Tối 10-9 (giờ Mỹ, tương đương sáng 11-9 theo giờ VN), Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có phiên tranh luận đầu tiên do đài ABC News tổ chức, trong khuôn khổ cuộc đua vào Nhà Trắng. Hai bên liên tục tấn công nhau về loạt chủ đề đối nội, đối ngoại.
Tranh luận những gì?
Ngay từ đầu phiên tranh luận, ông Trump và bà Harris đã bắt đầu đấu khẩu về chính sách kinh tế của nhau. Ông Trump chỉ trích chính quyền bà Harris đã để lạm phát tăng cao. "Hãy nhìn xem, chúng ta có nền kinh tế tồi tệ vì lạm phát, được coi như yếu tố phá hoại nước Mỹ. Chúng ta chứng kiến tình trạng lạm phát hiếm gặp, có thể là tồi tệ nhất trong lịch sử của đất nước" - ông Trump nói trong phiên tranh luận.
Phần mình, bà Harris nói rằng chính quyền đương nhiệm của Tổng thống Joe Biden và bà đã phải "dọn dẹp" mớ hỗn loạn mà chính quyền ông Trump tạo ra và để lại. Bà Harris nhấn mạnh rằng bà có kế hoạch giúp đỡ các gia đình Mỹ đang lo lắng về nền kinh tế và chi phí sinh hoạt.
Theo đó, bà Harris đề cập kế hoạch xây dựng một “nền kinh tế cơ hội”, bao gồm các đề xuất nhằm giúp nhà ở có giá cả phải chăng hơn và mở rộng khoản tín dụng thuế dành cho các gia đình có trẻ em. Bà Harris cũng chỉ trích các đề xuất của ông Trump, như cắt giảm thuế cho các tập đoàn, cho rằng chúng sẽ gây tổn hại đến các gia đình thuộc tầng lớp trung lưu ở Mỹ.
Vấn đề quyền phá thai cũng được hai đối thủ tranh luận sôi nổi. Ông Trump khẳng định ông ủng hộ cấm phá thai từ 6 tuần tuổi trở xuống, vấn đề sẽ được đem ra bỏ phiếu ở bang Florida sắp tới. Tuyên bố trên là một sự thay đổi đáng chú ý so với quan điểm trước đây của ông Trump là ủng hộ cấm phá thai hoàn toàn. Ông Trump tiếp tục làm rõ rằng ông sẽ không ký vào đạo luật cấm phá thai trên toàn quốc nếu ông thắng cử, và tin rằng đó là chuyện các chính quyền bang nên xem xét chứ không phải liên bang.
Bà Harris ủng hộ việc phụ nữ có quyền phá thai, nhấn mạnh rằng “không nên bảo một người phụ nữ phải làm gì với cơ thể của chính họ". Bà Harris lưu ý cử tri rằng ông Trump sẽ ký thông qua luật cấm phá thai toàn quốc, đồng thời chỉ trích chính sách về quyền phá thai của ông Trump là “vô đạo đức".
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt tay nhau đầu phiên tranh luận. Ảnh: AFP
Về chính sách đối ngoại, liên quan xung đột Nga-Ukraine, ông Trump khẳng định muốn chiến sự chấm dứt. “Tôi muốn cứu mạng người. Tôi sẽ giải quyết cuộc chiến trước khi tôi trở thành nhậm chức. Tôi nghĩ rằng lợi ích tốt nhất của Mỹ là kết thúc cuộc chiến này và thúc đẩy các bên ngồi vào bàn đàm phán” - ông Trump nói. Cựu tổng thống không đưa ra thông tin cụ thể mà chỉ nói rằng ông sẽ nói chuyện với các nhà lãnh đạo của cả hai quốc gia.
Trong khi đó bà Harris nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của Mỹ. “Trên thực tế, vấn đề là nước Mỹ luôn phải đứng lên, với tư cách là một nhà lãnh đạo duy trì các quy tắc và chuẩn mực quốc tế. Là một nhà lãnh đạo thể hiện sức mạnh, hiểu rằng các liên minh mà chúng ta có trên khắp thế giới phụ thuộc vào việc quan tâm đến các nước bạn bè và không thiên vị kẻ thù” - bà Harris nói.
Liên quan xung đột Israel-Hamas, tại phiên tranh luận, ông Trump cho việc bà Harris không gặp Thủ tướng Israel - ông Benjamin Netanyahu khi nhà lãnh đạo Israel thăm Mỹ hồi tháng 7 là hành động cho thấy nữ phó tổng thống Harris không thích Israel. Cựu tổng thống nói rằng Israel “sẽ biến mất trong vòng 2 năm nữa” nếu bà Harris đắc cử.
Bà Harris tiếp tục giữ vững lập trường của chính quyền đương nhiệm, nhấn mạnh cam kết sẽ bảo vệ quyền tự vệ của Israel trước các đối thủ, bao gồm Iran.
“Chúng ta phải vạch ra giải pháp hai nhà nước và trong giải pháp đó, phải có an ninh cho người dân Israel và Israel phải có biện pháp bình đẳng cho người Palestine” - bà Harris nói rõ tại phiên tranh luận.
