Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Trẻ viết già, già viết trẻ
Chủ nhật: 22:54 ngày 01/07/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Vừa qua, trên văn đàn xảy ra một câu chuyện mang nhiều tầng ý nghĩa. Một cây bút trẻ, đã có nhiều sáng tác trên mạng, ít nhất 2 lần có tác phẩm được in thành sách trong các chương trình xuất bản hỗ trợ người viết trẻ nhưng sách của anh mau chóng chìm trong muôn vàn cuốn sách khác.

Rồi một ngày nọ, vợ anh có thai, sinh con… Nhân lúc rảnh rỗi, anh viết lại những chuyện vui buồn của đôi vợ chồng trẻ từ lúc nghe tin có con đến khi bối rối chăm sóc đứa bé mới chào đời. Chỉ có thế, các bài viết thu hút người đọc. Nhà xuất bản đặt hàng viết thành sách và ngay khi xuất bản, cuốn sách nhanh chóng thu hút bạn đọc, gấp nhiều lần những tác phẩm tâm huyết trước đó của người cha trẻ.

Tâm sự trên mạng, anh đặt câu hỏi rằng vì sao những trang viết về những vấn đề của thời đại, của thế hệ, những tâm tư, trách nhiệm với cuộc sống lại ít người đọc, trong khi chuyện “chả có gì” lại thu hút bạn đọc. Phải chăng bạn đọc bây giờ thích đọc đơn giản hơn là phức tạp?

Đáp lại lời anh, một nhà phê bình văn học, nguyên là chủ tịch một hội nhà văn, cho rằng người viết trẻ kia đã hiểu sai về văn chương. Trong văn chương không có khái niệm viết lớn, viết nhỏ, chỉ có hay hoặc dở mà thôi. Nguyễn Tuân viết cả bài tùy bút về phở với câu khẳng định đanh thép “đã phở thì phải là bò” đến nay vẫn được xem là tuyệt tác viết về món ăn dân tộc, về tình yêu quê hương.

Dù rằng quan niệm phải là phở bò mới ngon chưa chắc đã được bạn đọc sành ăn tán đồng nhưng dù đồng ý hay không, người đọc vẫn thích đọc chuyện nhà văn viết về phở bởi nó hay, nó hấp dẫn, nó dẫn người xem đến với những hồi ức, đến với những thứ nằm bên ngoài một tô phở vốn rất dĩ bình thường.

Thế nhưng, một hiện tượng đã và đang diễn ra với người viết trẻ hiện nay là dồn nhiều công sức vào những tác phẩm có tính vĩ mô.

Tại hội thảo về nhà văn trẻ do Hội Nhà văn TPHCM tổ chức mới đây, lý giải hiện tượng vì sao nhiều nhà văn trẻ lại thích viết về những điều quá cao xa, một cây bút trẻ nói thành thật - tất cả là vì muốn khẳng định mình! Người trẻ luôn muốn nhận được sự thừa nhận một cách mau chóng, đặc biệt là trên con đường văn chương vốn cũng có không ít trường hợp thành danh ngay từ khi còn rất trẻ.

Thế là họ lao vào với những đề tài đầy trắc trở cả với những cây bút lão luyện. Có người say sưa với hậu hiện đại, có người lại lấy Kafka (nhà văn Đức Franz Kafka, nổi bật với các tác phẩm hiện sinh) làm hình mẫu…

Nổi bật nhất có thể kể đến một cây bút trẻ sinh vào thập niên 1990 viết một tác phẩm về tuổi trẻ thập niên 1960 với đủ mọi giằng xé nội tâm của một cá nhân giữa thời cuộc chiến tranh. Dĩ nhiên, sáng tác là câu chuyện của cá nhân nhưng rõ ràng, với những đề tài phức tạp như vậy, đòi hỏi người viết rất nhiều, từ kiến thức chuyên môn, kiến thức về lịch sử, tâm lý, xã hội đến tài năng văn chương… Nhiều đến mức mà cho đến nay, chưa có cây bút trẻ nào đáp ứng nổi.

Trong khi đó, ở hướng ngược lại, những cây bút lớn tuổi, nhiều năm trong nghề viết lại đang “trẻ hóa” trong tác phẩm của mình. Có người cả đời viết chính luận nay về hưu lại viết truyện thiếu nhi. Có nhà văn nổi tiếng với dòng tác phẩm phê phán lại hồ hởi giới thiệu sách về chuyện tình tuổi mới lớn.

Gần đây nhất, một cây bút rất sắc sảo trong lĩnh vực lịch sử vừa giới thiệu sách viết cho cháu ngoại của mình. Đại diện một nhà xuất bản tiết lộ, nhiều bản thảo sách cho thiếu nhi, thiếu niên hiện nay là của các cây bút không còn trẻ.

Có nhiều lý do được nêu lên về hiện tượng này, có người cho rằng khi đến một độ tuổi nào đó người viết sẽ bắt đầu hoài niệm, viết về tuổi thơ, tuổi trẻ của họ hay của thế hệ mà họ đã trải qua. Nhưng cũng có người lại cho rằng khi đã có một sự hiểu biết rõ ràng, người viết sẽ hiểu rằng vấn đề không phải là lứa tuổi đọc sách mà là cách để chuyển tải nội dung mới đóng vai trò quan trọng nhất.

Theo nhiều nhà phê bình, hiện tượng “trẻ viết già, già viết trẻ” không phải là chuyện bất thường mà ngược lại, nó phản ánh một nhu cầu bình thường trong sáng tác.

Điều quan trọng là với người phê bình hay các thế hệ đi trước, thông qua hội nghề nghiệp hay các công cụ phê bình, nên có sự tư vấn, hướng dẫn người viết, nhất là người viết trẻ đi đúng hướng.

Không phải để áp đặt hướng sáng tác mà là để tránh sự phung phí tài năng. Đã có không ít người trẻ khi viết những vấn đề lớn lao, bị phê phán, bị chê bai đến mức chán nản, bỏ dở nghiệp viết dù rằng thất bại hôm nay chỉ là những loạng choạng bước đầu của một sự nghiệp đầy gian nan.

Nhiều cây viết trẻ khác, nhờ có sự giúp đỡ, chỉ dẫn đã có những trang viết mới, phù hợp với kiến thức và năng lực hiện có của chính họ và đã được bạn đọc đón nhận.

Điều đó giúp cho người viết trẻ vững bước hơn vào con đường sáng tác và có thể trong số họ sau này sẽ có những cây bút sẽ viết nên tác phẩm thực sự xuất sắc.

Nguồn SGGPO

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh