BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tránh lãng phí trong xây dựng trường ở các xã điểm nông thôn mới

Cập nhật ngày: 20/03/2016 - 10:56

Trường học được xây dựng rất khang trang (ảnh minh hoạ).

Theo Thông tư 41 ngày 4.10.2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, xã đạt tiêu chí trường học khi có tỷ lệ trường học các cấp (mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở) có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia theo quy định của vùng.

Theo quy định đối với vùng Nam bộ, để đạt tiêu chí trường học (tiêu chí 5) trong xây dựng nông thôn mới, 100% các trường (điểm chính và điểm phụ) trên địa bàn xã phải đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất.

Thực hiện quy định trên, những năm qua, Tây Ninh đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng cho việc xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn tỉnh, trong đó có nhiều trường ở xã điểm thực hiện xây dựng nông thôn mới. Trường học được xây dựng khang trang, cơ sở vật chất đạt chuẩn đã tác động tích cực đến kết quả dạy và học của thầy và trò, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục trong nhà trường. Tuy nhiên, do quy định của Bộ Giáo dục- Đào tạo (Bộ GD-ĐT), các trường và điểm trường khi xây dựng đạt chuẩn quốc gia phải có đầy đủ các phòng học, phòng chức năng (phục vụ học tập và các phòng khối hành chính) nên nhiều trường sau khi được xây dựng với cơ ngơi rộng lớn, đầy đủ thì lại… không sử dụng hết công năng. Điều đó gây lãng phí tài sản, ngân sách trong lúc các địa phương khác chưa được đầu tư vốn xây dựng trường học, các tiêu chí khác cũng đang rất cần nguồn vốn đầu tư mà chưa có được.

Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng tìm biện pháp chấn chỉnh. Sở Kế hoạch và Đầu tư (Sở KH-ĐT) đã có thông báo về việc thống nhất một số tiêu chí xác định quy mô đầu tư xây dựng trường học trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Theo đó, các trường tiểu học và THCS khi thực hiện đầu tư xây dựng theo chuẩn nông thôn mới phải có kết cấu và quy mô xây dựng phù hợp nhằm tránh lãng phí, theo hướng ghép các phòng chức năng để phát huy hiệu quả sử dụng thực tế của công trình.

Việc lồng ghép các phòng chức năng do Sở GD-ĐT chủ trì kết hợp với Sở KH-ĐT, Sở Xây dựng có hướng dẫn để làm cơ sở cho các huyện, thành phố thực hiện. Trên cơ sở đó, Sở GD&ĐT đã có Hướng dẫn số 400 ngày 10.3.2016 về đầu tư xây dựng trường tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất đối với các xã điểm xây dựng nông thôn mới. Các trường cơ bản đạt gần đủ các tiêu chí của trường đạt chuẩn quốc gia tiếp tục đầu tư xây dựng, phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục để đạt chuẩn quốc gia theo tiêu chí Bộ GD-ĐT.

Đối với khối trường tiểu học, các trường có từ 5 lớp trở xuống chỉ cần đầu tư xây dựng 5 phòng chức năng như: phòng giáo dục nghệ thuật, phòng y tế cùng với 3 phòng ghép gồm: Ngoại ngữ - Tin học; Thư viện - phòng truyền thống - hoạt động Đội; Phòng ban giám hiệu - phòng họp - phòng giáo viên - văn phòng. Các trường có từ 6 đến 10 lớp chỉ đầu tư xây dựng 7 phòng chức năng, gồm 4 phòng: giáo dục nghệ thuật, thư viện, phòng hiệu trưởng, phòng y tế cộng với 3 phòng ghép: Ngoại ngữ - Tin học; Truyền thống - hoạt động Đội; Phòng họp - phòng giáo viên - văn phòng - phòng phó hiệu trưởng. Các trường có từ 11 đến 15 lớp chỉ cần đầu tư xây dựng 8 phòng chức năng, trong đó cũng có 3 phòng ghép. Các trường có từ 16 đến 20 lớp chỉ đầu tư xây dựng 11 phòng chức năng, trong đó có 1 phòng ghép (Phòng truyền thống - hoạt động Đội).

Đối với khối trường THCS, các trường có từ 5 lớp trở xuống chỉ cần đầu tư xây dựng 6 phòng chức năng, trong đó chỉ có 1 phòng độc lập (phòng y tế). Các trường có từ 6 đến 10 lớp chỉ cần đầu tư xây dựng 8 phòng chức năng, bao gồm 3 phòng độc lập (Phòng y tế, Phòng thư viện và Phòng hiệu trưởng) và 5 phòng ghép. Các trường có từ 11 đến 15 lớp: chỉ cần đầu tư cho 9 phòng chức năng gồm 4 phòng độc lập (Phòng y tế, Phòng thư viện, Phòng hiệu trưởng và Phòng phó hiệu trưởng). Số còn lại đều là phòng ghép. Các trường có từ 16 đến 20 lớp chỉ đầu tư xây dựng 12 phòng chức năng, trong đó có 9 phòng độc lập.

Đối với các trường tiểu học và THCS có từ 20 lớp trở lên thì đầu tư xây dựng số phòng chức năng theo quy định của Bộ GD-ĐT.

Nâng cao chất lượng dạy và học mới là mục tiêu chính cần hướng tới (ảnh minh hoạ).

Về các điểm trường phụ, không xây dựng các phòng chức năng ở mỗi điểm (chỉ xây dựng ở điểm chính). Nhưng ở điểm phụ, ngoài phòng học cần xây thêm phòng giáo viên, khu vệ sinh (dành cho giáo viên, học sinh), có xây cổng, hàng rào, cột cờ…

 Các trường có tổ chức bán trú cần có phòng dành cho nhân viên. Tất cả các trường khi xây mới hoặc cải tạo lại đều phải bố trí phòng thường trực (bảo vệ) gần cổng trường.

Hướng dẫn của Sở GD-ĐT cũng nêu cụ thể diện tích, độ dài mỗi nhịp, độ rộng mỗi nhịp đối với từng phòng để bảo đảm sự thống nhất trong xây dựng tại các trường.

Trên cơ sở hướng dẫn tiêu chí xác định quy mô đầu tư xây dựng trường tiểu học và THCS đối với các xã điểm xây dựng nông thôn mới, Sở GD-ĐT yêu cầu các trưởng phòng GD-ĐT căn cứ các nội dung để tham mưu cho UBND các huyện, thành phố. Trong quá trình triển khai thực hiện có vướng mắc cần phản ánh trực tiếp về Sở để được hướng dẫn.

Mặc dù Trung ương cũng có những quy định, hướng dẫn trong việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, nhưng những quy định đó cần được điều chỉnh theo hướng phù hợp với tình hình thực tế mỗi địa phương, tránh áp dụng một cách máy móc. Trường đạt chuẩn quốc gia do UBND tỉnh công nhận. Vì vậy, việc thực hiện sao cho phù hợp là điều mà mỗi địa phương cần quan tâm, nghiên cứu. Xét cho cùng, việc nâng cao chất lượng dạy và học vẫn là điều quan trọng hơn cả và đó mới là mục đích để nhắm tới, không phải cứ cố xây cho được những ngôi trường đồ sộ, hoành tráng mà chất lượng chỉ… cầm chừng. Sự điều chỉnh này thể hiện sự linh hoạt của UBND tỉnh và các sở, ngành chức năng trong chỉ đạo, điều hành xây dựng trường chuẩn quốc gia, để vừa tránh sự lãng phí không đáng có, vừa có nguồn kinh phí dành cho các tiêu chí khác.

VŨ ĐÌNH LIỆU


 
Liên kết hữu ích