BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tranh cử Tổng thống Mỹ 2024: Cuộc chiến giữa nước Mỹ cũ và mới 

Cập nhật ngày: 15/09/2024 - 10:19

Các chính sách đề xuất của ông Trump đối lập với bà Harris, một bên hoài niệm về vinh quang quá khứ của nước Mỹ, còn một bên muốn đối mặt và tiến lên phía trước.

"Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại" - khẩu hiệu mà ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump sử dụng trong suốt tám năm qua.

"Vạch ra một con đường mới tiến về phía trước" là tuyên bố của ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ Kamala Harris.

Các giá trị và chính sách đề xuất của hai ứng cử viên khác biệt rất lớn: Một bên hoài niệm về vinh quang của nước Mỹ trong quá khứ và muốn quay trở lại ngày xưa bằng mọi giá; trong khi bên kia muốn đối mặt với thực tế mới bằng những tư duy mới mẻ và những cách sáng tạo để định hình một tương lai mới cho nước Mỹ.

Ông Donald Trump và bà Kamala Harris bắt tay trước khi bắt đầu cuộc tranh luận ngày 10/9. (Ảnh: News24)

Hồi sinh vinh quang trong quá khứ

Tại Đại hội toàn quốc đảng Dân chủ (DNC) vừa qua, khi bà Harris tuyên bố rằng nước Mỹ "sẽ không quay đầu lại", hội trường sự kiện bùng nổ trong sự phấn khích khi hàng nghìn đại biểu của đảng đứng dậy và reo hò đồng thanh.

Những lời kêu gọi liên tục của bà Harris rằng đừng bao giờ quay lại là một sự đối lập rõ ràng với suy nghĩ hoài niệm và cách tiếp cận bầu cử của ông Trump là "đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại".

Ông Trump hồi tưởng về sự vĩ đại trước đây của xã hội và sự thống trị của nước Mỹ, bày tỏ vô cùng lo ngại về sự suy thoái của các giá trị truyền thống của nước Mỹ, nền kinh tế mạnh mẽ và sức mạnh quốc gia. Cựu Tổng thống trân trọng vinh quang trong quá khứ của nước Mỹ, yêu đất nước và hy vọng rằng nước Mỹ có thể vĩ đại trở lại.

Ông Donald Trump không thể chấp nhận các chính sách của Đảng Dân chủ mà ông cho là quá thiên tả và mang tính chính trị đúng mực đến cực đoan.

Ông chỉ trích gay gắt các chính sách biên giới lỏng lẻo của chính phủ Dân chủ khiến đất nước ngập tràn người nhập cư bất hợp pháp; cũng như việc họ lấy tiền của người nộp thuế và lạm dụng phúc lợi; dung túng cho những kẻ phạm tội vặt; nới lỏng việc hợp pháp hóa ma túy và cần sa; dung túng cho tội phạm; ủng hộ việc cắt giảm ngân sách cảnh sát; mở rộng vô thời hạn quyền của người Mỹ gốc Phi và những người không phải dị tính; và cho phép nam - nữ sinh viên chia sẻ phòng tắm và ký túc xá trong trường đại học.

Những điều này được cho là không tương thích với các giá trị truyền thống của nước Mỹ và thậm chí đã dẫn đến thâm hụt tài chính, với các vấn đề nội bộ và uy tín quốc gia bị ảnh hưởng.

Về mặt đối ngoại, ông Trump bất mãn việc các đồng minh của Mỹ đang lợi dụng Mỹ, dựa dẫm vào sự bảo vệ của Mỹ mà không sẵn sàng làm bất kỳ điều gì đáp lại. Ông khẳng định rằng mọi quốc gia đều phải trả tiền để được bảo vệ.

Ông thất vọng với việc ký kết các hiệp định kinh tế và thương mại tự do với các đồng minh Mỹ mà chỉ khẳng định lại các cam kết quốc tế, và ông muốn quay trở lại chủ nghĩa biệt lập truyền thống của nước Mỹ khi các tổ chức quốc tế không ưu tiên lợi ích của Mỹ. Đây là những tư duy và hành động mà nước Mỹ cũ theo đuổi.

Cách tiếp cận bầu cử của cựu Tổng thống Donald Trump là "đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại". (Ảnh: Getty Images)

Lợi ích của các nhóm khác nhau

Lớn lên trong một gia đình da trắng giàu có, ông Trump ưu tiên lợi ích của các tập đoàn và người giàu, đồng thời tin tưởng mạnh mẽ vào trách nhiệm của cá nhân, đó là lý do tại sao ông ủng hộ việc cắt giảm thuế doanh nghiệp từ 21% xuống 15%.

Trong khi đó, bà Harris sinh ra trong một gia đình lai, chịu ảnh hưởng sâu sắc từ xuất thân là người nhập cư Ấn Độ. Do đó, quan điểm chính trị và những người ủng hộ Phó tổng thống thiên về hoàn cảnh khó khăn và lợi ích của tầng lớp trung lưu, hạ lưu. Bà thúc đẩy sự tham gia tích cực của chính phủ vào nền kinh tế, cung cấp phúc lợi xã hội và tăng thuế doanh nghiệp từ 21% lên 28%.

Do sự gia tăng chênh lệch thu nhập, bà Harris muốn tạo ra một "nền kinh tế cơ hội" và tìm kiếm một xã hội công bằng, nhân ái, đầy phẩm giá, nơi mà ai cũng có thể thực hiện ước mơ và thành công dù gặp phải thất bại.

