Hiện tại, các đơn vị, địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên toàn tỉnh đang triển khai kế hoạch thực hiện các nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2022 - 2030, giai đoạn I từ năm 2022 đến năm 2025.
Tổng kế hoạch vốn thực hiện Chương trình năm 2024 là 17,7 tỷ đồng, trong đó, vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương là 4,3 tỷ đồng và vốn sự nghiệp là 13,3 tỷ đồng.
Trong năm 2024, tỉnh đang triển khai thực hiện 6 dự án theo Chương trình: Dự án 1 “Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt”; Dự án 4 “Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công của lĩnh vực dân tộc”; Dự án 5 “Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”;
Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch”; Dự án 9 “Đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn và khó khăn đặc thù” và Dự án 10 “Truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; kiểm tra, giám sát, đánh giá việc tổ chức thực hiện Chương trình”.
Theo đó, Dự án Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt đã được tỉnh giao 1,5 tỷ đồng từ vốn sự nghiệp phân bổ vốn cho UBND huyện Tân Biên thực hiện hỗ trợ chuyển đổi nghề và nước sinh hoạt phân tán cho người dân tại xã Hoà Hiệp.
Về Dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công của lĩnh vực dân tộc đã được tỉnh phân bổ 2,4 tỷ đồng cho UBND huyện Tân Biên thực hiện Dự án xây dựng nhà hỏa táng và công trình phụ trợ tại xã Hoà Hiệp và Dự án cứng hoá đường Tổ 11, ấp Hoà Bình. Cùng với đó, tỉnh đã phân bổ 94 triệu đồng từ vốn sự nghiệp cho Sở Y tế để thực hiện việc “Hỗ trợ trang thiết bị cho Trạm Y tế xã Hoà Hiệp, huyện Tân Biên” theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Tỉnh cũng đầu tư Dự án Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó thực hiện Tiểu dự án 1 về “Đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh ở bán trú và xoá mù chữ cho người dân vùng đồng bào DTTS”. Qua đó, tỉnh đã phân bổ 5,1 tỷ đồng từ vốn sự nghiệp cho Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Về Dự án bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch, tỉnh đã phân bổ nguồn vốn 5,5 tỷ đồng từ vốn sự nghiệp cho Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch thực hiện các nội dung: “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Lễ hội Chol Chnam Thmay (Mừng năm mới) của người Khmer trên địa bàn tỉnh Tây Ninh gắn với phát triển du lịch cộng đồng)” và “Nghiên cứu, phục hồi và bảo tồn lễ cúng miếu - lễ rước bông và tổ chức truyền dạy ngôn ngữ của người Tà Mun)”; phân bổ cho UBND huyện Bến Cầu, Tân Châu, thị xã Hoà Thành và thành phố Tây Ninh thực hiện nội dung “Xây dựng 5 câu lạc bộ sinh hoạt văn hoá dân gian tại các ấp có đông đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương”; “Hỗ trợ hoạt động Đội văn nghệ truyền thống xã Hoà Hiệp, huyện Tân Biên”; phân bổ cho UBND thị xã Hoà Thành thực hiện nội dung “Xây dựng mô hình văn hoá truyền thống cụ thể là mô hình trải nghiệm văn hoá Khmer tại ấp Trường An, xã Trường Tây, thị xã Hoà Thành”…
Về Dự án Đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn và khó khăn đặc thù, tỉnh phân bổ 800 triệu đồng từ vốn sự nghiệp cho Văn phòng UBND tỉnh chủ trì phối hợp Đài Phát thanh - Truyền hình Tây Ninh; Báo Tây Ninh và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh thực hiện công tác tuyên truyền.
Tỉnh cũng phân bổ hơn 150 triệu đồng để thực hiện Dự án về truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; kiểm tra, giám sát, đánh giá việc tổ chức thực hiện chương trình.
Ngọc Diêu