Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Trí thức trẻ về quê tìm việc: Dễ và khó
Chủ nhật: 10:41 ngày 31/10/2010

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Trong nhiều năm trở lại đây, việc sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng chọn con đường trở về vùng quê để làm việc đã không còn là chuyện quá hiếm.

Trong nhiều năm trở lại đây, việc sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng chọn con đường trở về vùng quê để làm việc đã không còn là chuyện quá hiếm. Trong suy nghĩ của các bạn trẻ này tuy làm việc ở vùng nông thôn lương hướng, thu nhập không cao, môi trường không năng động như ở các thành phố nhưng bù lại sẽ dễ có cuộc sống ổn định hơn, đồng thời còn được hưởng chính sách ưu đãi nhằm thu hút trí thức trẻ về quê.

Quang Hiền, một sinh viên đại học về công tác tại huyện nhà Tân Châu đã gần 3 năm qua, cho biết: “Môi trường làm việc không năng động lắm nên mình không thể phát huy hết được những gì đã học. Nhưng bù lại mình đã có một không khí làm việc thân thiện, không quá nhiều áp lực”. Còn với Thanh Thư,  sau 4 năm đại học cũng đã về tỉnh nhà Tây Ninh và hiện đang công tác tại một sở nọ, dù đã qua vài lần thay đổi công việc làm nhưng Thư vẫn “trung thành” với quê hương Tây Ninh vì: “Làm việc ở đâu cũng vậy, nếu mình năng động thì công việc cũng hứng thú không kém”.

Nhân viên trẻ ở Đài Truyền thanh Tân Châu

Có những bạn trẻ sẵn sàng chấp nhận về vùng sâu, vùng xa công tác. Thuý Hằng nhà ở phường 3, thị xã Tây Ninh, sau khi hoàn thành chương trình đại học Luật, đã sốt sắng tham gia phong trào “Trí thức trẻ tình nguyện” do Tỉnh đoàn phát động năm 2003. Hằng về công tác tại các xã Tân Hoà, Suối Dây và bây giờ là UBMTTQ huyện Tân Châu. 

Quang Hiền chia sẻ “Với mình về quê luôn là lựa chọn hàng đầu vì ở đây còn có gia đình”. Còn Thanh Thư: “Bốn năm ở thành phố mình không chịu được cuộc sống bộn bề và giá cả đắt đỏ ở đó nên về quê cho dễ sống”. Đúng vậy, môi trường làm việc thuận lợi, không quá nhiều áp lực và quan trrọng hơn là được gần gia đình đã trở thành chọn lựa ưu tiên của không ít bạn trẻ. Họ có cùng suy nghĩ: Nếu làm việc hết mình thì cũng có cơ hội thành công như ở bất cứ đâu.

Những năm gần đây, Tây Ninh đã có chính sách ưu đãi nhằm thu hút nhân tài về phục vụ tỉnh nhà. Tuy vậy trong thực tế vẫn còn nhiều điều đáng băn khoăn.

Mộng.T, một sinh viên đại học sắp ra trường lắc đầu cho biết: “Có lẽ em sẽ không về quê vì về quê em không biết phải xin việc ở đâu”. Cũng có một bạn sinh viên khác qua gần 10 năm làm việc không đúng ngành nghề được đào tạo hiện vẫn phải ôm “nỗi buồn sinh viên tạo nguồn”. Còn nhớ hồi đầu tháng 10 này, Báo Tuổi Trẻ có bài “Có bằng cấp cao, cũng lao đao xin việc”, trong đó có nêu trường hợp một bạn trẻ ở Tây Ninh sau một thời gian lận đận đi xin việc và làm việc không đúng chuyên môn  ở tỉnh phải trở lại thành phố mặc dù bạn rất muốn cống hiến cho quê hương. Thật vậy, điều đáng buồn là không phải bạn trẻ nào cũng tìm được cơ hội cho mình ngay tại mảnh đất quê hương. Thực trạng này có nhiều nguyên nhân. Trong đó không loại trừ nguyên nhân các bạn trẻ thiếu thông tin. Nhiều bạn không biết được cơ quan nào cần tuyển dụng, cơ quan nào không. Họ chỉ còn cách nộp hồ sơ cho Sở Nội vụ và… chờ. Một trở ngại khác, đó là tâm lý kỳ thị: “sinh viên không giỏi mới về quê” gây tổn thương không nhỏ cho các bạn trẻ muốn về quê tìm việc.

Thiết nghĩ cần có những chính sách phù hợp hơn, tích cực hơn để đủ sức thu hút người giỏi, người tài về quê nhà công tác. Cần có những thông tin về tuyển dụng trên báo chí, trang thông tin điện tử để cho người tìm việc tham khảo. Bên cạnh đó các bạn trẻ khi chọn về quê cũng cần trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết cũng như sự tự tin trong việc thể hiện khả năng của mình dù ở bất cứ môi trường làm việc nào.

NGÔ TUYẾT

 

 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục