Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Trao đổi thêm về bài báo “Bỗng dưng mất chức”

Cập nhật ngày: 07/08/2013 - 10:16
HTML clipboard

2 bản thông báo của Phòng GD gửi ông Nguyễn Văn Liễng và ông Lâm Tấn Bửu có lý do không bổ nhiệm lại giống y như nhau ?!

(BTN) - Vừa qua, Báo Tây Ninh nhận được văn bản của Phòng GD&ĐT huyện Bến Cầu, nội dung “trả lời và góp ý Báo Tây Ninh”. Chúng tôi trích lược những nội dung chính của văn bản này và thông tin thêm về vụ việc 5 cán bộ quản lý ở ngành giáo dục huyện Bến Cầu “bỗng dưng mất chức”.

Ý kiẾn cỦa Phòng GD&ĐT

Về việc phân công các hiệu trưởng, phó hiệu trưởng không được tái bổ nhiệm làm giáo viên tại trường mà họ đã từng làm lãnh đạo:

1. Trước khi thông báo không bổ nhiệm lại, Phòng GD&ĐT đã có kế hoạch phân công các hiệu trưởng, phó hiệu trưởng này sang làm Phó Giám đốc Trung tâm Văn hoá thể thao - Học tập cộng đồng xã nhưng các ông này không đồng ý. Phòng GD&ĐT vẫn có kế hoạch phân công giảng dạy tại các trường khác. Tuy nhiên, thời điểm thông báo không tái bổ nhiệm lại là tháng 4.2013, lúc này đã gần kết thúc năm học và ngay sau đó, 3 hiệu trưởng, phó hiệu trưởng đã có đơn khiếu nại. Chính vì có đơn khiếu nại nên Phòng GD&ĐT xin ý kiến chỉ đạo của UBND huyện. Theo kế hoạch, đến tháng 8.2013, cùng với việc triển khai quyết định thuyên chuyển giáo viên toàn huyện mới triển khai đồng loạt. Thực tế, từ tháng 4.2013, các hiệu trưởng, phó hiệu trưởng này cũng không giảng dạy tiết nào hoặc giảng dạy từ 2 đến 4 tiết/tuần như lúc còn quản lý. Phòng GD&ĐT cũng xin nói rõ: hiện nay chưa có văn bản nào quy định không được bố trí, sắp xếp cho những cán bộ không được tái bổ nhiệm làm giáo viên ngay tại trường mà trước đó những người này từng làm lãnh đạo.

2. Về lý do phóng viên chưa nhận được câu trả lời chính thức của Phòng GD&ĐT: Điều này chưa chính xác, vì khi phóng viên Báo cần gặp để nắm thông tin, đồng chí Phó Trưởng Phòng đã khẳng định lý do Phòng GD&ĐT không tái bổ nhiệm các hiệu trưởng, phó hiệu trưởng là hoàn toàn đúng quy định. Sau đó, phóng viên đề nghị cung cấp thêm các văn bản, cơ sở chứng minh, nhưng sau khi xin ý kiến thì UBND huyện Bến Cầu chỉ đạo tạm thời chưa cung cấp thông tin vì 3 hiệu trưởng, phó hiệu trưởng này đang trong thời gian xử lý khiếu nại. Phòng GD&ĐT dự kiến, đến cuối tháng 7.2013, khi có kết quả giải quyết của UBND huyện, sẽ cung cấp thông tin chính thức cho báo chí. Phòng GD&ĐT là cơ quan tham mưu cho UBND huyện, nên việc xin ý kiến và chấp hành ý kiến của UBND huyện là đúng quy định.

3. Về trả lời ý kiến của các hiệu trưởng, phó hiệu trưởng về lý do không được tái bổ nhiệm:

Đối với ông Ngô Tấn Hiểu, nguyên Hiệu trưởng Trường tiểu học Lợi Thuận B: Trong suốt 2 nhiệm kỳ, (ngoại trừ năm học 2007 - 2008) chưa có năm nào ông lãnh đạo trường đạt tiên tiến. Bản thân chưa biết ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chưa có ý chí cầu tiến trong quản lý. 2 năm học liền (từ 2011 -  2012 đến 2012 - 2013) bản thân không đạt lao động tiên tiến. Ông bị kiểm điểm, phê bình không xếp thi đua vì suốt năm học 2011 - 2012 đã vi phạm quy chế chuyên môn: không giảng dạy, không có giáo án tiết nào mà vẫn hưởng phụ cấp đứng lớp. Bản thân chưa gương mẫu, đi đầu, làm gương trong phong trào thi đua của trường, của ngành.

Đối với ông Lâm Tấn Bửu, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường THCS Long Giang: Là Phó Hiệu trưởng được phân công phụ trách chuyên môn kể từ khi trường đạt chuẩn quốc gia năm 2009 đến nay, nhưng chưa có năm nào cùng Hiệu trưởng lãnh đạo trường đạt trường tiên tiến xuất sắc, cá biệt năm học 2011 -  2012, trường không đạt tiên tiến; không thực hiện chủ trương mở lớp 2 buổi/ngày theo chỉ đạo. Không có học sinh nào tham gia các cuộc thi do ngành tổ chức như giải Toán trên internet và Olympic tiếng Anh trong khi trường có đầy đủ điều kiện. Năm học 2012 - 2013, tỷ lệ học sinh yếu kém là 12,8%, cao nhất huyện, tăng 8,5% so năm học trước, trong khi chủ trương của huyện là mỗi năm học phải kéo giảm tỷ lệ học sinh yếu kém. Bản thân chưa thành thạo ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý. 2 năm học liền (từ 2011 - 2012 đến 2012 - 2013) bản thân không đạt lao động tiên tiến. Bản thân chưa gương mẫu, đi đầu, làm gương trong phong trào thi đua của trường, của ngành. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm đầu năm học 2012 - 2013 là 60%, thấp nhất trong tất cả các hiệu trưởng, phó hiệu trưởng được lấy phiếu tín nhiệm trong huyện.

Đối với ông Nguyễn Văn Liễng, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS An Thạnh: Ông chưa hoàn thành công tác phổ cập giáo dục THCS được giao. Năm học 2011 - 2012, tỷ lệ học sinh yếu kém là 24%, cao nhất huyện, tăng 5,2% so năm học trước, trong khi chủ trương của huyện là mỗi năm học phải kéo giảm tỷ lệ học sinh yếu kém.

4. Ban lãnh đạo Phòng GD&ĐT cho rằng tác giả bài báo “Bỗng dưng mất chức” suy diễn chủ quan và đề nghị đính chính lại thông tin “… Điều này có nghĩa có 5 cán bộ quản lý bỗng dưng mất chức”. Trong thực tế, trong tổng số 5 cán bộ không tái bổ nhiệm lại, chỉ có 3 ông nói trên thắc mắc, còn lại đã đồng ý chấp hành.

Thông tin phẢn hỒi

Qua nội dung đã thông tin của Phòng GD&ĐT huyện Bến Cầu, tác giả bài báo “Bỗng dưng mất chức” có ý kiến phản hồi như sau:

Về nội dung 1: Dù Phòng đã giải thích nhưng không thể phủ nhận thực tế hiện nay những cán bộ quản lý trên đã không còn giữ chức vụ cũ mà bị điều động làm giáo viên. Điều này thể hiện rõ trong các Thông báo số 46, 47, 50 ngày 4.4.2013. Phòng cho rằng: “Hiện nay chưa có văn bản nào quy định không được bố trí, sắp xếp cho những cán bộ không được tái bổ nhiệm làm giáo viên ngay tại trường mà trước đó những người này từng làm lãnh đạo”. Ý kiến trên có thể đúng, tuy nhiên, điều không phù hợp ở đây là: việc phân công một cán bộ quản lý xuống làm giáo viên tại chính trường học trước đây họ làm lãnh đạo trong khi họ không bị cách chức, không vi phạm kỷ luật thì liệu có bảo đảm họ thoải mái tư tưởng, an tâm công tác hay không?

Về nội dung 2: Trong buổi làm việc với ông Phạm Thành Sơn, Phó Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Bến Cầu, phóng viên chỉ được trả lời chung chung, không có bất cứ văn bản cụ thể nào làm cơ sở để chứng minh Phòng xử lý đúng việc không tái bổ nhiệm 5 cán bộ quản lý. Theo yêu cầu của phóng viên, ông Sơn hẹn sẽ cung cấp các văn bản, tài liệu có liên quan. Tuy nhiên, sau đó hơn 2 tuần, khi trao đổi qua điện thoại, ông Sơn chỉ cho biết là bận quá, chưa thể tiếp phóng viên được chứ không hề cho biết là đang chờ ý kiến chỉ đạo của UBND huyện về việc này.

Về nội dung 3: Theo Thông báo số 46 ngày 4.4.2013, về việc không bổ nhiệm lại chức vụ hiệu trưởng đối với ông Ngô Tấn Hiểu, có nêu lý do: Không nắm công tác chuyên môn, luôn khoán trắng cho phó hiệu trưởng và tổ chuyên môn, thông tin báo cáo luôn chậm trễ, công tác quản lý biểu hiện tính quan liêu. Trong khi đó, theo trình bày của ông Hiểu, Trường tiểu học Lợi Thuận B không có phó hiệu trưởng từ tháng 7.2012 đến khi bị mất chức thì làm sao luôn khoán trắng cho phó hiệu trưởng (!?).

