Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
So với lao động làm thuê trong nông nghiệp và làm nghề tiểu thủ công thì cuộc sống của người công nhân ở tỉnh Tây Ninh nói chung, trong đó có huyện Gò Dầu vẫn ổn định hơn nhiều.
Những năm gần đây nhiều khu, cụm và các cơ sở công nghiệp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh liên tiếp được hình thành và đi vào hoạt động. Từ đó giải quyết được nhiều việc làm cho người lao động ở nông thôn. Nhiều lao động trẻ không còn bám ruộng đồng, hoặc không làm các nghề tiểu thủ công truyền thống nữa mà vào làm công nhân ở các cơ sở công nghiệp. Tuy mức thu nhập chưa thể gọi là cao và đời sống của phần lớn công nhân cũng còn gặp khó khăn. Nhưng so với lao động làm thuê trong nông nghiệp và làm nghề tiểu thủ công thì cuộc sống của người công nhân ở tỉnh Tây Ninh nói chung, trong đó có huyện Gò Dầu vẫn ổn định hơn nhiều.
Tết Tân Mão này gia đình chị Thuỷ, ở xã Thanh Phước (Gò Dầu) vui xuân đón Tết sung túc hơn mọi năm rất nhiều. Chị Thuỷ vui vẻ cho biết, bây giờ mà nhắc lại cái lúc ngồi tráng bánh tráng thì ngán quá trời. Chị Thuỷ là một goá phụ tuổi chưa đến bốn mươi, một mình nuôi hai cô con gái. Nhà không có ruộng đất, trước đây chị làm nghề tráng bánh tráng, mỗi ngày mấy mẹ con phải thức từ hai, ba giờ sáng để nổi lửa tráng bánh. Mẹ ngồi tráng, con đội vỉ bánh đem phơi, quần quật suốt ngày như vậy, mà thu nhập mỗi ngày chỉ được vài chục ngàn. Hơn một năm nay, chị Thuỷ bỏ nghề tráng bánh, cả ba mẹ con chị vào làm công nhân cho một công ty ở xã Phước Đông. Cứ sáng ba mẹ con đi làm, chiều tối về. Tiền lương, tiền tăng ca và các khoản phụ cấp khác của ba mẹ con chị vượt xa rất nhiều so với nghề tráng bánh trước đây.
Khu liên hợp Công nghiệp-Đô thị-Dịch vụ Phước Đông-Bời Lời đi vào hoạt động sẽ thu hút được nhiều lao động ở nông thôn |
Anh Bảy Cấp, nhà cũng ở xã Thanh Phước. Nhà nghèo không ruộng đất, trước đây ai thuê gì anh làm nấy. Từ cuốc đất, đào mương đến cắt lúa, ôm rơm… làm quần quật cũng không đủ nuôi vợ con. Chia tay với nghề làm thuê trong nông nghiệp, anh chuyển qua làm thuê công nghiệp. Từ đó cuộc sống gia đình anh đỡ khổ hơn. Hai con trai anh nay đã lớn và cũng đã trở thành công nhân. Tết này tiền lương, tiền thưởng của ba cha con anh gom lại cả nhà hưởng Tết vui vẻ, đầy đủ sung túc. Không chỉ có gia đình chị Thuỷ, anh Bảy Cấp mà còn nhiều gia đình công nhân khác ở Gò Dầu cũng vui xuân đón Tết vui vẻ sung túc hơn, nhờ các công ty xí nghiệp có tiền thưởng, có quà Tết.
Theo số liệu của Liên đoàn Lao động huyện Gò Dầu. Hiện nay trên địa bàn huyện Gò Dầu có 38 doanh nghiệp có từ 10 lao động trở lên đang hoạt động. Trong đó doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, hoặc do người nước ngoài quản lý là 22 doanh nghiệp, với trên 5.000 lao động. Tết năm nay, nhìn chung các doanh nghiệp đều giải quyết tiền lương, tiền thưởng và có tặng quà Tết cho công nhân. Trong những ngày trước Tết, không có hiện tượng người lao động ngừng việc. Đến ngày 11.2.2011 (mùng 9 tháng Giêng năm Tân Mão). Tất cả các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Gò Dầu đều đi vào hoạt động bình thường.
Hiện nay trên địa bàn huyện Gò Dầu đã và đang hình thành các khu công nghiệp như: Khu liên hợp Công nghiệp-Đô thị-Dịch vụ Phước Đông-Bời Lời; Khu Công nghiệp Hiệp Thạnh và nhiều cơ sở công nghiệp khác. Từ đó sẽ tạo nhiều cơ hội cho người lao động ở nông thôn tìm được việc làm. Người nông dân không còn phải lo cảnh “nông nhàn”, thực chất là “thất nghiệp” nữa!
Tuy nhiên trong quá trình lao động cũng khó tránh khỏi xảy ra tranh chấp giữa chủ doanh nghiệp và những người lao động làm thuê, khi mà lợi ích giữa đôi bên có mâu thuẫn với nhau. Đối với các chủ doanh nghiệp là luôn muốn có lợi nhuận cao. Trong khi đó người lao động hầu hết là xuất thân từ nông dân, trình độ học vấn thấp, ít am hiểu về pháp luật lao động, nên khi vào làm việc ở các doanh nghiệp có khi bị thiệt thòi về quyền lợi như: Không ký hợp đồng lao động, hoặc ký hợp đồng, nhưng nội dung hợp đồng có những khoản bất lợi cho người lao động. Vì vậy để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho người lao động và lợi ích của chủ doanh nghiệp, cũng như đảm bảo tình hình an ninh trật tự tại địa phương, thời gian qua, UBND huyện Gò Dầu ra quyết định thành lập Hội đồng hoà giải viên cấp huyện. Trong năm 2010, Liên đoàn Lao động huyện phối hợp với cán bộ hoà giải viên huyện đã giải quyết thành công 6 cuộc ngừng việc với hơn 1.300 công nhân tham gia, đã đem lại quyền lợi cho người lao động.
Để hạn chế tranh chấp lao động xảy ra, Liên đoàn Lao động huyện Gò Dầu kiến nghị: Khi có văn bản chính thức về pháp luật lao động, các cơ quan quản lý Nhà nước về lao động phải triển khai văn bản cho chủ doanh nghiệp và công đoàn cùng cấp biết; Khi ban hành những văn bản mang tính quy phạm pháp luật ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người lao động phải mời công đoàn cùng cấp tham gia ý kiến. Các đơn vị làm dịch vụ lao động, hoặc sử dụng người lao động, khi tuyển lao động phải tổ chức cho người lao động học Luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế… Định kỳ ít nhất 6 tháng UBND huyện tổ chức hội nghị với các chủ doanh nghiệp, để nghe doanh nghiệp phản ánh cũng như tiếp tục triển khai các văn bản quy phạm pháp luật mà chủ doanh nghiệp thực hiện chưa tốt do Liên đoàn Lao động huyện hoặc Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện phản ánh.
D.H