Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Qua đọc bài báo của tác giả Huỳnh Tấn Hưng, cán bộ Tư pháp xã Long Thành Trung, trước tiên phải khẳng định một điều: quyền được khai sinh là một trong những quyền nhân thân cơ bản của con người được ghi nhận tại Điều 29 BLDS năm 2005.

![]() |
Cả hộ khẩu, CMND đều ghi họ, tên Võ Thị Xê. |
Qua đọc bài báo của tác giả Huỳnh Tấn Hưng, cán bộ Tư pháp xã Long Thành Trung, trước tiên phải khẳng định một điều: quyền được khai sinh là một trong những quyền nhân thân cơ bản của con người được ghi nhận tại Điều 29 BLDS năm 2005. Trong bài báo, tác giả nêu “nếu tiến hành đăng ký khai sinh quá hạn cho bà Xê thì phần ghi tên cha, mẹ trong giấy khai sinh sẽ ghi tên của ai?”. Như tác giả đã viện dẫn ở điểm a khoản 6 mục II, Thông tư số 01/2008/TT-BTP hướng dẫn thực hiện một số quy định của Nghị định số 158/2005/NĐ-CP về đăng ký và quản lý hộ tịch: “Trường hợp không có giấy tờ ghi về quan hệ cha, mẹ, con, thì cơ quan đăng ký hộ tịch phải xác minh, làm rõ trước khi đăng ký”. Trong trường hợp của bà Biện Thị Niên, do trước đây hoàn cảnh chiến tranh nên bà “vô tình” mang tên Võ Thị Xê mà không rõ về nguồn gốc họ tên Võ Thị Xê. Và như vậy, cơ quan đăng ký hộ tịch cũng không thể xác minh, làm rõ họ và tên cha, mẹ của bà Xê được.
Như vậy, để đảm bảo quyền được đăng ký khai sinh của bà Xê thì theo tôi, cơ quan đăng ký hộ tịch (UBND xã Long Thành Trung) vẫn tiến hành đăng ký khai sinh cho bà và phần ghi về cha, mẹ của bà thì có thể để trống (do không xác định được). Vấn đề thứ hai, tác giả nêu “Ngược lại, việc đăng ký khai sinh cho bà Xê không có cha hoặc mẹ bà Xê mang họ Võ thì điều đó có hợp lý không? Và họ Võ mà bà Xê đang sử dụng có nguồn gốc từ đâu?”. Như trên đã trình bày, phần khai về cha, mẹ do không xác định được, nên không ghi phần khai về cha, mẹ trong giấy khai sinh của bà Xê. Và cơ quan đăng ký hộ tịch sẽ cấp giấy khai sinh (theo khoản 3, Điều 45 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP về đăng ký và quản lý hộ tịch). Sau khi có giấy khai sinh, bà Xê liên hệ Phòng Tư pháp huyện Hoà Thành làm thủ tục thay đổi họ và tên từ Võ Thị Xê thành Biện Thị Niên theo quy định tại điểm đ khoản 1, Điều 27 BLDS năm 2005.
Ngoài ra, tôi cũng đồng ý với ý kiến Trưởng phòng Tư pháp huyện Hoà Thành trên Báo Tây Ninh ngày 8.10.2009 là phải có một phiên toà giám đốc thẩm, để từ Quyết định giám đốc thẩm này thể hiện bà Võ Thị Xê – Biện Thị Niên chỉ là một người. Bản án phúc thẩm ngày 28.4.2008 của TAND tỉnh Tây Ninh đã có hiệu lực pháp luật. Nhưng theo tôi, cả bản án sơ thẩm và phúc thẩm đều vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, nên bản án phúc thẩm này phải bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, theo quy định tại khoản 2 Điều 283 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2004. Cụ thể là theo quy định tại Điều 267 và khoản 3 Điều 213 thì “Chủ toạ phiên toà kiểm tra lại sự có mặt của những người tham gia phiên toà theo giấy triệu tập, giấy báo của toà án và kiểm tra căn cước của đương sự”. Ở đây, chủ toạ phiên toà đã không kiểm tra căn cước (giấy Chứng minh nhân dân) của bà Niên, dẫn đến việc tuyên án giao đất cho bà Niên, một cái tên không có trong quản lý Nhà nước ở địa phương. Để được kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, bà Niên có thể thông báo bằng văn bản về việc vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng như đã nêu trên cho Chánh án TAND tối cao hoặc Viện trưởng VKSND tối cao (theo quy định tại khoản 1 Điều 284 và Điều 285 BLTTDS năm 2004).
Tôi có vài ý trao đổi cùng tác giả và quý độc giả.
Chí Lin