Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Hồ Chí Minh
Tranh chấp lối đi chung ở Châu Thành: TAND tối cao huỷ án
Thứ sáu: 11:10 ngày 14/10/2011

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Ở ấp Bình Hoà, xã Thái Bình, huyện Châu Thành, con đường hẻm công cộng giáp quốc lộ 22B có chiều ngang 4m, dài gần 40m bị một hộ dân lấn chiếm xây dựng “chuồng bò”, con hẻm bị “bóp” lại còn 1m từ năm 2006.

Ở ấp Bình Hoà, xã Thái Bình, huyện Châu Thành, con đường hẻm công cộng giáp quốc lộ 22B có chiều ngang 4m, dài gần 40m bị một hộ dân lấn chiếm xây dựng “chuồng bò”, con hẻm bị “bóp” lại còn 1m từ năm 2006. Hơn 20 hộ dân sống trong hẻm này đã nhiều lần kiến nghị nhưng chưa được giải quyết dứt điểm. Mới đây, Toà Dân sự TAND tối cao đã có quyết định huỷ bản án dân sự phúc thẩm (DSPT) và bản án dân sự sơ thẩm (DSST), yêu cầu TAND huyện Châu Thành xét xử lại vụ “Tranh chấp lối đi” giữa các hộ dân với ông Đỗ Văn Lợt, bà Nguyễn Thị Nhân.

Theo trình bày của người dân, nguồn gốc con hẻm đi từ quốc lộ 22B vào các hộ dân ấp Bình Hoà nằm cặp đất gia đình ông Đỗ Văn Lợt và bà Nguyễn Thị Nhân. Bên kia là cơ sở bán vật liệu xây dựng của ông Bái dài gần 40m, rộng 4m. Đây là lối đi duy nhất của 20 hộ dân đang cư ngụ tại tổ 8, 9, 10, ấp Bình Hoà từ năm 1954. Tuy nhiên đến tháng 1.2006, gia đình ông Đỗ Văn Lợt và bà Nguyễn Thị Nhân đã ngang nhiên cất chuồng bò lấn chiếm con đường và chỉ chừa lại khoảng 1m ngang. Từ một con đường hẻm khá rộng rãi, bỗng chốc bị thu hẹp, người dân phải mượn lối đi khác nên việc đi lại, giao thương buôn bán gặp nhiều khó khăn.

Chuồng bò do gia đình ông Đỗ Văn Lợt dựng lên, chắn ngang lối đi chung gây khó khăn cho việc đi lại của người dân bên trong

Từ cách giải quyết của chính quyền địa phương...

Tháng 1.2006, bà Nguyễn Thị Tấm, đại diện cho các hộ dân đã liên tục gửi đơn lên UBND xã Thái Bình khiếu nại và đã được UBND xã tổ chức hoà giải nhưng không thành. Người dân tiếp tục khiếu nại. Ngày 24.7.2006, UBND huyện Châu Thành có văn bản trả lời, đồng thời đề nghị Toà án nhân dân (TAND) huyện Châu Thành xem xét giải quyết khiếu nại của bà Nguyễn Thị Tấm. Nội dung văn bản như sau: Năm 1999-2000, xã Thái Bình tiến hành đo đạc lưới toạ độ chính quy. Năm 2001, ông Đỗ Văn Lợt được UBND huyện Châu Thành cấp giấy CNQSDĐ. Trong khi đó con đường đi của 20 hộ dân bên trong dù trên thực tế sử dụng từ trước giải phóng, nhưng do tập quán và quan hệ thân tộc nên con đường không bồi đắp, cắm mốc và ranh giới rõ ràng, đo đạc theo chỉ dẫn của ông Lợt. Hiện nay, đất ông Lợt đã được cấp giấy đúng theo kết quả đo đạc chính quy năm 1999-2000, do đó UBND huyện không có cơ sở xem xét.

Tuy nhiên, theo đề nghị xác định lại con đường của TAND huyện Châu Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, Nguyễn Quốc Dũng lại trả lời (bằng văn bản): “Năm 2000, UBND xã Thái Bình đo đạc lưới toạ độ chính quy, theo hiện trạng sử dụng đất của từng hộ gia đình, cá nhân. Qua đó không thể hiện con đường đi nơi các hộ dân trên tranh chấp. Do vậy, phần đất các hộ bên trong tranh chấp (cho rằng đất đường đi) nằm trong giấy CNQSDĐ đã cấp cho hộ ông Đỗ Văn Lợt và bà Nguyễn Thị Nhân sử dụng” (?!).

Đến quyết định của toà án

Tại phiên toà xét xử sơ thẩm ngày 30.11.2006, các hộ dân trình bày, từ năm 1954, con đường được hình thành từ quốc lộ 22B đi vào khu dân cư (có chiều ngang khoảng 3,5m, dài 40m). Tháng 1.2006, ông Đỗ Văn Lợt tự ý làm chuồng bò lấn đường gây khó khăn cho việc đi lại, yêu cầu ông Lợt tháo dỡ chuồng bò trả lại lối đi chung. Tuy nhiên, phía ông Lợt, bà Nhân cho rằng, từ năm 1963, vợ chồng ông đến đây sinh sống. Năm 1976, ông sang nhượng lại của một người dân phần đất có chiều ngang 15m, dài 40m, với giá 1.200 đồng. Khi mua, phần đất trên không có con đường nên ông không giao trả. Nay nếu các hộ dân có nhu cầu, ông sẽ bán 2m ngang, dài hết đất với giá 14 cây vàng 24K (loại 99%). 

Trước sự việc này, Toà DSST quyết định chấp nhận yêu cầu khởi kiện của 20 hộ dân do bà Nguyễn Thị Tấm đại diện, buộc ông Lợt, bà Nhân tháo dỡ chuồng bò trả lại lối đi chung cho 20 hộ dân phía bên trong mà ông Lợt, bà Nhân đang quản lý sử dụng, đồng thời kiến nghị UBND huyện Châu Thành điều chỉnh giấy CNQSDĐ  cho phù hợp với quyết định của toà án.

Tuy nhiên, bản án dân sự phúc thẩm (DSPT) của TAND tỉnh Tây Ninh lại cho rằng lối đi đang tranh chấp thuộc quyền sử dụng của ông Lợt, bà Nhân. Một mặt buộc ông bà tháo dỡ chuồng bò, mở con đường ngang 3,5m x 25,9m để các hộ đi chung, nhưng lại buộc 20 hộ dân này trả cho mỗi hộ 6.250.000 đồng và kiến nghị UBND huyện Châu Thành điều chỉnh giấy CNQSDĐ cho ông Lợt phù hợp với quyết định DSPT.

Tại sao lại huỷ án?

Theo Quyết định kháng nghị của Chánh án TANDTC, trong quá trình giải quyết vụ án, phía nguyên đơn cho rằng lối đi đang tranh chấp là lối đi chung từ năm 1954, còn bị đơn là ông Lợt, bà Nhân cho rằng vào năm 1976 mới hình thành lối đi. Tuy nhiên, tại văn bản trả lời con đường của UBND huyện Châu Thành vào năm 2006 xác định, con đường có từ trước giải phóng, như vậy ông Lợt kê khai, đăng ký xin cấp giấy CNQSDĐ bao gồm cả diện tích có lối đi chung là không đúng. Sau khi được cấp giấy CNQSDĐ, ông Lợt rào đường và dựng chuồng bò. Mặt khác, Thi hành án huyện Châu Thành cho rằng, trong số 20 hộ gia đình đi khởi kiện, có 7 hộ không có nhà, đất tại nơi xảy ra tranh chấp.

TANDTC nhận định: Trong trường hợp này, khi tiến hành xét xử lẽ ra phải thu thập, xác minh chính xác thời gian hình thành lối đi chung (năm 1954 hay năm 1976). Đồng thời làm rõ về hồ sơ kê khai xin cấp giấy CNQSDĐ của ông Lợt, bà Nhân. Lấy ý kiến chính thức của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tại địa phương về việc cấp giấy cho ông Lợt, bà Nhân. Mặt khác, cầu yêu cầu cơ quan chuyên môn đo, vẽ, xác định lối đi chung đang tranh chấp, để có cơ sở xác định chính xác về diện tích lối đi. Về vấn đề 7 hộ dân đứng đơn khởi kiện nhưng lại không có nhà, đất tại đây cũng cần thu thập, xác minh thì mới có đủ căn cứ giải quyết vụ án. Toà án tối cao cho rằng, toà án cấp sơ thẩm, cấp phúc thẩm chưa xác minh làm rõ các vấn đề trên mà lại quyết định bản án. Toà án cấp sơ thẩm công nhận lối đi có tranh chấp là lối đi chung, buộc ông Lợt, bà Nhân tháo dỡ bỏ chuồng bò, còn Toà án cấp phúc thẩm chỉ căn cứ vào lời khai của ông Lợt, bà Nhân, được cấp giấy CNQSDĐ và được quyền sử dụng đất có lối đi chung là chưa đủ căn cứ.

Với những sai sót trên của toà án cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm, TANDTC đã quyết định huỷ bản án DSPT của TAND tỉnh Tây Ninh và bản án DSST của TAND huyện Châu Thành, đề nghị xét xử sơ thẩm lại theo quy định của pháp luật. 

Tâm Giang

 

 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục