Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Trị dứt bệnh lạm dụng xe công
Thứ ba: 20:12 ngày 19/02/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Nếu chỉ nhìn vào từng vụ việc sẽ không thấy hết được hậu quả của tệ lạm dụng xe công. Nhưng với quy mô, số lượng và chi phí sử dụng trên cả nước với hàng chục ngàn xe mới thấy được tiền thuế của dân đã bị tiêu xài phung phí ra sao.

Xe công được dùng đi lễ chùa - Ảnh tư liệu Tuổi Trẻ Online

Chuyện dùng xe công đón người nhà của một bộ trưởng tại cửa máy bay ngày 4-1 chưa lắng xuống, mới đây lại lùm xùm vụ hàng loạt xe biển xanh của tỉnh Hậu Giang đến một nhà hàng tại TP Cần Thơ để dự tiệc thôi nôi cháu nội bí thư huyện Vị Thủy...

Câu chuyện lạm dụng xe công vào việc riêng không thể khép lại dù đã có quy định cụ thể về sử dụng xe công.

Lạm dụng xe công là cố tình bởi Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các cấp đã có nhiều chỉ đạo nghiêm cấm sử dụng xe công vào việc riêng. Đầu tháng 1-2019, Chính phủ đã ban hành nghị định 04/2019 về tiêu chuẩn, định mức sử dụng ôtô phục vụ công tác.

Đồng thời, ngay trong ngày làm việc đầu tiên sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, Thủ tướng đã ký công điện yêu cầu cán bộ, công chức thực hiện nghiêm kỷ cương hành chính, kỷ luật lao động.

Công điện cũng yêu cầu cán bộ, công chức tuyệt đối không đi lễ hội trong giờ hành chính, không sử dụng xe công đi lễ hội. Nhưng dường như các cán bộ, công chức có tiêu chuẩn sử dụng xe công đang phớt lờ các quy định về sử dụng xe công vụ.

Thực trạng này có thể xuất phát từ hàng loạt vụ việc cán bộ lạm dụng xe công vào việc riêng thời gian qua không được xử lý nghiêm, hoặc xử lý qua loa.

Nếu chỉ nhìn vào từng vụ việc lạm dụng xe công vào việc riêng sẽ không thấy hết được hậu quả của tệ lạm dụng xe công. Nhưng nhìn vào với quy mô, số lượng và chi phí sử dụng xe công trên cả nước với hàng chục ngàn xe mới thấy được tiền thuế của dân đã bị tiêu xài phung phí ra sao.

Số liệu của Cục Quản lý công sản - Bộ Tài chính ghi nhận cả nước có khoảng 39.000 xe công với tổng giá trị hiện tại trên 25.500 tỉ đồng.

Trung bình một xe công sử dụng theo chế độ phục vụ riêng tốn chi phí xăng xe, bảo dưỡng, lương cho lái xe lên tới khoảng 300 triệu đồng/xe/năm.

Như vậy, tiền ngân sách nhà nước chi trả cho xe công hằng năm rất lớn, việc quản lý, sử dụng xe công không chặt chẽ sẽ dẫn đến lãng phí rất lớn.

Nhưng lớn chuyện hơn, đó là nếu không chặn đứng nạn lạm dụng xe công sẽ gửi "thông điệp" đến với người dân là kỷ cương không nghiêm, thói quen xài chùa của công chưa bị chặn đứng.

Không thể chấp nhận cứ nhắc đi nhắc lại "thông điệp" này qua những vụ lùm xùm lạm dụng xe công. Phải tìm một giải pháp nào đó, chẳng hạn như khoán chi phí đi lại đối với cán bộ, công chức, đồng thời đẩy mạnh việc thuê dịch vụ ôtô bên ngoài tại các cơ quan nhà nước.

Theo nghị định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng ôtô phục vụ công tác, các chức danh từ thứ trưởng, chủ tịch tỉnh trở lên hiện vẫn duy trì chế độ xe công đưa đón nhưng khuyến khích việc tự nguyện thực hiện chế độ khoán xe công.

Đối với các cán bộ dưới cấp thứ trưởng như lãnh đạo vụ, cục và các sở, ngành địa phương thì buộc phải áp khoán, không được sử dụng xe công nữa.

Giải pháp khoán xe công theo chức danh cán bộ đã được đưa ra, nhưng quy định này chưa được thực hiện nghiêm.

Với chủ trương đẩy mạnh việc khoán xe công, Chính phủ đang đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ giảm từ 30 - 50% xe công.

Song song đó phải quản chặt việc sử dụng xe công sẽ góp phần ngăn chặn tình trạng cán bộ, công chức lạm dụng xe công xảy ra tại một số bộ, ngành, địa phương thời gian qua.

Nguồn TTO

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục