Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Trị tiếng ồn trong khu dân cư: Dễ hay khó?: Phải xem là việc chung của cộng đồng
Thứ tư: 09:16 ngày 26/02/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Khi những việc chung của cộng đồng ngõ, xóm, khu dân cư được cư dân cùng quan tâm, tham gia giải quyết thì giải pháp trị tiếng ồn trong khu dân cư chắc chắn sẽ có và khả thi

Nhà thiết kế thời trang SĨ HOÀNG:

Phạt nặng như uống rượu, bia mà còn lái xe

Thời sinh viên nghèo, toàn ăn uống lề đường, tôi cùng vài người bạn tấp vô quán ốc sát bên quận 4, kêu đủ loại ốc. Thường trong những khung cảnh như vậy là có những anh chàng mặt mũi hiền lành, ăn mặc bảnh bao, đi xe máy có gắn thùng loa, cầm mic hát nhạc tình xưa mời khách mua kẹo kéo hay mấy thứ lặt vặt.

Có lần cao hứng, tôi xin hát để cậu ta đi mời bán kẹo. Cảm giác vừa ngượng ngùng lại thích thú trước bao ánh mắt người lạ ồn ào ăn nhậu, có người hào phóng mua giùm; có người lắc đầu, xua tay. Tiếng xe cộ, mùi xào nấu chen với âm thanh loa phát ra tiếng hát tạo nên một góc phố về đêm sinh động, sẽ là nỗi nhớ khi xa TP HCM.

Phong trào karaoke bùng phát, người người nhà nhà không phân biệt gái trai, già trẻ bỗng thành ca sĩ dù tiếng hét át tiếng hát. Trong phòng kín có cách âm, tha hồ thể hiện, có khi để hả những gì chất chứa trong lòng, cùng lắm chỉ làm phiền nhóm bạn đi cùng.

Bỗng dưng người ta thích nhậu ngoài lề đường và hát với thùng loa mở hết công suất. Tua hát xoay vòng, lời bài hát sẵn trên điện thoại cầm tay. Rồi thì hát đơn hay song ca, ca chung cả nhóm hòa cùng muỗng đũa gõ nhịp. Càng về khuya, đường phố yên tĩnh, đúng là sự tra tấn con tim và màng nhĩ. Nó thách thức sự từ bi hỷ xả của bá tánh từ khu phố đến chung cư, khi chẳng may có bàn nhậu khuyến mãi ép uổng chương trình nhạc sống mà nghe như... muốn chết vậy!

Phong trào nhậu kèm hát với loa di động không kém gì dịch Covid-19! Đến Hà Nội ngàn năm văn vật cũng có. Huế trầm mặc cũng chẳng chịu kém. Dường như các tỉnh - thành - thị xã cả nước hát với nhậu cho hợp "xu hướng" với thủ đô, cố đô và thành đô.

Làm sao để giữa đêm không còn bị tra tấn bởi tiếng ồn? Chỉ cần có một vài biện pháp chế tài, ví dụ chỉ cho hát đến 8 giờ tối, nếu vi phạm thì tịch thu tang vật; phạt từ 5 - 50 triệu đồng, tùy mức độ; tựa như phạt uống rượu, bia mà còn điều khiển xe vừa thực hiện mới 2 tháng đã đem lại hiệu quả rất lớn.

Mỗi tối, người dân sống ở đường Bùi Viện (quận 1, TP HCM) bị tra tấn bởi hàng chục xe kẹo kéo hát karaoke Ảnh: Lê Phong

Bạn đọc THÁI THẢO:

Cộng đồng dân cư cùng giải quyết

Hồi trước, hễ đi học về đến nhà, con trai tôi lúc nào cũng cáu: "Mẹ chuyển nhà chỗ khác đi, ở đây ồn ào quá ai chịu nổi".

Tôi hiểu thời tiết TP HCM nóng nực, con trai đạp xe hơn 3 cây số, mồ hôi đầm đìa, về đến nhà chỉ muốn được yên nhưng phải nghe tiếng "dzô dzô" ầm ĩ, hát karaoke loạn xạ từ phía nhà hàng xóm vọng lại, không cáu mới lạ.

Tất nhiên, tôi không thể chuyển nhà. Tôi đến gặp tổ trường tổ dân phố và công an khu vực, trao đổi với họ về việc làm cách nào để trong khoảng thời gian từ sau 7 giờ tối, mọi tiếng ồn cần giảm thiểu để các gia đình trong khu phố được nghỉ ngơi. Kể cả các quán nhậu cũng nên thực hiện trong khung giờ này. Nếu có hát karaoke hay làm đám, cũng nên bật âm thanh vừa đủ.

Tôi kiên trì thuyết phục, nói đi nói lại. Rồi cũng có một cách đơn giản. Một lần họp tổ dân phố, tổ trưởng khu phố và công an khu vực đưa ra đề nghị tất cả mọi người bàn thảo việc này, giao cho những người có trách nhiệm nhắc nhở. Cứ vậy, mưa dầm thấm lâu, những người có trách nhiệm kiên trì nhắc nhở, giải thích thấu đáo, dần dần mọi người đều nghe.

Vì thế, tôi cho rằng một trong những cách để giải quyết dễ dàng nhất những sự việc liên quan đến cộng đồng là tổ chức các buổi đối thoại, tranh luận và bàn thảo. Bấy lâu, người ta quen với ý nghĩ "dân TP lạnh lùng". Đó là một định kiến sai lầm. Có những con hẻm nhỏ ở TP HCM, cư dân sống rất "tình thương mến thương".

Hay có khu "cán bộ" cùng thắp đèn sáng, trang trí cờ quạt, bông hoa vào những ngày Tết, lễ, tổ chức tiệc tùng mỗi nhà góp một chút. Có khi cả xóm cùng… hát. Nhưng chỉ đến 8 giờ tối, ai về nhà nấy để cho người già và trẻ em nghỉ ngơi.

Khi những việc chung của cộng đồng ngõ, xóm, khu dân cư đều được cư dân cùng quan tâm, tham gia giải quyết thì chuyện trị tiếng ồn trong khu dân cư chắc chắn sẽ không khó. 

"Là một loại tội phạm"

Phản hồi về diễn đàn "Trị tiếng ồn trong khu dân cư: Dễ hay khó?", nhiều bạn đọc cho rằng đã đến lúc nghiêm cấm việc hát karaoke gây tiếng ồn trong khu dân cư, nếu vi phạm, phải phạt thật nặng chứ cứ tuyên truyền như lâu nay là không ngăn chặn được.

"Tiếng ồn tra tấn người dân từ sáng đến tối, hy vọng cả bộ máy chính quyền và người dân chung tay xử lý, không thể cứ để mãi như thế được. Nên chăng dẹp bỏ loại hình này ra khỏi xã hội, nếu vi phạm thì phạt nặng, tịch thu công cụ. Hát cũng phải có nơi có chốn" - bạn đọc Tiên đề nghị.

Trong khi đó, bạn đọc Nguyễn Hữu Anh cho rằng hành vi cố ý gây tiếng ồn trong khu dân cư nên xem như một loại tội phạm, phải khởi tố tội gây rối trật tự công cộng, xâm hại sức khỏe người khác vì "tiếng ồn hủy hoại, gặm nhấm sức khỏe con người một cách tồi tệ". Cùng quan điểm, bạn đọc Tran Nga khẳng định "đây là một loại ô nhiễm làm thần kinh căng thẳng".

Không cần phải đo độ ồn đến ngưỡng mới phạt khiến cho việc trị tiếng ồn bị "bó tay, bó chân", bạn đọc Hoàng Hạc gợi ý: "Chỉ cần hàng xóm gọi điện thoại báo nhà bên cạnh gây ồn ào thì công an phường đến nhắc nhở ngay. Nếu bị nhắc lần thứ hai thì sẽ phạt nặng. Lần ba, tăng số tiền phạt cao hơn. Không cần máy đo độ ồn làm gì. Quan trọng là chính quyền địa phương phải chủ động trong việc này".

H.Trung

Nguồn NLD

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục