BAOTAYNINH.VN trên Google News

Trẻ em rất dễ phơi nhiễm giun kim

Cập nhật ngày: 13/11/2017 - 11:53

BTN - Hỏi: Con tôi 36 tháng, sức khoẻ bình thường. Thời gian gần đây, bé hay khóc và kêu đau ở vùng kín. Khi tôi kiểm tra thì thấy có giun ở bên ngoài vùng kín của bé. Bé chưa tẩy giun lần nào. Dùng thuốc tẩy giun có trị sạch được hết giun không ạ? Cám ơn bác sĩ ạ!

Hoàng Thuý L. (khu phố 2, phường 3, TP Tây Ninh)

Ðáp: Theo mô tả thì con bạn bị nhiễm giun kim. Khí hậu nước ta thuộc vùng nhiệt đới nóng ẩm, rất thuận lợi cho sự phát triển các loại ký sinh trùng nên bệnh giun sán khá phổ biến. Giun ký sinh ở người gồm nhiều loại: giun đũa, giun kim, giun móc, giun tóc, giun chỉ.                                                                                      

Trẻ em rất dễ phơi nhiễm giun kim (người miền Nam gọi là lãi kim) do chơi nghịch đất cát có lẫn trứng giun. Giun kim (tên khoa học: Enterobius vermicularis) rất nhỏ, nếu xem phân lúc mới đi tiêu có thể thấy nhiều giun ngọ nguậy ở rìa ngoài khuôn phân, nếu để phân lâu giun chui sâu vào khuôn phân thì không thấy nữa. Giun kim có màu trắng đục, con đực dài 3 - 5mm, chiều ngang 0,2mm; con cái dài 9-12mm, chiều ngang 0,4mm. Giun đực và cái sống ở đoạn cuối ruột non, về sau di chuyển tới đại tràng, sau khi giao phối con cái sẽ xuống vùng cuối của đại tràng gần ngay hậu môn hoặc ngoài hậu môn để đẻ trứng, và trứng có ngay ấu trùng. Do cách đẻ nên trứng giun kim thường không lẫn vào phân và những trứng đẻ ra có khả năng nhiễm bệnh ngay, nhất là với trẻ em thường cho tay vào mồm hoặc cầm thức ăn sau khi gãi vùng hậu môn. Trứng giun vào cơ thể, phát triển trong ruột rồi trở thành giun kim trưởng thành.

Triệu chứng đặc biệt nhất của bệnh giun kim là ngứa hậu môn. Các cơn ngứa có giờ nhất định, phần nhiều xuất hiện vào buổi tối khi bệnh nhân đi ngủ, do giun cái bò ra đẻ trứng. Những cơn ngứa dữ dội, ngứa không chịu được, làm bệnh nhân phải gãi, có thể gây xây xát biến chứng ngoài da. Với bé gái, giun kim có thể bò vào âm hộ gây ngứa âm hộ và viêm âm hộ, âm đạo; thậm chí nó có thể bò lên tới tử cung.

Về điều trị, thị trường dược nước ta có nhiều loại thuốc giun, đặc biệt phải kể đến 3 thuốc điều trị giun có hiệu quả, ít tác dụng phụ, lại trị được nhiều loại giun cùng lúc: Albendazol, Mebendazol và Pyrantel  pamoat. Thuốc được dùng nhiều nhất hiện nay là Mebendazol. Ðây là thuốc có hoạt phổ rộng trị cùng lúc được nhiều loại giun. Mebendazol có nhiều tên thương mại: Vermox, Fugacar, Mebendacin, Noverm… Thuốc không độc nên liều dùng cho người lớn và trẻ em trên 2 tuổi là giống nhau. Với điều trị giun kim thì sau 15 ngày uống lặp lại một liều nữa. Nếu không có Mebendazol thì thay bằng các thuốc Albendazol hoặc Pyrantel  pamoat, liều lượng theo chỉ dẫn có trong hộp thuốc.

Ðể phòng mắc bệnh giun kim và mắc bệnh tái phát thì việc vệ sinh cá nhân là hết sức cần thiết. Ðối với trẻ đang mắc bệnh giun kim, để không mắc tái phát, không nên cho trẻ mặc quần thủng đít, cắt ngắn các móng tay theo định kỳ, rửa tay sạch trước khi ăn, rửa sạch hậu môn cho trẻ hằng ngày. Ðể đề phòng mắc bệnh giun kim cho cả người lớn trong gia đình thì mọi người cần rửa tay sạch sẽ sau khi đi vệ sinh, uống nước đun sôi để nguội... Những người mẹ dùng tay bắt giun kim cho trẻ ở hậu môn, sau khi tiến hành xong phải rửa tay bằng xà phòng nhiều lần, dùng khăn lau khô tay và sau đó khăn phải được giặt, là để tránh trứng giun kim lây lan cho bản thân mình và những người khác trong gia đình.

BS LÊ TRUNG NGÂN