Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Khi cái náo nức vào hè đã nhanh chóng đi qua chỉ sau ít ngày, những đứa trẻ nông thôn cảm thấy những ngày hè thật vô vị, buồn chán vì chẳng biết phải sử dụng thời gian nghỉ như thế nào…

(BTN)- Nghe tưởng chừng như nghịch lý, nhưng sự thật là như vậy. Khi cái náo nức vào hè đã nhanh chóng đi qua chỉ sau ít ngày, những đứa trẻ nông thôn cảm thấy những ngày hè thật vô vị, buồn chán vì chẳng biết phải sử dụng thời gian nghỉ như thế nào. Với trẻ em thành phố thì mùa hè có thể được về quê nội, ngoại (nếu ai may mắn còn quê) để thay đổi không khí, tìm một chút hương đồng gió nội. Gia đình khá giả có thể tổ chức cho các em đi du lịch, nghỉ mát hoặc gửi các “công tử, tiểu thư” vào các lớp “học kỳ quân đội” để rèn luyện kỹ năng sống… Với trẻ em sống ở nông thôn, hình như nghỉ hè chỉ là một chút ít thời gian tạm rời xa sách vở, bạn bè, thầy cô để sau đó những ngày hè trở nên nhạt nhẽo, không còn ý nghĩa đích thực của nó nữa.
![]() |
Khu vui chơi thiếu nhi huyện Dương Minh Châu hiện như thế này |
Khi tôi hỏi đứa cháu trong nhà, nghỉ hè vui nhất là làm gì, bé trả lời tỉnh khô: Vui nhất là được đi học! Cũng phải, bởi mấy ngày hè nó chỉ quanh quẩn ở nhà chẳng biết chơi với ai, thiếu bạn đâm ra chán, hôm nào được đến lớp học thêm, ôn bài lại thấy thích hơn. Ở nông thôn, đâu phải gia đình nào cũng có điều kiện cho con em mình đi du lịch, chỗ này chỗ khác. Hằng ngày, cha mẹ chúi mũi vào công ăn việc làm vất vả, gia đình nào có ông bà già ở nhà thì nhờ các cụ quản lý nhắc nhở giùm, còn không thì đành phó mặc cho con em muốn làm gì thì làm trong những ngày hè.
Trẻ em nông thôn chơi ở đâu?
Đừng nói đến các xã vùng nông thôn, ngay tại trung tâm huyện, tìm một chỗ chơi cho các em đã là quá khó. Huyện nào cũng có Nhà thiếu nhi (thường thì nằm chung với cơ sở của Huyện đoàn, hoặc “tạm trú” ở một đơn vị khác) nhưng dụng cụ, các trò chơi thì đã quá cũ kỹ, lạc hậu, có nơi gần như chỉ là đống phế liệu nằm phơi sương nắng, chẳng mấy khi hoạt động và cũng chẳng thu hút được các em. Hoạt động của tổ chức Đoàn, Đội giờ chủ yếu tập trung tại nhà trường, còn ở xã, ấp thường mang nặng tính hành chính, máy móc, khô khan, chẳng thu hút được thanh thiếu niên. Nhiều trung tâm văn hoá huyện bề thế, rộng lớn nhưng vắng tanh bóng người, thư viện khang trang nhưng im lìm chẳng có học sinh nào đến đọc, mượn sách. Vì vậy, những ngày hè, các em vùng quê chủ yếu phụ giúp cha mẹ lao động, làm việc nhà, sang hơn thì miệt mài ở các tiệm net luyện game, chat chít, hoặc dán mắt vào màn hình tivi xem đủ loại phim ảnh. Phương án an toàn nhất có lẽ là đi học hè. Đôi khi chuyện các em học sinh vào hè lại trở thành gánh nặng cho phụ huynh, vì phải nơm nớp lo sợ tai nạn, rủi ro có thể xảy ra cho các em, có người còn bỏ cả công việc để trông chừng, quản lý con em.
![]() |
Mùa hè nhọc nhằn của em T. |
Có một thực tế chẳng biết nên vui hay buồn là trong mùa hè thì lực lượng bán vé số lại tăng vọt lên do có sự tham gia của các em học sinh nghỉ hè. Em Nguyễn Văn T., 11 tuổi, nhà ở đồi 25, ấp Phước Bình 2, xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu- một thành viên của “đội ngũ vé số” hồn nhiên kể: “Sáng ba chở ra chợ bỏ đó để em đi bán, chiều ba mới rước về”. Hỏi đi bán vé số như vậy có vui không, T. bảo vui. Vì sao? Em cười nói: “Vì kiếm được tiền”. Quả thật, năm bảy chục ngàn đồng một ngày là khoản thu nhập đáng kể của nhiều hộ gia đình còn khó khăn ở nông thôn hiện nay. Nhiều bậc cha mẹ không hề băn khoăn khi bắt con em mình cùng tham gia vào cuộc mưu sinh. Nhìn những gương mặt non nớt nhưng đã sạm đen vì nắng gió, những bàn chân trần chai sần vì rong ruổi nhọc nhằn mà chạnh lòng thương cho những mùa hè bị đánh cắp.
Bỗng chợt mơ về khung trời mùa hè của tuổi thơ ngày xưa. Ở đó có những cánh diều thênh thang gió trên đồng chiều, những trò chơi hấp dẫn ngày này qua ngày khác: hết đá dế, đánh gồng, chơi trận giả với những chiếc ống thụt bằng tre thì đã có hàng chục trò chơi tập thể khác, không gian lúc nào cũng tràn ngập tiếng cười hồn nhiên vô tư. Những ngày hè cứ thế trôi qua vùn vụt. Hết hè đứa nào đứa nấy vẫn cứ còn thòm thèm, tiếc nuối.
Bây giờ ở nông thôn đất trời dường như trở nên chật chội hơn. Xóm làng thiếu những sân chơi chung cho trẻ em. Những rào giậu lạnh lùng, những ngôi nhà cửa đóng then gài khiến mối quan hệ xóm giềng nhạt dần đi, trẻ con cũng ít thân thiện với nhau hơn. Chưa kể các phương tiện giải trí hiện đại đã trở nên phổ biến, internet, game online tràn ngập đã hút hết thời gian của các em vào đó.
Trả lại mùa hè trong veo tuổi thơ cho các em đang là mối quan tâm của mọi người, nhất là các bậc cha mẹ. Trẻ em bây giờ “già” hơn bởi vì cứ phải chen chúc trong thế giới của người lớn. Trẻ em vùng nông thôn lại càng thiệt thòi khi những khoảng không gian vốn rất lý tưởng cho tuổi thơ ngày cứ teo tóp dần trong quá trình đô thị hoá, trong khi cơ sở vật chất và cả tinh thần phục vụ cho các em thì chẳng có gì đáng kể. Mới hơn một tháng nghỉ hè mà những chiếc cặp đã oằn trên vai các em và sân trường đã nhộn nhịp vào “học kỳ ba”. Thời gian nghỉ hè của các em ngắn đi hay mùa hè đã trở nên quá dài?
PHƯỚC HỘI