Phòng GD&ĐT huyện Bến Cầu cho rằng: Trong suốt 2 nhiệm kỳ (ngoại trừ 1 năm học 2007 - 2008) chưa có năm nào ông (Hiểu) lãnh đạo trường đạt tiên tiến và “không xếp thi đua vì suốt năm học 2011 - 2012 đã vi phạm quy chế chuyên môn”… Nếu ông Hiểu “kém cỏi” như thế thì tại sao ông lại được Chủ tịch UBND huyện tặng danh hiệu lao động tiên tiến vì “đã có thành tích xuất sắc tiêu biểu trong công tác” năm học 2011 - 2012? Phòng cho rằng ông Hiểu “chưa có ý chí cầu tiến trong quản lý” là rất chung chung.

Giấy khen của UBND huyện Bến Cầu tặng ông Lâm Tấn Bửu

Đối với ông Lâm Tấn Bửu, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường THCS Long Giang, dù Phòng GD&ĐT huyện Bến Cầu cho rằng ông có nhiều khuyết điểm nhưng trong nhiều năm qua, ông chưa hề bị kiểm điểm, kỷ luật và được nhận nhiều giấy khen của UBND huyện. Ông Bửu cho rằng, một số hạn chế của Trường THCS Long Giang mà Phòng GD&ĐT huyện Bến Cầu nêu, trách nhiệm chính thuộc về người đứng đầu chứ không phải cá nhân ông. Việc Phòng cho rằng năm học 2011 - 2012 ông Bửu không đạt lao động tiên tiến, ông đã trưng ra giấy chứng nhận danh hiệu lao động tiên tiến của UBND huyện Bến Cầu tặng ông vì “đã có thành tích xuất sắc tiêu biểu trong công tác năm học 2011 - 2012”? Còn việc Phòng “quy tội” ông Bửu về việc “không có học sinh nào tham gia các cuộc thi do ngành tổ chức như giải Toán trên internet và Olympic tiếng Anh trong khi trường có đầy đủ điều kiện”, ông Bửu khẳng định năm học 2012 - 2013, trường có 2 học sinh dự thi Olympic tiếng Anh qua mạng.

Đối với ông Nguyễn Văn Liễng, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS An Thạnh, Phòng GD&ĐT huyện Bến Cầu cho rằng ông chưa hoàn thành công tác phổ cập giáo dục THCS được giao. Nếu như vậy thì kết quả thực hiện công tác phổ cập của xã An Thạnh và huyện Bến Cầu sẽ bị ảnh hưởng, không đạt yêu cầu. Thế nhưng tại sao UBND huyện Bến Cầu lại ký 2 Quyết định số 2277/QĐ-UBND ngày 24.10.2011 và Quyết định số 2854/QĐ-UBND ngày 29.11.2012 về việc công nhận và duy trì đạt chuẩn quốc gia công tác phổ cập giáo dục THCS 2 năm 2011, 2012 ở xã An Thạnh? Ông Liễng cũng khẳng định năm học 2011 - 2012, tỷ lệ học sinh yếu ở trường là 15,6%; kém là 0,22% chứ không phải 24% như Phòng GD&ĐT nói.

Về việc Phòng GD&ĐT huyện Bến Cầu cho rằng tác giả “suy diễn chủ quan”, nhưng những thông tin vừa nêu trên cho thấy việc Phòng không tái bổ nhiệm những cán bộ quản lý trên là chưa đủ cơ sở thuyết phục, cả về lý lẫn về tình. Để trở thành cán bộ quản lý, những nhà giáo trên đã phải phấn đấu, rèn luyện rất nhiều và có nhiều cống hiến cho ngành giáo dục. Thế nhưng, họ đột ngột mất chức mà không có lý do xác thực chứng minh họ không xứng đáng, không đủ tư cách tiếp tục làm cán bộ quản lý  khiến họ không “tâm phục khẩu phục”.

Cuối cùng, việc Phòng GD&ĐT huyện Bến Cầu yêu cầu đính chính thông tin “điều này có nghĩa có 5 cán bộ quản lý bỗng dưng mất chức” vì cho rằng chỉ có 3 người khiếu nại. Xin nói rõ, trong bài báo chỉ nêu cụ thể 3 trường hợp trên. Đồng thời, trong thực tế thì đúng như bài báo nêu: có 5 cán bộ quản lý không được tái bổ nhiệm trong đợt này.

BẢO TÂM