Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Hỏi: Nữ, 32 tuổi, đã sinh mổ một lần, đang mang thai lần thứ 2, tuổi thai 30 tuần, thai bình thường. Do lần mang thai này cách lần mổ sinh trước chỉ 10 tháng, nên bác sĩ cho biết sớm để tôi chuẩn bị tinh thần, bắt buộc phải sinh mổ lần này, thậm chí phải mổ ngay khi thai nhi chưa đủ tháng nếu có dấu hiệu doạ nứt hoặc vỡ vết mổ cũ. Mổ thì tôi cũng lo, nhưng lo nhất là sinh con non tháng, vì nghe nói có nhiều nguy cơ, xin bác sĩ giải thích thêm.
Một bạn đọc
Đáp: Trẻ sinh non (còn gọi là trẻ non tháng, trẻ thiếu tháng) là trẻ ra đời trước khi đủ 37 tuần tuổi. Nói cách khác, trẻ sinh non chào đời trước ngày sinh dự kiến ít nhất 3 tuần lễ. Trẻ sinh non không hiếm gặp, cứ 10 trẻ sơ sinh thì có 1 trẻ non tháng.
Sinh non là vấn đề y tế nghiêm trọng. Do ra đời sớm, không đủ thời gian trong bụng mẹ để phát triển đầy đủ các chức năng sống, tuỳ mức độ non tháng, trẻ sinh non phải đối mặt với một vài hay nhiều vấn đề sức khoẻ nghiêm trọng.
Ngay sau sinh và trong vài tuần lễ đầu, trẻ sinh non dễ gặp các vấn đề như: xẹp phổi, suy hô hấp, cơn ngừng thở; hạ huyết áp, còn ống động mạch, nếu không phát hiện và xử lý kịp thời dễ dẫn tới suy tim; xuất huyết não; hạ thân nhiệt dẫn tới suy hô hấp và hạ đường huyết; viêm ruột hoại tử; thiếu máu, vàng da nặng; dễ nhiễm trùng, dễ tiến triển nặng thành nhiễm trùng huyết, đe doạ tính mạng trẻ.
Nếu vượt qua được vài tuần đầu, trẻ non tháng còn phải đối mặt với các biến chứng muộn như: bại não, giảm khả năng nhận thức, học tập; bệnh võng mạc mắt, bong võng mạc có thể giảm thị lực hoặc gây mù; giảm thính lực; răng chậm mọc, mọc lệch; rối loạn tăng động giảm chú ý với trẻ quá non tháng; nhiễm trùng, hen (suyễn), rối loạn ăn uống...
Trường hợp của bạn, do vết mổ tử cung còn quá mới, nguy cơ nứt, vỡ vết mổ này khi thai chưa đủ 37 tuần là khá cao. Tuy vậy, bạn cũng không nên quá lo lắng, do khả năng chăm sóc trẻ non tháng, thậm chí rất non, cỡ 28-30 tuần ở các trung tâm sản khoa lớn hiện nay là khá tốt.
Ngay khi không thể chặn đứng cuộc sinh non, bác sĩ vẫn có thể giảm thiểu nguy cơ xẹp phổi ở trẻ sơ sinh bằng thuốc thúc đẩy sự trưởng thành của phổi thai nhi. Việc bạn nên và có thể làm là đi khám thai định kỳ tại các cơ sở sản khoa có uy tín để sàng lọc, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các bệnh lý làm tăng nguy cơ sinh non như viêm nhiễm đường sinh dục, tiết niệu, tăng huyết áp trong thai kỳ...
Ăn uống đầy đủ, làm việc nhẹ nhàng, nghỉ ngơi hợp lý, tinh thần thoải mái cũng rất quan trọng. Bạn cần chuẩn bị sẵn sàng nhập viện ngay khi có đau bụng từng cơn (doạ sinh non), đau liên tục ở bụng dưới (doạ nứt, vỡ vết mổ cũ ở tử cung), hay vùng kín ra huyết (chuyển dạ) hoặc ra nước (vỡ ối).
Bác sĩ Huỳnh Văn Tú