Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội đảng
Đại hội đảng
Tranh thêu Quất Động
2011-11-13 12:24:00

Xưa kia Quất Động nổi tiếng với nghề thêu cân đai, áo mão, tán, lọng, hia, hài, câu đối, trướng... Ngày nay, Quất Động còn nổi tiếng với nghề làm tranh thêu tay. Tranh thêu tay Quất Động được đánh giá là giàu chất Á Đông, đẹp về màu sắc và hài hòa về đường nét.

Theo sử sách, vào thời Hậu Lê (1428-1788), Tiến sĩ Lê Công Hành trong một lần đi sứ phương Bắc đã học được nghề thêu sau đó về truyền dạy lại cho dân làng mình ở Quất Động, huyện Thượng Phúc, trấn Sơn Nam (nay thuộc xã Quất Động, huyện Thường Tín, Hà Nội). Kế từ đó, Quất Động trở thành trung tâm thêu nổi tiếng của cả nước.
Từ quê hương Quất Động của ông tổ nghề thêu Lê Công Hành, các thợ thêu toả đi truyền dạy nghề và lập nghiệp ở khắp nơi. Từ thế kỷ XVIII, các thợ thêu lành nghề ở Quất Động kéo nhau lên kinh thành Thăng Long, mở cửa hiệu, lập nên phố Hàng Thêu. Hàng thêu lúc đó chủ yếu phục vụ triều đình, đồng thời cũng có nhiều mẫu mã dùng cho các nghi lễ truyền thống như đồ thờ cúng, câu đối, trướng, lọng... Tinh xảo hơn cả là các loại khăn chầu, áo ngự cho vua chúa.

Lúc đầu, kỹ thuật thêu cũng đơn giản, màu sắc cũng chỉ mới có năm màu vàng, đỏ, xanh, tím, lục. Sau này, hàng thêu có thêm nhiều nguyên liệu mới như vải sa tanh, lụa; chỉ thêu cũng có nhiều màu và kỹ thuật thêu cũng tinh tế, khéo léo hơn.
Người thợ thêu vùng Quất Động giống như những hoạ sĩ dân gian khéo tay, tinh mắt. Bằng cây kim và những sợi chỉ màu, học đã tạo nên những bức tranh tinh xảo hoà hợp màu sắc trên nền lụa. Từ những đường phấn vẽ phác mờ trên nền lụa, người thợ thêu Quất Động khéo léo đi từng đường kim mũi chỉ tạo dần nên hình ảnh cỏ cây, hoa lá, chim muông, mây nước mềm mại, tươi tắn như bức tranh sống động nhiều màu sắc. Đặc biệt, để bức tranh thêu có màu sắc đẹp, người thợ thêu thợ đòi hỏi phải nắm vững kĩ thuật phối màu dựa trên việc chọn lựa màu chỉ thêu cho phù hợp.
 

Tranh thêu tay nghệ thuật truyền thống vùng Quất Động ngày nay có nhiều chủ đề khác nhau như: tranh tĩnh vật, tranh phong cảnh, tranh chân dung... Đặc biệt, những bức tranh thêu phong cảnh của Quất Động thường mang đậm phong cách nghệ thuật Á Đông. Đó là những motip nghệ thuật mang tính khuôn mẫu, nặng tính triết lý. Chẳng hạn như bức "tùng hạc" thể hiện tinh thần thanh tao cứng cáp của người quân tử theo quan niệm của Nho giáo. Bức "uyên ương trong đầm sen" với màu sắc tinh tế phản ánh sự nồng ấm của hạnh phúc. Bức "công trúc" lại khai thác hình tượng chim công sắc màu rực rỡ, múa bên khóm trúc vàng óng thật đẹp mắt. Nói chung, tranh Quất Động khai thác khá mạnh mảng đề tài mang tính cổ điển và ước lệ này, ví dụ như tranh về chim công, hoa phù dung, trúc - hạc, sen - vịt, tùng - hạc, chim trĩ - hoa phù dung... Bên cạnh đó, tranh thêu Quất Động cũng có nhiều đề tài khác như tranh gà, tranh hổ, tranh vinh quy bái tổ, tranh tam đa (Phúc - Lộc - Thọ)...
Làng nghề thêu Quất Động đã có bốn nghệ nhân thêu được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân cấp quốc gia. Một số mẫu tranh thêu cổ vùng Quất Động hiện đang được lưu trữ và trưng bày tại Bảng tàng Lịch sử Việt Nam.
Ngày nay, nghề làm tranh thêu tay ở Quất Động phát triển khá mạnh. Đi đến đâu trong làng cũng thấy có người làm tranh thêu, không chỉ có cụ già, thiếu nữ, mà nhiều nơi nam thanh niên cũng theo đuổi nghề này. Nhờ đó mà tranh thêu tay không chỉ ngày càng phát triển, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng trong nước và quốc tế mà còn góp phần tôn vinh vẻ đẹp nghề truyền thống của đất nước, con người Việt Nam.

Theo BAVN

 

 

Từ khóa:
Tin liên quan