Văn hóa - Giải trí   Đất nước mến yêu

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Trẩy hội Dinh Cô

Cập nhật ngày: 12/03/2012 - 01:49

Tết của ngư dân

Nghi thức rước bài vị Bà Thủy Thần nhập điện tại Lễ hội Dinh Cô.

Múa lân sư rồng tại lễ hội Dinh Cô.

Hàng năm, lễ hội Dinh Cô thường mở trong 3 ngày (10 - 11 và 12 - 2 âm lịch) thu hút hàng chục ngàn lượt người tham dự. Ông Thái Văn Cảnh, Trưởng ban quản lý Di tích lịch sử văn hóa Dinh Cô (thị trấn Long Hải, huyện Long Điền) cho biết, Lễ hội Dinh Cô được xem như ngày tết của những người đi biển. Các nhà trong vạn ghe đều đặt bàn hương, trên có nhang đèn, bánh trái, mâm xôi... trong dịp trẩy hội. Ngoài việc tế lễ ở dinh, ngư dân địa phương còn tập trung nhiều thuyền bè, tàu cá ở ngoài biển, trang hoàng lộng lẫy, hướng mũi thuyền về phía bức tượng của Cô trên đỉnh núi Kỳ Vân như một ước vọng về sự an lành, bình yên trước sóng gió biển khơi.

Đêm mùng 10 và 11-2 là đêm hội hoa đăng, hàng vạn ghe thuyền quay mũi về Dinh chầu Cô, tiếng chiêng, tiếng trống, người trẩy hội rộn ràng thâu đêm suốt sáng. Không chỉ có ghe thuyền của ngư dân địa phương mà những chiếc thuyền ghe từ các làng cá lân cận như Phước Hải, Phước Tỉnh, Vũng Tàu và một số thuyền ghe từ miền Trung cũng tụ tập về biển Long Hải suốt những ngày diễn ra lễ hội. Lễ chính được tổ chức từ rạng sáng 12-2. Từ chính điện, đoàn người chỉnh tề cờ quạt ra bãi, lên thuyền, ra khơi làm lễ nghinh Cô. Vị chánh bái dẫn đầu, đoàn học trò lễ tiếp bước theo sau với cờ xí, lọng che, hoa đăng rực rỡ. Đoàn ghe nối nhau ra khơi trong tiếng chiêng trống vang trời. Đến mũi Nhỏ, nơi có ngôi mộ Cô, đoàn người xuống ghe lên viếng mộ, nghênh đón Cô về dinh. Ngoài các nghi lễ trên, lễ hội Dinh Cô, còn duy trì được hình thức diễn xướng hát bả trạo, là một thể loại dân ca nghi lễ phổ biến của cư dân vùng biển, mô phỏng thao tác của người đi biển vượt ngàn trùng sóng gió. Nội dung bài hát ngưỡng vọng Cô và nguyện cầu cho trời yên biển lặng, tôm cá đầy khoang.

Điểm đặc biệt của lễ hội Dinh Cô là trong 3 ngày diễn ra lễ hội, nhiều người dân và du khách thức thâu đêm, suốt sáng tham gia các hoạt động như thả đèn hoa đăng, đánh trống, đánh chiêng, xem diễn tuồng và hát bội. Ngoài ra, còn có các màn trình diễn múa lân sư rồng, múa bông (mâm ngũ sắc, mâm vàng, mâm bạc) và các trò chơi dân gian khác như thi bắt cá, đua thuyền, kéo co… Các trò chơi dân gian này thường thu hút đông đảo thanh niên ngư dân trong làng tham gia, giúp cho lễ hội thêm phần náo nhiệt và hấp dẫn.

Công tác chuẩn bị chu đáo

Ông Phạm Chí Thân, Giám đốc Bảo tàng tỉnh nhận xét, nét độc đáo của lễ hội Dinh Cô chính là sự hội tụ, ngưng đọng của nhiều nét đẹp văn hóa và hương vị riêng của mọi miền. Trong khoảnh khắc của không khí lễ hội thiêng liêng và tin cẩn đó, người dự hội có cảm giác khoảng cách giữa thần linh và đời sống dân dã dường như không còn nữa. Chính vì vậy, lễ hội Dinh Cô hàng năm đều thu hút đông đảo người dân, từ khắp nơi về tham dự. Không chỉ có những người làm nghề cá mà cả du khách cũng hành hương về Long Hải để cùng tham gia lễ hội.

Năm nay, lễ hội Dinh Cô – Long Hải diễn ra từ ngày 2 đến ngày 4-3 (10 đến 12-2 âm lịch) lại trùng vào những ngày cuối tuần, nên dự kiến sẽ vượt con số 50.000 lượt khách như mọi năm. Bên cạnh thuận lợi về mặt thời gian, lễ hội Dinh Cô năm 2012 dự kiến đông khách hơn còn nhờ thông tin cách đây ít ngày (ngày 17-2), ngư dân Lê Văn Nam (khu phố Hương Phong 2, thị trấn Long Hải, huyện Long Điền) đã vớt được một bức tượng Phật cao 1,35m dưới đáy biển cách bờ gần 2 hải lý. Hiện tại bức tượng đang đặt tại Mộ Cô (thị trấn Long Hải).

Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND thị trấn Long Hải, Trưởng ban tổ chức lễ hội Dinh Cô năm 2012 cho biết, công tác chuẩn bị cho lễ hội Dinh Cô đã được tiến hành từ trước cả tháng. Những ngả đường từ thị trấn Long Hải vào Dinh Cô đã được lắp đặt những cổng chào bắt mắt, thu hút sự chú ý của khách. Bên cạnh đó, ban tổ chức cũng bố trí khoảng 500 cán bộ, chiến sĩ công an làm công tác bảo đảm an ninh, trật tự, phòng chống cháy nổ trên địa bàn huyện. Ban quản lý các khu du lịch huyện Long Điền tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát… nhằm quản lý các hoạt động dịch vụ, bảo đảm để các doanh nghiệp kinh doanh bãi tắm, hồ bơi, khách sạn niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; tổ chức mạng lưới cứu hộ, cấp cứu thủy nạn để bảo đảm an toàn cho du khách… Ông Nguyễn Văn Sơn cho biết thêm, năm 2010, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND huyện Long Điền và các nhà nghiên cứu xây dựng đề án bảo tồn và phát huy lễ hội Dinh Cô. Nội dung của đề án nêu rõ, trong nhiều năm qua, cấu trúc lễ hội Dinh Cô không thay đổi, nghi thức và các bước lễ, cách thức thờ phụng… luôn được nhân dân địa phương tôn trọng và thực hiện đúng theo nghi lễ truyền thống lưu truyền từ bao đời nay. Từ đó, đề án đưa ra giải pháp lễ hội Dinh Cô cần bổ sung một số hoạt động để làm phong phú hơn, mang hơi thở của thời đại, có khả năng thu hút du khách như: Lễ hội hoa đăng; chương trình nghệ thuật; hoạt động thể thao và trò chơi dân gian (hội đua thuyền thúng Long Hải; đánh đu; thả diều, đan lưới, kéo co, đập niêu, bắt cá, đi cà kheo, đẩy cây…); chương trình nghệ thuật sân khấu hóa; trưng bày chuyên đề nghề đánh bắt hải sản ở Bà Rịa-Vũng Tàu; hội chợ sản phẩm biển… Hy vọng khi đề án trên được triển khai, lễ hội Dinh Cô sẽ càng thêm hấp dẫn du khách và nhân dân địa phương.

Đ.T (st)