Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Sáng nay, ngày 25/6, trên 887.000 thí sinh cả nước bắt đầu làm bài dự thi môn đầu tiên của kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2019, môn Ngữ văn, thời gian làm bài là 120 phút.
Thí sinh làm thủ tục dự thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2019 tại điểm thi Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú, Hà Nội. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm nay có 887.104 thí sinh đăng ký dự thi.
Trong đó, có gần 623.000 em đăng ký thi để vừa để xét tốt nghiệp, vừa lấy kết quả xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, chiếm tỷ lệ 70,22%. Số thí sinh chỉ đăng ký thi để xét tốt nghiệp Trung học phổ thông là gần 234.000 em, chiếm 26,38%. Thí sinh đăng ký chỉ để xét tuyển sinh đại học, cao đẳng là trên 30.000 em, chiếm 3,4%.
Kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia năm 2019 cơ bản vẫn giữ ổn định phương thức thi như năm 2018, với 5 bài thi: ba bài thi độc lập bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và hai bài thi tự chọn là Khoa học tự nhiên (gồm các môn thành phần Vật lý, Hóa học, Sinh học), Khoa học xã hội (gồm các môn thành phần Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân). Trong đó, ngoài môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các bài thi còn lại đều theo hình thức trắc nghiệm.
Điểm đáng lưu ý liên quan trực tiếp đến thí sinh là việc thay đổi cách tính điểm xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông. Theo đó, năm 2019, điểm thi sẽ chiếm 70% trọng số điểm xét tốt nghiệp, điểm học bạ chỉ chiếm 30%, thay vì tỷ trọng 50-50 như các năm trước.
Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng có hàng loạt điều chỉnh về kỹ thuật nhằm hướng tới kỳ thi an toàn, nghiêm túc, kết quả tin cậy, khắc phục các lỗ hổng dẫn đến gian lận thi cử gây chấn động trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018.
Số học sinh dự thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2019.
Cụ thể, Bộ yêu cầu lắp camera giám sát 24/24 giờ đối với nơi bảo quản đề thi, bài thi và địa điểm chấm thi; trường đại học, cao đẳng địa phương không tham gia phối hợp tổ chức thi tại địa phương mình; việc chấm thi trắc nghiệm do Bộ trực tiếp chủ trì và các trường đại học, cao đẳng thực hiện; thí sinh tự do không được ngồi riêng mà phải ngồi thi chung cùng thí sinh lớp 12 trung học phổ thông; đánh phách điện tử bài thi; mã hóa toàn bộ quy trình chấm thi…
Tuy đã có hàng loạt giải pháp kỹ thuật được áp dụng, nhưng theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, kỹ thuật có chặt chẽ đến đâu cũng không thể chống được gian lận nếu con người cố tình vi phạm. Đây là thực tế đã được minh chứng trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018, khi các cán bộ làm công tác chấm thi tại các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang đã móc nối với nhau, cố tình thực hiện sai quy trình do Bộ quy định để thực hiện nâng khống điểm cho thí sinh.
Vì thế, năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đặc biệt chú trọng việc lựa chọn nhân sự. Trong công tác chỉ đạo thi, công điện gửi lãnh đạo các địa phương, hiệu trưởng các đại học, giám đốc các học viện, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đều yêu cầu cẩn trọng lựa chọn người có năng lực chuyên môn nhưng phải có phẩm chất đạo đức tốt để tham gia tổ chức thi. Các trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm.
Ban Chỉ đạo thi Trung học phổ thông quốc gia đã thành lập 8 đoàn kiểm tra, rà soát công tác chuẩn bị tại hơn 30 hội đồng thi trên cả nước, kịp thời đề nghị Ban chỉ đạo thi các tỉnh tiếp tục bổ sung, khắc phục những khâu còn thiếu sót. Các đoàn kiểm tra cũng kịp thời hỗ trợ những tỉnh khó khăn, có nhân sự.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu yêu cầu Ban chỉ đạo thi Trung học phổ thông quốc gia và ban chỉ đạo thi các tỉnh phải tuyệt đối cẩn trọng, không được chủ quan dù là khâu nhỏ nhất.
Nguồn Vietnam+