Một số chuyên gia nhận định rằng có vẻ Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris thắng thế trước cựu Tổng thống Donald Trump trong phiên tranh luận này, song kết quả này có thể sẽ không tạo ra nhiều biến động trong các cuộc thăm dò ý kiến cử tri.
Ai thắng, ai thua?
Nhận định về màn thể hiện của hai ứng viên, bà Karen Finney - chiến lược gia của đảng Dân chủ - nói rằng phiên tranh luận Trump-Harris sẽ được nhớ đến như một trong những màn tranh luận ấn tượng nhất trong nền chính trị hiện đại, theo hãng tin Reuters.
“Phó Tổng thống đang làm chính xác những gì bà ấy cần làm: nói về tầm nhìn và ý tưởng chính sách của mình, chỉ rõ sự tương phản giữa bà ấy và ông Trump. Còn ông Trump thì nói lan man, nói những thứ không đúng sự thật và vô nghĩa” - bà Finney nhận định về phiên tranh luận.
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trong phiên tranh luận. Ảnh: GETTY IMAGES
Trong khi đó, ông Ron Bonjean - chiến lược gia của đảng Cộng hòa - thì đánh giá rằng mặc dù bà Harris đã có thể chọc tức ông Trump bằng những cuộc tấn công được chuẩn bị kỹ lưỡng, nhưng vẫn chưa rõ liệu bà ấy có thuyết phục được những cử tri bình chọn cho bà hay không.
“Câu hỏi bây giờ là bà ấy thực sự đã thay đổi cục diện tới mức nào. Trong khi đó, ông Trump không mang lại lợi ích gì cho bản thân khi đồng ý tham gia phiên tranh luận này” - ông Bonjean nói.
Một số nhà bình luận như ông Erick Erickson (nhà bình luận chính trị nổi tiếng ở Mỹ) hay ông Jeremi Suri (GS Công vụ và Lịch sử tại ĐH Texas at Austin, Mỹ) cho rằng có vẻ như bà Harris thắng thế so với cựu tổng thống trong lần tranh luận này.
"Phần thể hiện của bà Harris gần như hoàn hảo. Bà ấy nhấn mạnh các vấn đề cốt lõi gồm phá thai, kinh tế, sự lãnh đạo của Mỹ trên thế giới. Bà ấy tiếp tục công kích ông Trump, khiến ông ấy phải phòng thủ, mà không gây phản cảm” - ông Suri nhận định.
Bên cạnh đó, người dẫn chương trình của đài CNN Chris Wallace cho rằng rằng bà Harris "đã đánh bại hầu hết mọi chủ đề mà tôi có thể nghĩ tới" và rằng phó tổng thống "đã khiến ông Trump phải im lặng". Trong khi đó, đội ngũ tranh cử của bà Harris cho biết họ hài lòng với màn thể hiện của phó tổng thống trong cuộc tranh luận.
Ở một góc nhìn khác, ông Chris Borick - GS Khoa học Chính trị tại ĐH Muhlenberg (Pennsylvania) - nhận định rằng cuộc tranh luận sẽ không tạo ra nhiều biến động trong các cuộc thăm dò ý kiến cử tri. “Cả hai đều bám khá sát sườn lối chơi của mình. Bà Harris đã có một số thành công nhất định trong việc khích tướng ông Trump, nhưng tôi không nghĩ ông ấy đã đi quá xa khỏi những thông điệp mà ông ấy muốn truyền tải” - theo ông Borick.
Phía bà Harris kêu gọi màn “so găng” thứ hai
Ngay sau kết thúc cuộc tranh luận tổng thống đầu tiên hôm 11-9 (giờ Việt Nam), đội ngũ tranh cử của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris kêu gọi tổ chức một cuộc tranh luận tổng thống tiếp theo với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, theo tờ The Hill.
“Dưới ánh đèn [sân khấu tranh luận] người dân Mỹ đã được chứng kiến sự lựa chọn mà họ sẽ phải đưa ra vào mùa thu này tại hòm phiếu: giữa việc tiến về phía trước với bà Harris, hoặc lùi lại với ông Trump. Đó là những gì họ đã thấy tối nay và những gì họ nên thấy tại cuộc tranh luận thứ hai vào tháng 10” - bà Jen O’Malley Dillon, người đứng đầu đội ngũ tranh cử của bà Harris, cho hay.
“Phó Tổng thống Harris đã sẵn sàng cho cuộc tranh luận thứ hai. Còn ông Donald Trump thì sao?” - bà Dillon nói.
Về phần mình, ông Trump cho biết đội ngũ của ông sẽ cân nhắc tham gia một cuộc tranh luận khác, nói rằng việc phía bà Harris kêu gọi cuộc tranh luận thứ hai có nghĩa là bà đã thua.
“Bà [Harris] muốn tham gia một cuộc tranh luận khác vì bà ấy đã bị đánh bại tối nay. Tôi không chắc chúng tôi có tham gia một cuộc tranh luận khác không. Bà ấy muốn tham gia một cuộc tranh luận thứ hai vì bà ấy đã thua tối nay, rất thảm hại… chúng tôi sẽ cân nhắc điều đó” - ông Trump nói ngay sau buổi tranh luận đầu tiên.
Nguồn PLO