Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - Bến Cầu đón chúng tôi bằng cái nắng biên giới hanh hao của ngày mưa vừa tạnh. Con đường từ cầu Gò Dầu về Long Khánh trải nhựa phẳng lì tưởng chừng như xe sẽ tự trôi về nơi cần đến chứ không cần đề máy, tăng tốc gì.

Ngày cuối tháng 5.2016, Phân hội Văn học (Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Tây Ninh) chúng tôi với hai mươi anh chị em đã có một đợt thực tế sáng tác về vùng đất giàu truyền thống cách mạng và hiện đang trên đà xây dựng nông thôn mới.
Bến Cầu đón chúng tôi bằng cái nắng biên giới hanh hao của ngày mưa vừa tạnh. Con đường từ cầu Gò Dầu về Long Khánh trải nhựa phẳng lì tưởng chừng như xe sẽ tự trôi về nơi cần đến chứ không cần đề máy, tăng tốc gì.
Hội trường UBND xã Long Khánh, nơi đoàn chúng tôi và anh em văn nghệ sĩ địa phương có mặt còn mới nguyên phông màn của buổi lễ đón nhận danh hiệu xã đạt chuẩn nông thôn mới. Ông Phạm Văn Bồi- Phó Chủ tịch UBND xã giới thiệu sơ lược về những di tích căn cứ cách mạng tiêu biểu của Bến Cầu- những nơi đoàn chúng tôi sắp đi qua, đó là di tích Căn cứ Bàu Rong toạ lạc tại ấp Long Cường thuộc xã Long Khánh và khu tưởng niệm Thanh niên Xung phong TP.Hồ Chí Minh tại ấp Long Phụng thuộc xã Long Phước.
Chiếc xe 30 chỗ đưa chúng tôi đi trên con đường đất đỏ dẫn vào khu di tích căn cứ, có những đoạn đất còn tươi nguyên. Đi khoảng ba cây số nữa, bác tài không thể cho xe chạy tiếp được bởi những ổ voi, ổ gà xăm xắp nước cứ liên tục giăng hàng chặn lối. Vậy là cả đoàn xuống xe đi bộ, xem như tập thể dục. Bao màu áo, sắc nón lúp xúp di chuyển dưới vòm lá cao su non tơ như vừa được tô màu dưới nắng mới, sau cơn mưa đầu mùa.
Nhưng rồi chúng tôi không thể lội bộ được nữa. “Tập đoàn xe ôm” của anh em Chi hội Văn học Nghệ thuật Bến Cầu đã vào tới khu di tích trước rồi lại phải quay ra để chở “đội khách”. Những chiếc xe vang tiếng cười vui rộn rã.
Khu di tích căn cứ Bàu Rong từ năm 1995 đã được quy hoạch xây dựng, nhưng mãi đến 10 năm sau mới hoàn thành nhà bia tưởng niệm, để có nơi hương khói, tưởng nhớ hàng trăm người con ưu tú đã ngã xuống vì quê hương Long Khánh. Nơi đây, ngày 26.6.1968 có 10 chiến sĩ Ban An ninh tỉnh đã hy sinh. Dù sinh ra ở vùng đất nào- Quảng Nam, Quảng Trị hay Hà Tĩnh, Gia Định… thì các chú, các anh cũng đã gửi máu xương lại vùng đất đỏ miền biên giới này. Chúng tôi thắp những nén nhang kính dâng lên các anh linh liệt sĩ. Khói hương dìu dặt chưa vội tan đi, như muốn níu chân người. Nhưng đã đến lúc chia tay, chúng tôi phải rời khu di tích căn cứ Bàu Rong để thẳng tiến đến khu tưởng niệm liệt sĩ Thanh niên Xung phong cho kịp giờ đã định.
Quần thể khu tưởng niệm Thanh niên Xung phong TP. Hồ Chí Minh rộng 5,6 ha. Nhà tưởng niệm được đắp đất xây cao như trên một ngọn đồi. Khách tham quan muốn lên được phải qua 99 bậc tam cấp tượng trưng cho 99 liệt sĩ đã hy sinh. Cảm nhận của chúng tôi là hoa nơi đây hình như thắm hơn nơi khác, cỏ ở đây cũng xanh hơn nơi khác và trong tiếng gió ngàn đang vi vu trên tầng cây kia chừng như có tiếng cười trong trẻo của các dì, các chị mà lúc hy sinh chỉ mới tuổi đôi mươi.
Từ cuối năm 2007 đến nay, tôi mới có một chuyến đi “thật sự” trở lại xã Long Phước. Nói “thật sự” là vì trước đây tôi cũng vài lần đi ngang qua nhưng chưa ghé được, vì Long Phước tựa như một ốc đảo của vùng đất ngũ long xuyên suốt tỉnh lộ 786, muốn ghé lại phải mất 10km tính từ trục đường chính.
Nét mới của Long Phước hôm nay tôi ghi nhận được qua chuyến đi lần này không chỉ là khu tưởng niệm Thanh niên Xung phong hoành tráng, mà còn là hai ngôi trường trung học cơ sở và mẫu giáo bề thế với tổng kinh phí xây dựng mỗi trường ngót hai mươi tỷ đồng.
Buổi trưa đã kéo nắng tới đỉnh đầu. Vùng biên tuy có nhiều cây xanh và đồng xa thông thốc gió, nhưng cái hanh khô ran rát vẫn thường trực trên da thịt người. Anh quản lý khu tưởng niệm tên Đinh Văn Hồng hôm nay phải làm công việc của người thuyết minh, do cô phụ trách đi vắng mà đoàn chúng tôi đến đột xuất nên mồ hôi đẫm ướt chiếc áo xanh dày cộm của anh; có thể vì cái nắng biên giới giữa trưa mà cũng có thể vì bao câu hỏi của chúng tôi cứ quay anh vòng vòng.
Ít ai trong chúng tôi biết được, ngày kỷ niệm Thanh niên Xung phong là 15.7. Cũng phải thôi, vì chúng tôi là lớp người lớn lên sau chiến tranh, gần như không có ai từng khoác lên vai chiếc áo thanh niên xung phong màu xanh cây lá. Ngay cả tôi, cứ nghĩ đó là những thanh niên trẻ, xung phong lên đường đi lao động công ích, đào đất khiêng đất như xây dựng lòng hồ Dầu Tiếng vậy thôi. Nhưng hôm nay, đứng trước bản đồ xác định vị trí Thanh niên Xung phong TP. Hồ Chí Minh có mặt làm nhiệm vụ quốc tế trên đất bạn Campuchia cùng những tư liệu, kết quả phục vụ chiến đấu được liệt kê không chỉ bằng ngôn từ văn bản mà còn bằng hình ảnh sống động, tôi mới biết đó cũng là những chiến sĩ thực thụ.
Bóng mây xám đã đùn lên từ phía chân trời. Cảnh níu chân người, tình còn vương vấn nhưng chúng tôi đành khép lại cuộc viếng thăm bởi đường về còn xa, hẹn một ngày trở lại.
Nhưng có vội gì thì chủ khách vẫn phải ăn cùng nhau bữa cơm trưa tại ấp Cao Su, xã Long Giang. Sự nhiệt tình của anh em Chi hội Văn học Nghệ thuật Bến Cầu và chính quyền địa phương làm chúng tôi xúc động. Hết giờ làm việc nhưng Chủ tịch xã Long Phước- anh Phạm Văn Thuận cùng anh em cán bộ xã vẫn đến chào đoàn, còn Bí thư Huỳnh Thanh Hùng thì đã làm hướng dẫn viên cho đoàn suốt từ sáng sớm.
Lời ca tiếng hát tiễn đưa nhau đã nhiều rồi nhưng tình ý vẫn còn vương đọng mãi. Xe bắt đầu lăn bánh sau những cái xiết tay thật chặt. Mưa biên giới bắt đầu lây phây qua khung cửa kính mà lời giã từ vẫn chưa nói hết cùng nhau. Bến Cầu ơi, hẹn một ngày, chúng tôi lại về đây để ngắm nhìn từng con đường, từng mái ngói mới mọc lên từng ngày.
Đ.P THUỲ TRANG