Sự suy giảm nhanh chóng của tầng lớp trung lưu Mỹ và sự gia tăng của tầng lớp nghèo đã trở thành xu hướng không thể đảo ngược. Bà Harris chú trọng vào tương lai của xã hội Mỹ và sinh kế của người dân, thúc đẩy việc xây dựng thêm nhà ở, trợ cấp trả trước cho các giao dịch mua nhà. Đồng thời, cắt giảm thuế cho các gia đình thu nhập trung bình và thấp, coi đó là sứ mệnh của mình để củng cố các hộ gia đình trung lưu.

Bà Harris so sánh nền tảng trung lưu của mình với hình tượng giàu có của ông Trump, nhằm đoàn kết phần lớn tầng lớp trung lưu và lao động Mỹ phản đối ông Trump, người đại diện cho thời đại cũ và siêu giàu.

Chính sách tài khóa và thuế của bà Harris hoàn toàn trái ngược với ông Trump, đặc biệt là quan điểm về thuế quan.

Để khôi phục tính cạnh tranh của các doanh nghiệp Mỹ, đưa họ trở lại và hồi sinh ngành sản xuất, ông Trump kiên quyết ủng hộ thuế quan 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu vào Mỹ. Ông thậm chí đề xuất thuế quan 60% đến 100% đối với hàng hóa Trung Quốc vì đã "đánh cắp" việc làm của người Mỹ.

Ông Trump thậm chí còn đe dọa sẽ áp thuế 200% đối với những chiếc xe điện giá rẻ được sản xuất tại Mexico sắp tràn vào thị trường Mỹ để bảo vệ ngành công nghiệp ô tô và việc làm của Mỹ.

Bà Harris chỉ trích rằng thuế quan mà ông Trump đề xuất sẽ dẫn đến lạm phát nghiêm trọng, khiến một gia đình điển hình phải chi thêm 3.900 USD mỗi năm. Về kế hoạch của ông Trump nhằm tăng cường sản xuất dầu và năng lượng truyền thống của Mỹ để hạ giá, bà Harris cho rằng đây là một bước thụt lùi, đồng thời tin tưởng vào việc hỗ trợ phát triển nền kinh tế xanh và năng lượng sạch.

Phó tổng thống Kamala Harris muốn tạo ra một "nền kinh tế cơ hội" cho nước Mỹ. (Ảnh: Reuters)

Vấn đề rõ ràng nhất phản ánh sự đối lập trong cách tiếp cận của hai người giữa việc bám vào truyền thống và thích ứng với thực tế mới, là quyền tự chủ sinh sản của phụ nữ.

Bà Harris ủng hộ quyền phá thai và chỉ trích mạnh mẽ cách giải thích của ba thẩm phán Tòa án Tối cao do ông Trump bổ nhiệm, cho rằng quyền phá thai không được Hiến pháp bảo vệ.

Bà Harris lập luận rằng việc phản đối phá thai là không tôn trọng phụ nữ và tước đi quyền tự do lựa chọn của họ, điều mà bà cho là vi phạm truyền thống tự do của Mỹ.

Quan hệ quốc tế 

Về quan hệ quốc tế, bà Harris tôn trọng thực tế quốc tế và ủng hộ hợp tác với các đồng minh để giải quyết các vấn đề an ninh và phát triển chung. Bà cam kết ủng hộ Ukraine, không giống như ông Trump muốn Ukraine công nhận nguyên trạng như ngày xưa và chấm dứt xung đột với Nga.

Bên cạnh đó, bà Harris đứng về phía chính sách truyền thống của Mỹ là ủng hộ quyền tự vệ của Israel, đồng thời nhấn mạnh cần tôn trọng quyền tự quyết của người Palestine. Bà tin rằng cách tiếp cận này là cần thiết để tạo điều kiện kết thúc cuộc xung đột Israel - Hamas và đạt được hòa bình.

Trong khi đó, ông Trump được cho là ủng hộ Israel vô điều kiện, như cách ông đã làm khi chuyển Đại sứ quán Mỹ đến Jerusalem trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, củng cố mối quan hệ vốn có giữa Mỹ và Israel.

Theo nhà bình luận Chen Kuohsiang của tờ Liên hợp Tảo báo, bà Harris khắc họa ông Trump như một người lập dị, muốn quay trở lại quá khứ, trong khi bản thân bà được định hình là một lãnh đạo tìm kiếm công lý, công bằng, tự do, các giá trị mới và một tương lai mới.

Bà Harris muốn xây dựng một nước Mỹ đầy cơ hội để tự hiện thực hóa, nhằm nhấn mạnh vai trò của mình như một đại diện cho thế hệ trẻ và tương lai của đất nước. Trong khi đó, ông Trump mô tả Harris như một người cấp tiến, thuộc phe tả quá khích và là người mang đến sự hỗn loạn.

Sự khác biệt và đối lập của họ đã định hình cuộc bầu cử tổng thống năm nay như một cuộc chiến giữa nước Mỹ cũ và mới. Kết quả là, đa số người Mỹ bị cuốn vào cuộc tranh cử, dẫn đến cảm xúc gia tăng và sự phân cực nghiêm trọng.

Hoa Vũ (Nguồn: Liên hợp Tảo báo)