Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Dân số già hóa đang thúc đẩy Nhật Bản bổ sung robot và trí tuệ nhân tạo vào lực lượng lao động đang thiếu hụt trầm trọng.
Robot hình người Pepper được sử dụng ở viện dưỡng lão Shin-tomi tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Jakarta Post.
Một cư dân ở viện dưỡng lão Silver Wing Social Care tại phố Chuo, Tokyo trò chuyện vui vẻ với một nhân viên ở khu vực công cộng của viện, trong khi một cụ già khác ở căn phòng gần đó đang được chuyên gia phục hồi chức năng giúp tập đi trở lại sau khi bị ngã vào tháng trước.
Những nhân viên này làm việc không ngơi nghỉ, không bao giờ phàn nàn và không cần trả lương, vì họ đều là robot, theo South China Morning Post.
Viện Silver Wing Social Care hé lộ tương lai của Nhật Bản cũng như các quốc gia công nghiệp hóa khác trên lộ trình tiến tới xã hội cao tuổi và thiếu hụt nguồn lao động. Cơ sở chăm sóc người cao tuổi hàng đầu của công ty chuyên về phúc lợi xã hội Silver Wing bắt đầu sử dụng robot 4 năm trước sau khi được chính quyền thành phố Tokyo lựa chọn cho dự án thử nghiệm.
Nhật Bản đang đương đầu với thách thức mới của nền kinh tế hiện đại. Tỷ lệ sinh đẻ thấp trong thời gian dài khiến dân số trong độ tuổi lao động giảm khoảng 10 triệu người tức mức cao nhất vào giữa thập niên 1990, và sẽ tiếp tục giảm 20 triệu người trong những thập kỷ tới.
Tình trạng trở nên ngày càng gay go, với số vị trí tuyển dụng nhiều gấp rưỡi so với số người tìm việc và thiếu hụt nhân sự trường kỳ ở nhiều lĩnh vực như điều dưỡng, sản xuất, xây dựng và vận chuyển hàng hóa.
Trong thời đại chính phủ gây sức ép để buộc các công ty cắt giảm thời gian làm việc, tăng lương, đảm bảo chế độ nghỉ mát và đất nước vẫn chưa sẵn sàng chấp nhận nhập cư số lượng lớn, sử dụng robot và trí tuệ nhân tạo (AI) dường như là giải pháp duy nhất.
"Chúng tôi thử nhiều loại robot khác nhau để xem thiết kế nào phù hợp nhất. Chúng tôi tăng dần việc sử dụng robot và hiện nay có 20 mẫu đang vận hành, bao gồm robot điều dưỡng, phục hồi, trò chuyện và giải trí", Yukari Sekiguchi, người quản lý chương trình tại công ty Silver Wing, cho biết.
Tập thể nhân viên của công ty từng quen với việc bị thương ở lưng khi đỡ người cao tuổi, dẫn tới nghỉ việc hoặc bỏ việc. Đây là vấn đề lớn trong thị trường lao động eo hẹp. Giờ đây các nhân viên có thể sử dụng robot thay họ mang vác nặng.
"Nhiều người cho rằng robot sẽ khiến người cao tuổi sợ hãi hoặc cảm thấy không thoải mái, nhưng họ thực sự rất thích thú và tương tác với chúng một cách tự nhiên. Họ thực sự thích nói chuyện với robot và có động lực cao hơn khi sử dụng robot hỗ trợ phục hồi, giúp họ có thể đi lại nhanh hơn", Sekiguchi chia sẻ.
Nhật Bản có thể là quốc gia ứng dụng tốt nhất những tiến bộ của tự động hóa và có tỷ lệ thất nghiệp thấp hơn bất cứ đất nước nào dù thiếu nhân công. Tỷ lệ thất nghiệp tại Nhật Bản giảm xuống 2,8% và tỷ lệ cử nhân tốt nghiệp đại học tìm được việc ở mức cao nhất 97,6% vào tháng 4/2017.
Người lao động trình độ trung bình thường bị đe dọa nhiều nhất khi làn sóng robot, AI và công nghệ mới khác tràn qua các ngành công nghiệp. Nhưng tại Nhật Bản, họ sẽ không bị ảnh hưởng, theo tiến sĩ Martin Schulz, nhà kinh tế học cao cấp ở Viện Nghiên cứu Fujitsu.
"Tranh cãi về chủ đề tự động hóa cướp mất việc làm của người lao động không phải chủ đề được quan tâm ở Nhật Bản. Người lao động trình độ trung bình được bảo vệ bởi luật lao động của Nhật Bản nên họ sẽ không bị tác động nhiều như ở Anh hoặc Mỹ", Schulz nhận định.
Nguồn baohatinh