Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Trẻ mẫu giáo sẽ được học tiếng Anh
Thứ hai: 08:54 ngày 05/10/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo (lần 2) để lấy ý kiến từ cơ sở trước khi ban hành thông tư chính thức về việc dạy tiếng Anh cho học sinh mẫu giáo.

Giáo viên người nước ngoài hướng dẫn học sinh Trường TTC Tây Ninh làm quen với tiếng Anh thông qua trò chơi.

Theo dự thảo (lần 2), chương trình làm quen tiếng Anh dành cho trẻ em mẫu giáo được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu của phụ huynh và khả năng của trẻ đối với việc làm quen tiếng Anh trong những cơ sở giáo dục mầm non có đủ điều kiện. Chương trình giúp trẻ được trải nghiệm, hứng thú với tiếng Anh, hướng tới hình thành, phát triển năng lực giao tiếp bằng tiếng Anh, chuẩn bị cho việc học tiếng Anh ở bậc tiểu học; tạo cơ hội cho trẻ tiếp xúc các nền văn hoá khác.

Chương trình dạy tiếng Anh dành cho trẻ mẫu giáo được dựa trên cơ sở chương trình giáo dục bậc mầm non, các kết quả nghiên cứu về giáo dục học, tâm lý học và phương pháp cho trẻ mẫu giáo làm quen tiếng Anh. Chương trình còn dựa vào các thành tựu nghiên cứu về ngôn ngữ tiếng Anh, phương pháp xây dựng chương trình tiếng Anh của thế giới và kinh nghiệm xây dựng chương trình của Việt Nam. Chương trình được thiết kế theo định hướng phát triển năng lực giao tiếp, bảo đảm tính khoa học, tính vừa sức và nguyên tắc đồng tâm phát triển từ dễ đến khó, liên thông giữa các độ tuổi, mang tính mở, gắn với cuộc sống và kinh nghiệm của trẻ.

Với quan điểm giáo dục “lấy trẻ làm trung tâm”, các hoạt động cho trẻ làm quen với tiếng Anh tạo điều kiện cho trẻ được trải nghiệm, tìm tòi, khám phá môi trường xung quanh dưới nhiều hình thức đa dạng, đáp ứng nhu cầu, hứng thú của trẻ theo phương châm giáo dục “chơi mà học, học bằng chơi”, được lồng ghép tích hợp thông qua các hoạt động giáo dục và giao tiếp trong các ngữ cảnh và hoạt động gần gũi, có ý nghĩa.

Chương trình chỉ áp dụng thực hiện tại các cơ sở giáo dục mầm non đáp ứng các yêu cầu quy định và sự tự nguyện của gia đình trẻ. Hoạt động cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh cần được tổ chức thực hiện bảo đảm không phát sinh biên chế về vị trí giáo viên tiếng Anh trong các cơ sở giáo dục mầm non.

Mục tiêu cụ thể của chương trình là trẻ em mẫu giáo khi học xong có thể nghe hiểu được một số từ, cụm từ và câu quen thuộc; nghe hiểu và thực hiện được một số yêu cầu ngắn, đơn giản, quen thuộc; nghe hiểu và có phản hồi phi ngôn ngữ hoặc trả lời ngắn gọn trong các tình huống giao tiếp đơn giản, quen thuộc với lứa tuổi; nghe hiểu và có phản hồi phi ngôn ngữ hoặc lời nói khi tham gia các trò chơi phù hợp với lứa tuổi; nghe hiểu được nội dung truyện tranh rất đơn giản, phù hợp với lứa tuổi; nhắc lại được, nói được một cách tương đối rõ ràng, dễ nghe một số từ, cụm từ đơn giản; nhắc lại được, đọc theo được một số bài vần, bài thơ; hát theo một số bài hát đơn giản; trả lời được, kể lại được một số tình tiết của truyện theo tranh; nhắc lại được, nói được một số từ thông dụng từ chỉ người, đồ vật, sự vật, hiện tượng, hành động, biểu tượng, ký hiệu rất đơn giản, phù hợp với lứa tuổi; đọc theo được thành tiếng một số từ thông dụng khi xem tranh, minh hoạ chỉ người, đồ vật, sự vật, hiện tượng, hành động, biểu tượng, ký hiệu rất đơn giản, phù hợp với lứa tuổi; tô màu được một số biểu tượng, ký hiệu, chữ cái theo hướng dẫn bằng tiếng Anh; có hứng thú với tiếng Anh và tích cực tham gia các hoạt động làm quen với tiếng Anh; mạnh dạn và tự tin trong giao tiếp.

Thông tư (dự thảo lần 2) hướng dẫn cụ thể cách thức triển khai chương trình. Theo tinh thần này, tuỳ vào điều kiện triển khai thực tế, nhu cầu, khả năng của trẻ, các cơ sở giáo dục mầm non phát triển kế hoạch chi tiết và tổ chức thực hiện một cách linh hoạt, bảo đảm mục đích yêu cầu của việc cho trẻ làm quen với tiếng Anh. Việc cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh được tổ chức 35 tuần/năm, tối thiểu 2 hoạt động làm quen với tiếng Anh/tuần, mỗi hoạt động khoảng từ 25 đến 35 phút.

Căn cứ chương trình làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ em mẫu giáo do Bộ GD-ĐT ban hành, sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo  phòng Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các cơ sở giáo dục mầm non tổ chức thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và nhu cầu xã hội; kiểm tra giám sát, quản lý việc tổ chức thực hiện nhằm bảo đảm tính tự nguyện tham gia của người học, chất lượng và hiệu quả.

Dự thảo cũng nêu cụ thể điều kiện về đội ngũ giáo viên (cả giáo viên người Việt Nam và giáo viên người nước ngoài) đáp ứng đủ điều kiện thì hoàn toàn có thể tham gia dạy tiếng Anh cho trẻ em mầm non, mẫu giáo. Ngày 16.11.2020 là thời hạn cuối để Bộ GD - ĐT nhận ý kiến đóng góp trước khi ban hành thông tư chính thức.

Đ.V.T

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục