Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Với nhiều thế hệ cầu thủ Tây Ninh, họ vẫn luôn nhớ đến và biết ơn một người phụ nữ, đó là cụ bà Trần Thị Măng- hay còn được gọi với cái tên thân thương là bà Năm.
Trong giới bóng đá, vai trò của phụ nữ ít khi được nhắc đến, bởi người ta vẫn xem bóng đá là trò chơi dành cho phái mạnh. Tuy nhiên, để cầu thủ có những trận cầu thăng hoa không thể thiếu sự cống hiến âm thầm của những người chăm lo cho bữa ăn đội bóng. Với nhiều thế hệ cầu thủ Tây Ninh, họ vẫn luôn nhớ đến và biết ơn một người phụ nữ, đó là cụ bà Trần Thị Măng- hay còn được gọi với cái tên thân thương là bà Năm.
Ông Lâm Văn Nhường (cựu Giám đốc điều hành CLB bóng đá Tây Ninh) và các cựu tuyển thủ Tây Ninh tặng hoa, lì xì mừng thọ bà Năm.
Bà Năm chính là người phụ trách việc nấu ăn cho đội bóng Tây Ninh suốt mấy chục năm qua. Qua nhiều thời kỳ, bóng đá Tây Ninh có nhiều sự thay đổi về lãnh đạo, lực lượng nhân sự, phương hướng phát triển, nhưng bà Năm thì vẫn luôn ở đó cần mẫn đi chợ, nấu cơm cho hết lứa này đến lứa khác.
Không sai khi nói rằng, hiếm ai có thể gắn bó lâu dài, bền bỉ và trải qua nhiều thăng trầm cùng đội bóng như bà Năm. Vậy nên, hơn ai hết, bà là người rất yêu bóng đá Tây Ninh, xem các cầu thủ như con cháu trong nhà.
Mặc dù năm nay đã chạm mốc 90 tuổi nhưng bà Năm còn rất minh mẫn. Bà kể: “Tôi nấu cơm cho đội bóng từ trước khi đất nước hoà bình, không nhớ rõ năm nào nhưng lúc đó tôi đã có gia đình, khoảng ba mươi mấy tuổi. Thỉnh thoảng, mấy đội đến Tây Ninh giao lưu có nhờ tôi nấu thêm cho họ thì tôi cũng nhận luôn. Đến khi 72 tuổi tôi mới chính thức nghỉ làm công việc này, do tuổi cao sức yếu”.
“Hồi đó, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao xây cho tôi một cái nhà để ở tại khuôn viên. Mỗi buổi sáng, có một ông chuyên chạy xe đạp ôm chở tôi đi chợ, rồi chở đồ về, xong quay lại chở tôi về, vì đồ nhiều quá nên phải chạy mấy lượt. Bây giờ ông ấy mất rồi, ổng mất trước khi tôi nghỉ nấu”- bà Năm nói tiếp.
So với lúc trước, bà Năm hiện đã gầy đi rất nhiều nhưng trông vẫn khoẻ mạnh. Đại diện gia đình cho biết: “Một tháng bà ăn chay 10 ngày, mỗi bữa bà chỉ ăn được nửa chén cơm hoặc uống sữa thôi. Tuy vậy, bà vẫn còn mê bóng đá lắm, có giải là bà đi xem, chỉ trừ khi con cháu bận không có ai đưa đi. Thời điểm HLV Mang Văn Xích nắm quyền ở đội Tây Ninh, cứ mỗi trận đấu trên sân nhà ông đều cử người mang vé mời tới tận nhà cho bà nên trận nào bà cũng có mặt trên khán đài”.
Tuổi tác cao, lại nghỉ việc đã lâu, nhưng bà Năm vẫn nhớ mặt gọi tên nhiều cầu thủ. Còn với các cầu thủ, bà Năm như người mẹ hiền và nhiều người vẫn quen gọi là “má Năm”.
Ông Lê Hoàng Tùng (hiện là Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao Tây Ninh) - người cũng từng ăn cơm bà Năm nhiều năm cho hay: “Má Năm không chỉ nấu cho riêng đội bóng đá mà sau này còn nấu cho vận động viên năng khiếu của các môn khác nữa”.
“Má Năm nấu món nào cũng ngon hết, từ thịt kho, sườn ram, cho tới các món canh, rau củ xào... Hồi thời chúng tôi, chế độ ăn mỗi ngày chỉ có mười mấy ngàn đồng nên cảm thấy rất trân trọng từng bữa cơm cũng như công sức của người nấu. Tối tối đói bụng xuống bếp vét cơm cháy chấm với nước mắm ăn cũng thấy ngon” - cựu cầu thủ Xiên Nguyễn Phú xúc động khi ôn lại kỷ niệm xưa.
Nhằm tri ân và mừng thọ Bà Năm, vừa qua, CLB bóng đá Lana (với thành phần gồm nhiều cầu thủ từng khoác áo Tây Ninh) đã tổ chức buổi họp mặt và thi đấu giao hữu với các thế hệ tuyển thủ tỉnh nhà. Hoạt động nhân văn này có sự góp mặt của một số cựu quan chức bóng đá Tây Ninh và quy tụ nhiều tên tuổi một thời như Lâm Văn Tiên, Cao Trường Chí Dũng, Đỗ Minh Thường, Phạm Kim Sơn, Nguyễn Thành Luân, Xiên Nguyễn Phú, Dương Văn Nhiều, Vũ Danh Tuấn, Lê Hoàng Tùng, Lê Thanh Tùng, Nguyễn Thành Phương, Lưu Viễn Phương, Lâm Văn Ngoan, Nguyễn Thanh Quang, Tường Vân…
Ngoài ra, trận đấu đặc biệt còn có sự tham gia của hai anh em trọng tài Thanh Hưng - Thanh Hữu (cháu nội bà Năm). Trong không khí vui vẻ, cởi mở đầu năm tại sân Hầm Sạn (Hoà Thành), đội Cựu tuyển thủ Tây Ninh đã giành chiến thắng với tỷ số 7-6.
Anh Thư