Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Trong chặng đường phát triển của nền mỹ thuật Việt Nam, đặc biệt là thế kỷ XX, nghệ thuật tranh khắc gỗ đã có những đóng góp không hề nhỏ, tạo nên diện mạo mỹ thuật nước nhà độc đáo với đặc trưng riêng biệt, không lẫn với bất kỳ quốc gia nào.
Có thể nói rằng, nghệ thuật đồ hoạ xuất hiện ở Việt Nam từ rất sớm. Theo nghiên cứu của các nhà mỹ thuật về nội dung và phương pháp thể hiện, tranh khắc gỗ Việt Nam được chia thành các loại như: tranh dân gian bao gồm tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống, tranh Làng Sình, tranh kim hoàng…; tranh khắc gỗ hiện đại bao gồm: tranh khắc gỗ đen và tranh khắc gỗ màu. Dù là thể loại nào thì tranh khắc gỗ luôn giúp chúng ta hiểu biết sâu sắc hơn về nguồn gốc và tính dân tộc.
Tranh khắc gỗ chính là loại hình nghệ thuật và cũng là phương tiện có đầy đủ khả năng thể hiện cảm thức và mỹ cảm đương đại. Ngày nay, tranh khắc gỗ được thực hiện trên khuôn khổ lớn, phong phú về mặt biểu hiện hiệu quả thị giác.
Nó không còn nằm trong khung kính hay bộ sưu tập mà chiếm không gian rất rộng, có thể tham gia vào tác phẩm sắp đặt trong nhà hay ngoài trời. Tác phẩm khắc gỗ đương đại có thể chuyển tải không gian sâu hơn, tinh tế hơn, chuyển tải ý tưởng mạnh mẽ hơn thông qua các hình thức đó.
Từ năm 1925 đến nay, kể cả về số lượng tác phẩm và chất lượng nghệ thuật của các tranh khắc gỗ đã có những bước tiến vượt bậc, không chỉ tiếp tục kế thừa từ vốn truyền thống dân tộc của nghệ thuật khắc gỗ đó là những dòng tranh dân gian và những ván khắc kinh mà đã được mở rộng về nội dung thể hiện và đề tài sáng tác.
Có rất nhiều tác giả đã thành danh với chất liệu khắc gỗ và tự định hình một phong cách nghệ thuật riêng làm phong phú trang sử tranh khắc hiện đại mà vẫn mang đậm bản sắc dân tộc.
Thành công đó một phần là nhờ việc tiếp nhận có chọn lọc nghệ thuật khoa học hiện đại châu Âu trong xử lý không gian, diễn hình, diễn màu và những nét tinh hoa của tranh khắc phương Đông tạo nên một bản sắc mang đậm nét Việt.
Tuy nhiên trước những thay đổi của xu hướng nghệ thuật cũng như nhu cầu công chúng, tranh khắc gỗ dân gian Việt Nam cũng đứng trước không ít khó khăn.
Nếu như trước đây, chúng ta có những phường thợ chuyên khắc tranh và những làng khắc tranh mang tính chuyên môn hoá cao thì ngày nay những phường khắc tranh đó vẫn còn nhưng chỉ là khắc dấu, con giống hoặc những khuôn hình do khách hàng đặt.
Ngay cả các làng làm tranh truyền thống cũng thu hẹp quy mô và chuyển sang làm nghề mã nhiều hơn. Chính vì vậy mà số người làm tranh khắc gỗ ngày càng ít đi.
Đối với các hoạ sĩ hiện đại lựa chọn chất liệu khắc gỗ để sáng tác không phải đơn giản cho đa số, cũng có thể để thử nghiệm, cũng có thể vì hứng thú hay vì thỉnh thoảng mới làm theo tính thời cuộc. Nhưng rốt cuộc, số hoạ sĩ duy trì công việc sáng tác trên chất liệu này vẫn chiếm thiểu số.
Tranh khắc gỗ trở thành một chất liệu xa xỉ, vì gỗ để làm tranh bây giờ không dễ kiếm, các hoạ sĩ chuyển sang dùng ván ép để khắc nhiều hơn, thời gian để làm ra một tác phẩm lại lâu vì phải qua một công đoạn khắc mất nhiều thời gian và khoảng thời gian cảm xúc có thể làm mất dần đi do phải chuyển tải qua nhiều công đoạn từ việc làm phác thảo, đến việc chuyển phác thảo sang gỗ, rồi khắc, in. Điều này cũng khiến cho việc sáng tác trên chất liệu này đã kén người lại càng hiếm hơn.
Công bằng mà nói, nghệ thuật khắc gỗ đã đưa đến những cái nhìn mới trong tranh khắc và trong đời sống mỹ thuật đương đại, tranh khắc gỗ là một trong những phương tiện để mở rộng phạm vi, mở rộng hình thức thực hành nghệ thuật.
Tiềm năng phát triển tranh khắc gỗ có sẵn trong bản thân nó và luôn đáp ứng các nhu cầu sáng tạo nghệ thuật phù hợp thời đại, vì vậy không thể nói loại hình nghệ thuật này thiếu triển vọng.
Một thực tế đáng mừng là trong những năm gần đây, hội viên hội đồ hoạ đang trẻ hoá dần, họ ý thức trong việc chuyên môn hoá chất liệu lựa chọn sáng tác và bắt đầu thể hiện tính chuyên sâu của mình qua từng chất liệu. Điều này cũng là những dấu hiệu tốt cho lĩnh vực tranh khắc, báo hiệu những điều hay cho nghệ thuật đồ hoạ trong quá trình hội nhập thế giới.
Hồi tháng 6 vừa qua, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Triển lãm tranh khắc gỗ Việt Nam tại Nhật Bản. Những bức tranh Đông Hồ, Hàng Trống, Làng Sình mang đậm bản sắc văn hoá Việt Nam đã tạo ấn tượng tốt đẹp với ban bè quốc tế.
Đây là một hoạt động nhằm thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước trong việc giao lưu văn hoá nghệ thuật giữa hai nước đồng thời cũng thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với việc quảng bá di sản văn hoá dân tộc.
Thông qua triển lãm này, công chúng Nhật Bản và thế giới sẽ biết đến loại hình nghệ thuật đồ hoạ độc đáo của Việt Nam có từ lâu và diễn biến của loại hình nghệ thuật này, cũng như sự tiếp thu, ảnh hưởng truyền thống của các nghệ sĩ đồ hoạ Việt Nam.
Nội dung và hình thức của những tác phẩm, hiện vật trưng bày trong triển lãm đã giúp họ thấy được sức sáng tạo, tinh thần thẩm mỹ giàu chất nhân văn của dân tộc Việt Nam được lưu truyền qua nhiều thế hệ.
Trải qua những thử thách khắc nghiệt của thời gian và những thăng trầm của lịch sử, tranh khắc gỗ Việt Nam không chỉ đóng góp một vai trò quan trọng trong sự nghiệp chính trị của quốc gia, trong đời sống kinh tế, ca ngợi quê hương đất nước mà còn đóng góp những giá trị nghệ thuật và văn hoá làm nên diện mạo và nét đặc sắc Việt Nam.
Những “cuốn lịch sử bằng tranh” này đã ghi lại cả chặng đường lịch sử của một dân tộc anh hùng với sự kiên trì, bền bỉ, luôn nỗ lực giữ gìn bản sắc trong quá trình tiếp nhận, giao lưu văn hoá từ bên ngoài.
Hy vọng trong tương lai, cuốn sách lịch sử bằng tranh đó sẽ được thế hệ nghệ sĩ trẻ tiếp tục kế thừa và phát huy bằng những sáng tác tâm huyết để có thể đóng góp cho nền mỹ thuật nước nhà những tác phẩm giá trị, có thể sánh ngang với nghệ thuật quốc tế mà vẫn giữ được vẻ đẹp riêng của tranh khắc gỗ Việt Nam.
Nguồn: Cinet.vn