Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tránh xáo trộn khi lựa chọn sách giáo khoa lớp 6
Thứ tư: 07:31 ngày 07/04/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Theo ý kiến của một số giáo viên, cán bộ quản lý, khi lựa chọn sách giáo khoa cần cẩn trọng, tìm hiểu thật kỹ để tránh tình trạng năm nay lựa chọn bộ sách này, sang năm đánh giá lại thấy không phù hợp, quay sang chọn bộ sách khác, vừa gây tốn kém, lãng phí vừa gây nên những phản ứng trong phụ huynh học sinh và dư luận không tốt trong xã hội.

Sách giáo khoa lớp 6 Cánh diều, Kết nối tri thức và Chân trời sáng tạo.

Chỉ còn khoảng 4 tháng nữa sẽ chính thức thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 6. Thời gian qua, ngành Giáo dục đã có rất nhiều văn bản chỉ đạo, tổ chức nhiều đợt tập huấn để triển khai cho tất cả cán bộ quản lý, giáo viên ở trường THCS. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn cần phải giải quyết. Dưới đây là ý kiến của một số giáo viên, cán bộ quản lý trong ngành.

Năm nay có 3 bộ sách giáo khoa (SGK) lớp 6 theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 được Bộ GD&ÐT cho phép sử dụng, gồm bộ Cánh diều, Kết nối tri thức và Chân trời sáng tạo. Theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019 và Thông tư 25/2020, UBND tỉnh sẽ quyết định việc chọn SGK. Tại thời điểm này, việc chọn SGK đang được các địa phương trong tỉnh, trong nước thực hiện theo quy định.

Theo ý kiến của một số giáo viên, cán bộ quản lý, khi lựa chọn sách giáo khoa cần cẩn trọng, tìm hiểu thật kỹ để tránh tình trạng năm nay lựa chọn bộ sách này, sang năm đánh giá lại thấy không phù hợp, quay sang chọn bộ sách khác, vừa gây tốn kém, lãng phí vừa gây nên những phản ứng trong phụ huynh học sinh và dư luận không tốt trong xã hội.

Vấn đề bố trí chuyên môn cho các môn tích hợp, chương trình giáo dục phổ thông mới có một số môn học được tích hợp từ nhiều lĩnh vực kiến thức khác nhau. Môn Khoa học tự nhiên là sự tích hợp giữa lĩnh vực hoá học, sinh học và vật lý; môn Lịch sử và Ðịa lý là sự tích hợp giữa kiến thức lịch sử và địa lý; môn Nghệ thuật là sự tích hợp giữa kiến thức mỹ thuật và âm nhạc.

Từ nhiều năm nay, giáo viên bộ môn nào dạy môn học đó. Việc phân công chuyên môn rõ ràng, việc bố trí giáo viên cơ bản ổn định để bảo đảm cho giáo viên các trường dạy đúng chuyên môn của mình. Nay, cùng một môn học nhưng tích hợp nhiều lĩnh vực kiến thức khác nhau, nên việc bố trí giáo viên dạy chuyên môn phải thế nào cho hợp lý?

Nếu phân công một giáo viên dạy cả hai (hoặc 3) phân môn của một môn tích hợp, e rằng chất lượng giảng dạy không thể tốt được. Hầu hết giáo viên THCS đều được đào tạo ở một hoặc tối đa là hai phân môn. Việc phân công mỗi giáo viên dạy một môn tích hợp là bắt buộc họ phải dạy ở những phân môn mà họ không được đào tạo.

“Giáo viên Toán - Lý nay sang dạy môn Khoa học tự nhiên thì họ chỉ am hiểu về lĩnh vực vật lý, còn lĩnh vực sinh học và hoá học thì hầu như không am hiểu. Tương tự, giáo viên môn Âm nhạc thì hiểu không đầy đủ về môn Mỹ thuật, đặc biệt là không có năng khiếu để vẽ. Nếu ai đó cho rằng giáo viên vẫn sẽ dạy được thì thực ra đó chỉ là lời nói thiếu trách nhiệm. Khả năng giáo viên chỉ dạy cho xong nhiệm vụ. Cuối cùng thì “trời tối gà sẽ vào chuồng”- một giáo viên nêu ý kiến.

Còn nếu phân công mỗi giáo viên dạy một lĩnh vực kiến thức thì phải phân công thế nào cho hợp lý? Từ trước đến nay, số giáo viên từng bộ môn đã được bố trí tương đối đồng đều để bảo đảm giáo viên dạy đúng chuyên môn. Thế nhưng, với việc bắt đầu thực hiện các môn tích hợp ở lớp 6 trong năm học tới, chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng vừa thừa vừa thiếu nếu phân công mỗi giáo viên dạy một lĩnh vực kiến thức.

