Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Nhiều trường hợp người dân đi khiếu nại “lộn tiệm”, vượt cấp… Trong đó do nhiều nguyên nhân, có thể do người khiếu nại chưa am hiểu pháp luật về đất đai, khiếu nại tố cáo, hoặc do chính quyền địa phương, cơ quan thẩm quyền trì trệ, nhập nhằng khiến dân như bị “hành”. Vì sao?

Luật Đất đai năm 2003 được Quốc hội thông qua ngày 26.11.2003 và các văn bản hướng dẫn quy định như Nghị định 181, 182 quy định cụ thể thủ tục và thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai. Tuy nhiên trong thực tế vẫn còn nhiều trường hợp người dân đi khiếu nại “lộn tiệm”, vượt cấp… Trong đó do nhiều nguyên nhân, có thể do người khiếu nại chưa am hiểu pháp luật về đất đai, khiếu nại tố cáo, hoặc do chính quyền địa phương, cơ quan thẩm quyền trì trệ, nhập nhằng khiến dân như bị “hành”. Vì sao?
Kỳ 1: TRANH CHẤP VÀ THỦ TỤC HOÀ GIẢI
![]() |
Một vụ tranh chấp lối đi ở huyện Trảng Bàng. |
Trong số đơn thư khiếu nại gửi Báo Tây Ninh hằng tuần có hơn 10 đơn thư, thì trong đó có hơn 50% tranh chấp về đất đai. Đó là tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai. Dù Luật Đất đai có đã lâu, song trong thực tế người khiếu kiện, người thụ lý giải quyết vẫn còn nhiều lúng túng! Theo ông Phạm Văn Chi, trưởng Phòng tiếp dân, UBND tỉnh cho biết, hằng tháng bộ phận tiếp dân của UBND tỉnh phải chuyển hơn 10 trường hợp khiếu nại, tố cáo của công dân trên lĩnh vực đất đai đến cơ quan có thẩm quyền. Sở dĩ có đơn vượt cấp, theo ông Chi là vì họ chưa hiểu luật, cấp xã chưa hoà giải và huyện cũng chưa giải quyết. Cũng có thể xã, huyện đã thụ lý, nhưng “ngâm” lâu quá, dân sốt ruột đi gõ cửa tới tỉnh! Tuy nhiên, tình hình khiếu kiện về đất đai thời gian qua đối tượng cũng chỉ “bổn cũ soạn lại”. Quan sát tại nơi tiếp dân vào thứ năm hằng tuần, chúng tôi nhận thấy hầu hết là “những gương mặt quá quen thuộc”. Chẳng hạn như: ông T.V.Ch, N.T.S. L.T.N, P.V.M. N.T.H. Ông Chi cho biết 5 trường hợp này, các cơ quan thẩm quyền về đất đai và cả chính quyền địa phương các cấp đã giải quyết thấu đáo, rốt ráo và đúng pháp luật, thế nhưng họ vẫn đi kiện dài dài… Trong những trường hợp khiếu nại kéo dài hiện nay, hầu hết đã có quyết định giải quyết cuối cùng. Có những vụ, cấp huyện thụ lý giải quyết, song họ tiếp tục kiện, các cơ quan cấp tỉnh như Sở Tài nguyên-Môi trường, Thanh tra và UBND tỉnh đã “ra tay”! Hay có trường hợp tranh chấp cấp tỉnh đã thụ lý, chưa giải quyết xong, người dân gửi hồ sơ đến tận Trung ương và đã có “câu trả lời” cuối cùng, thế mà vẫn cứ kiện (!?). Hiện nay trước tình hình cơn sốt “tấc đất tác vàng” thì chuyện kiện tụng nhau chỉ vài mét đất là chuyện “thường ngày ở huyện”. Thậm chí có những vụ ngay chính những người trong gia đình, thân tộc xung đột nhau gay gắt, đạo lý tình người đã bị rạn nứt đến mức báo động. Có người đã thốt lên rằng, “giá đất đi lên, tình người rơi xuống!”.
Theo luật định thì mọi tranh chấp đều phải thông qua thủ tục hoà giải bắt buộc. Quy định này xuất phát từ quan điểm của Nhà nước là khuyến khích ý chí tự nguyện của công dân. Còn nếu không hoà giải được thì phải ra UBND xã, phường nơi có tài sản để giải quyết. Phần thủ tục này, có nhiều nơi chính quyền cơ sở lơ là, lách qua, hay né tránh. Hay do năng lực chuyên môn của một số cán bộ tư pháp, địa chính còn hạn chế. Theo thống kê, đơn thư khiếu nại gửi Báo Tây Ninh có rất nhiều trường hợp chưa qua thủ tục hoà giải?
Muốn thực hiện hiệu quả, đúng thủ tục hoà giải, UBND cấp cơ sở có trách nhiệm cùng với Mặt trận và các ban ngành đoàn thể. Thời hạn hoà giải là 30 ngày (ngày làm việc), kể từ lúc nhận được đơn của các bên tranh chấp. Thủ tục, kết quả hoà giải phải được lập thành biên bản. Trong đó, nêu rõ kết quả hoà giải (thành, không thành), có xác nhận của UBND cấp xã, phường nơi có đất. Các đương sự tranh chấp sẽ được nhận biên bản này. Trường hợp sau khi hoà giải, mà một bên hoặc các bên đều không đồng ý, thì họ có thể gửi đơn đến toà án và uỷ ban nhân dân để giải quyết.
Lê Minh
(còn tiếp)