm tới được vài vùng lãnh thổ của nước Mỹ, nhưng không phải là sâu trong lục địa và cũng không phải là vũ khí hạt nhân.

Gary Samore– người từng là chuyên gia hạt nhân trong đội ngũ trợ lý an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ Barack Obama nhận định, những tuyên bố gây sốc của nhà lãnh đạo trẻ Triều Tiên Kim Jong-un chỉ là hù doạ, vì nước này không có tên lửa hạt nhân đủ sức bắn tới Mỹ. Mặt khác, theo vị chuyên gia này, Triều Tiên thừa biết rằng việc tấn công trực tiếp vào nước Mỹ cũng đồng nghĩa với sự tự sát.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tranh cãi về tiềm lực tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên, đặc biệt là khi Bình Nhưỡng vốn rất giỏi trong việc bảo mật nhằm che giấu sức mạnh của mình. Một vài quan chức Mỹ và chuyên gia tin rằng, Triều Tiên đã thành công trong việc thiết kế cũng như thu nhỏ một đầu đạn hạt nhân để gắn vào tên lửa tầm trung Nodong. Đây là loại tên lửa có thể bắn tới Hàn Quốc, Nhật Bản và Okinawa– nơi có căn cứ quân sự của Mỹ, nhưng nó không đủ sức vươn tới các vùng lãnh thổ của Mỹ trên Thái Bình Dương. Vấn đề là ở chỗ, cho dù Triều Tiên có thu nhỏ được đầu đạn hạt nhân, nhưng liệu họ đã tiến hành thử nghiệm đủ để bảo đảm đầu đạn này hoạt động?

 Một loại tên lửa khác của Triều Tiên mà các cơ quan tình báo Mỹ đang ráo riết tìm kiếm thông tin là KN-08, có tầm bắn xa hơn Nodong, lần đầu tiên xuất hiện cách đây một năm trong một cuộc diễu binh tại Bình Nhưỡng. Đô đốc James Winnefeld– Phó Chủ tịch Hội đồng tham mưu liên quân Mỹ cho rằng, KN-08 có thể “chạm được nước Mỹ, nhưng chỉ là những vùng như Guam, Hawaii Alaska, không thể đến lục địa Mỹ”. Tuy nhiên Greg Thielmann, cựu quan chức tình báo của Bộ Ngoại giao hiện đang làm việc cho Hiệp hội Kiểm soát vũ khí Mỹ tỏ ra nghi ngờ, ông nói loại tên lửa KN-08 xuất hiện tại Bình Nhưỡng có thể là trò lừa của Triều Tiên.

TRINH DƯƠNG

(Tổng hợp)