Chẳng hạn với môn Khoa học tự nhiên lớp 6, mảng kiến thức hoá học sẽ học trước và yêu cầu giáo viên hoá học đứng lớp. Giáo viên này đồng thời phải đứng cả khối 8 và khối 9. Nếu như trước đây, giáo viên hoá học chỉ được bố trí đủ để dạy hoá học 8, hoá học 9, nay họ phải dạy cả hoá học ở lớp 6.

Như vậy, số tiết dạy sẽ tăng lên quá mức quy định. Trong khi đó, giáo viên bộ môn Sinh học, Vật lý lại phải “ngồi chờ” tới lượt dạy của mình. Rõ ràng, với việc chồng chéo về phân công chuyên môn như vậy sẽ dẫn đến tình trạng trong một thời gian nhất định sẽ vừa thừa, vừa thiếu giáo viên, có hiện tượng người làm không hết việc, người không có việc để làm. 

Năm học 2021-2022, lớp 2 và lớp 6 thay SGK (Ảnh minh hoạ).

Không những thế, nếu như bố trí một giáo viên dạy một mảng kiến thức, giáo viên nào sẽ thực hiện nhiệm vụ kiểm tra đánh giá học sinh? Kiểm tra đánh giá bài nào? Giáo viên nào sẽ nhập điểm, ký sổ học bạ, sổ điểm?

Ðể thực hiện được việc đổi mới phương pháp dạy học, có hai yêu cầu cơ bản là phương tiện thiết bị dạy học, sĩ số lớp học phải đầy đủ và phù hợp. Từ trước đến nay, ngành Giáo dục cũng chưa thực sự quan tâm tới mối quan hệ giữa đổi mới phương pháp dạy học với sĩ số lớp học.

Ðể có thể tổ chức hoạt động cho học sinh một cách hiệu quả, sĩ số lớp học phải ở mức độ phù hợp, mỗi lớp khoảng 25 đến 30 học sinh là vừa. Thế nhưng, hầu hết các trường THCS hiện nay đều có sĩ số lớp học khoảng 35-40 em trên lớp. Với sĩ số này, chắc chắn việc giáo viên tổ chức để học sinh hoạt động tìm tòi, khám phá lĩnh hội kiến thức sẽ kém hiệu quả.

Việc đổi mới SGK đặt ra yêu cầu bổ sung phương tiện, thiết bị, dụng cụ dạy học mới để bảo đảm cho việc thực hiện chương trình, phương pháp mới. Thế nhưng, đến nay vẫn chưa thấy ngành Giáo dục có động tĩnh gì về việc cấp phương tiện, thiết bị, đồ dùng dạy học theo chương trình mới cho các trường (đồ dùng, thiết bị dạy học hiện nay vẫn là thiết bị thuộc chương trình hiện hành).

Ð.V.T

“Theo chương trình giáo dục phổ thông mới, trong môn tích hợp Khoa học tự nhiên của các lớp 6, 7, 8, 9 đều có ba phần tương ứng với kiến thức thuộc lĩnh vực Vật lý, Sinh học, Hoá học được sắp xếp theo trình tự thời gian chi tiết.

Cụ thể, lớp 6: Hoá học (20%) - Sinh học (38%) - Vật lý (32%). Lớp 7: Hoá học (24%) - Vật lý (28%) - Sinh học (38%). Lớp 8: Hoá học (31%) - Vật lý (28%) - Sinh học (31%). Lớp 9: Vật lý (30%) - Hoá học (31%) - Sinh học (29%). Như vậy, ở mỗi lớp, các chủ đề thuộc mỗi lĩnh vực Vật lý, Hoá học, Sinh học do giáo viên có chuyên môn tương ứng phụ trách và được thực hiện gọn trong mỗi năm học.

Vấn đề đặt ra, học sinh lớp 6 sẽ học 3 phần gồm Hoá học (20%) - Sinh học (38%) - Vật lý (32%) và phân chia Hoá học sẽ được dạy nửa đầu học kỳ I, Sinh dạy nửa cuối học kỳ I, còn môn Lý sẽ được dạy nửa cuối học kỳ II.

Tuy nhiên, Khoa học tự nhiên chỉ có duy nhất một điểm trung bình bộ môn, lại do 3 giáo viên dạy, mỗi giáo viên lại có một sổ điểm đánh giá riêng biệt. Vậy thì có một môn học nhưng 3 giáo viên dạy, 3 quyển sổ điểm, 3 kế hoạch giảng dạy (giáo án) khác nhau.

Lúc đó, giáo viên nào chịu trách nhiệm cộng điểm của 3 môn cho học sinh, giáo viên nào chịu trách nhiệm đưa điểm lên phần mềm? Giáo viên nào chịu trách nhiệm về chất lượng môn học. Cần làm rõ khâu này để giáo viên thực hiện đúng nhiệm vụ trong quá trình giảng dạy” - ý kiến của giáo viên.

Tin cùng chuyên mục