Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Trẻ em hãy mạnh dạn lên tiếng
Thứ sáu: 09:00 ngày 30/06/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Bà Huỳnh Thanh Nam- Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, trẻ em cũng cần tự ý thức bảo vệ mình trên không gian mạng, phải biết lên tiếng, báo với người lớn khi phát hiện vụ việc, người gặp nạn.

Với chủ đề “Trẻ em tham gia xây dựng môi trường sống, an toàn, lành mạnh, thân thiện” do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức, các bạn trẻ tham gia Diễn đàn trẻ em năm 2023 đã mạnh dạn bày tỏ nỗi lo lắng của mình trong môi trường học đường, cuộc sống. Vấn đề các em đặt ra được lãnh đạo các ngành lắng nghe, giải đáp và ghi nhận, qua đó có giải pháp nâng cao chất lượng sống cho trẻ em.

Các em học sinh trình bày những vấn đề trẻ em quan tâm tại diễn đàn.

Điều em quan tâm

Nguyễn Trương Tường Vi, lớp 6A1, Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, thành phố Tây Ninh bày tỏ niềm vui khi được chọn tham gia diễn đàn. Vi nói: “Con muốn bày tỏ nỗi lo về tình trạng trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại ngày càng nhiều. Con mong muốn và hy vọng mọi người chung tay xoá bỏ những hiện tượng xấu này ra khỏi xã hội”.

Sinh ra trong gia đình có ba và mẹ luôn dành tình yêu thương cho con cái, vì vậy, Tường Vi mạnh dạn bày tỏ chính kiến về các vấn đề trong cuộc sống và học tập, được ba mẹ lắng nghe, thấu hiểu và thông cảm.

Quan sát thực tế thấy có trường hợp học sinh bị ảnh hưởng xấu do chưa biết tự bảo vệ mình trước những cám dỗ, Tường Vi bày tỏ: “Trẻ em cần biết chọn lựa hành vi để tiếp cận, không nên bắt chước hành vi không tốt như hút thuốc lá điện tử, bạo lực học đường vì sẽ ảnh hưởng bản thân và người khác”.

Tường Vi có tham gia mạng xã hội và được cảnh báo về những nguy cơ, rủi ro trên không gian mạng. Em chia sẻ: “Con không tiếp cận những thông tin xấu trên mang xã hội, tự bảo vệ mình trước lời lẽ không hay và thông báo với gia đình nếu tài khoản mạng xã hội của con bị tấn công”.

Đến từ thị trấn huyện Tân Châu, Nguyễn Kim Ngân chia sẻ tại diễn đàn về vấn đề trẻ em tham gia ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai và dịch bệnh. Là người phụ trách nội dung, Kim Ngân đã chịu khó tìm hiểu, trình bày trước diễn đàn bằng góc nhìn của một học sinh lớp 9. Em nói: “Đây là vấn đề có sức ảnh hưởng lớn đến tất cả chúng ta. Những vấn đề em trình bày vẫn là chưa đủ và thực tế phải làm nhiều hơn thế”.

Để góp phần vào việc hành động bảo vệ môi trường, hằng tuần Kim Ngân giúp mẹ dọn dẹp sân vườn, tham gia hoạt động của khu phố, quyên góp cây xanh, trồng cây tại trường. Em cũng rèn luyện cho bản thân có lối sống kỷ luật, chấp hành các quy định về phòng, chống dịch bệnh.

Kim Ngân chia sẻ: “Từ năm lớp 6, em đã rèn luyện tính kỷ luật cho mình. Tính kỷ luật trong sinh hoạt, học tập sẽ giúp mình được nhiều điều trong cuộc sống”. Theo Kim Ngân, đây là những vấn đề lớn nhưng trẻ em vẫn có thể tham gia đóng góp ý kiến, công sức phù hợp với khả năng.

Em Nguyễn Phạm Quỳnh Như, học sinh lớp 9A6, Trường THCS Thị trấn Tân Biên chia sẻ về vấn đề bạo lực với trẻ em. “Theo em, đây là vấn đề phổ biến trong nhiều gia đình, bạo lực không chỉ bằng hành động mà còn cả lời nói.

Có những lời nói sẽ gây tổn thương như những hành động xấu”. Quỳnh Như chia sẻ câu chuyện buồn của người bạn thân bị tổn thương tinh thần, dẫn đến sai lệch trong hành động.

“Ba mẹ em bận đi làm, không thân thiết với con cái nhưng ba mẹ luôn ủng hộ khi em bày tỏ mong muốn. Em không phải chịu sự áp đặt từ gia đình mà được tôn trọng, lắng nghe, được sống với cảm xúc và suy nghĩ của mình. Đó là điều em thấy mình may mắn và hạnh phúc”.

Nguyễn Thuý An, học sinh lớp 8A3, Trường THCS Lộc Hưng, thị xã Trảng Bàng đến với diễn đàn và chia sẻ về vấn nạn bạo lực học đường. “Đây là vấn đề ngày càng phổ biến, chúng em mong muốn mọi người quan tâm, có giải pháp xử lý, vì bạo bực học đường sẽ gây ra tổn hại tâm lý về sức khoẻ, tinh thần của học sinh”.

Đứng trước những thông tin về bạo lực học đường, từ thực tế cuộc sống, Thuý An bày tỏ em cũng lo lắng mình sẽ bị rơi vào trường hợp không hay. Vì vậy, trước mắt em bảo vệ bản thân bằng việc luôn sống hoà đồng, tránh xa những cuộc mâu thuẫn bạn bè.

Sự chung tay của các ngành

Trước những vấn đề được các em đặt ra, đại diện các sở, ngành có sự chia sẻ. Theo bà Trần Thị Lan- Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, vấn đề bạo lực, xâm hại ở trẻ em bắt nguồn từ các nguyên nhân như rạn vỡ trong gia đình, sự xói mòn truyền thống dẫn tới số trẻ em bị bỏ rơi, bị lạm dụng, bóc lột ngày càng tăng.

Trẻ em bị xâm hại thường xảy ra ở những nơi có nhiều dân nhập cư, khu vực có đông người qua lại, địa bàn vắng. Hiện công tác truyền thông, giáo dục xã hội cũng chưa bao phủ hết địa bàn, đối tượng. Kỹ năng về bảo vệ trẻ em, thực hành quyền trẻ em của cha mẹ về chăm sóc trẻ còn thiếu…

Về phòng, chống bạo lực và xâm hại trẻ em, trước tiên cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ngành địa phương về công tác bảo vệ, phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em; đẩy mạnh thông tin tuyên truyền pháp luật về bảo vệ trẻ em nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về xâm hại trẻ em và hậu quả của nó.

Củng cố, kiện toàn cơ cấu nhân lực bảo vệ trẻ em các cấp; đặc biệt là tổ chức phối hợp liên ngành về trẻ em, nhóm thường trực bảo vệ trẻ em cấp xã, phù hợp với tình hình thực tế địa phương. Đẩy mạnh hoạt động xây dựng xã, phường phù hợp với trẻ em, cộng đồng, trường học thân thiện với trẻ em.

Thiếu nhi tham gia diễn đàn.

Cần tổ chức nói chuyện chuyên đề thường xuyên tại trường học; thầy cô quan tâm, lắng nghe khi học sinh có biểu hiện bất thường; sẵn sàng trò chuyện, trao đổi thêm về tình bạn, tình yêu với học sinh. Các em cũng nên trang bị kỹ năng để tránh bị xâm hại, lạm dụng như không ở một mình nơi vắng vẻ, cảnh giác với người lạ hoặc thậm chí người quen có biểu hiện, hành động khác thường; mạnh dạn từ chối, phản đối và tâm sự với người lớn.

Chị Trịnh Thị Như Trang- Phó Bí thư Tỉnh đoàn cho biết, hiện tại, Trung tâm Học tập, sinh hoạt thanh thiếu nhi tỉnh và Trung tâm Văn hoá các huyện, thị xã, thành phố, các trường học có nhiều hoạt động cho thiếu nhi tham gia phát triển thể chất và tinh thần. Trong đó, có những hoạt động miễn, giảm chi phí cho các em có hoàn cảnh khó khăn; hoặc các em có thể tham gia trực tuyến với app "Làm việc tốt", hay tham khảo trên Fanpage của Hội đồng Đội tỉnh để kết nối, đề xuất nhu cầu, nguyện vọng.

Bác sĩ Trần Văn Lưu- Phó Phòng nghiệp vụ Sở Y tế nhấn mạnh, thuốc lá điện tử gây nghiện và mang lại những hậu quả. Để cai nghiện thuốc lá điện tử, các em phải có sự quyết tâm, không đến những nơi có thể tiếp cận thuốc lá điện tử. Hơn hết là các em phải có tinh thần cảnh giác, không phải sa đà vào cái xấu.

Ông Đặng Thành Công- chuyên viên Phòng Giáo dục trung học, chuyên nghiệp thuộc Sở GD&ĐT chia sẻ, để giảm bạo lực học đường, bên cạnh cố gắng của ngành chức năng và phụ huynh thì cần sự hợp tác của các em học sinh. “Trẻ em hãy thấu hiểu phụ huynh và mạnh dạn nói lên suy nghĩ của mình với phụ huynh, nhà trường. Người lớn rất cần thông tin, sự trao đổi của các em để thấu hiểu, hướng dẫn gỡ bỏ những vấn đề nan giải”...

Bà Huỳnh Thanh Nam- Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho rằng: trên không gian mạng, các em có thể gặp những rủi ro như lệch lạc hành vi vì tiếp cận thông tin sai lệch, bị bắt nạt trên mạng... Theo bà Nam, trên ứng dụng Tây Ninh Smart có mục Phản ánh hiện trường, các bạn trẻ có thể phản ánh các vấn đề liên quan đến mình; hoặc gọi đến tổng đài 02761022 để phản ánh. Tuy nhiên, theo bà Nam, trẻ em cũng cần tự ý thức bảo vệ mình trên không gian mạng, phải biết lên tiếng, báo với người lớn khi phát hiện vụ việc, người gặp nạn.

VI XUÂN

 

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục