Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Triển khai các giải pháp hoàn thành kế hoạch xây dựng cơ bản, giải ngân vốn đầu tư công
Thứ sáu: 15:45 ngày 29/10/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Thời gian qua, Tây Ninh đẩy mạnh công tác đền bù, giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư trên địa bàn; tổ chức đối thoại với người dân bị ảnh hưởng để tuyên truyền, thuyết phục sự hưởng ứng, ủng hộ trong quá trình triển khai, thực hiện dự án; chú trọng thực hiện công tác dân vận trong đền bù, giải phóng mặt bằng.

Thi công đường Đất Sét - Bến Củi, huyện Dương Minh Châu. Ảnh minh hoạ

Tại Quyết định số 2185/QĐ-TTg ngày 21.12.2020, Thủ tướng Chính phủ giao tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản cho Tây Ninh trong năm 2021 là 3.835,4 tỷ đồng. Tỉnh đã phân khai chi tiết 100% kế hoạch, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị sở, ngành tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thi công các dự án chuyển tiếp, phân khai chi tiết kế hoạch vốn cũng như tổ chức thực hiện các quy trình, thủ tục để triển khai các dự án mới.

Đến ngày 24.9.2021, tỉnh giải ngân khoảng 2.109 tỷ đồng, đạt 56,47% kế hoạch, dự kiến đến 31.1.2022 giải ngân khoảng 3.565 tỷ đồng, đạt 95,5% kế hoạch. Trong đó: nguồn vốn Trung ương hỗ trợ (vốn trong nước đầu tư theo ngành, lĩnh vực), đến ngày 24.9.2021, giải ngân 162,7 tỷ đồng, đạt 23% kế hoạch; dự kiến giải ngân đến cuối năm 2021 là 707,575 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch.

Vốn ODA, đến ngày 24.9.2021, giải ngân khoảng 83,977 tỷ đồng, đạt 20,64% kế hoạch; dự kiến giải ngân đến cuối năm 2021 là 234,417 tỷ đồng, đạt 57,62% kế hoạch (dự kiến hoàn trả ngân sách Trung ương là 172,428 tỷ đồng).

Năm 2021, Tây Ninh được giao kế hoạch vốn ODA là 406,845 tỷ đồng để thực hiện 3 dự án chuyển tiếp. Ngày 15.9.2021, UBND tỉnh có Công văn số 3178/UBND-KT gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính về việc đánh giá khả năng giải ngân của từng dự án sử dụng vốn ngân sách Trung ương và đề xuất hoàn trả kế hoạch vốn ODA không giải ngân hết trong năm 2021 là 163,642 tỷ đồng/3 dự án.

Trong đó, dự án Hệ thống thu gom và xử lý nước thải thành phố Tây Ninh dự kiến giải ngân vốn ODA đến cuối năm 2021 là 8,786 tỷ đồng, đề xuất giảm số vốn chưa sử dụng là 55,832 tỷ đồng.

Căn cứ Quyết định số 1355/QĐ-TTg ngày 15.9.2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021-2025, dự án Hệ thống thu gom và xử lý nước thải thành phố Tây Ninh chưa được giao kế hoạch vốn do đã hết thời gian thực hiện (2017-2020) và thời hạn có hiệu lực của Hiệp định vay đến 11.2021.

Tỉnh đang hoàn chỉnh hồ sơ trình cấp thẩm quyền điều chỉnh thời gian thực hiện dự án theo đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Công văn số 6255/BKHĐT-KTĐN ngày 17.9.2021.

Sau khi dự án được cấp thẩm quyền cho phép điều chỉnh thời gian thực hiện, tỉnh sẽ thực hiện các bước gia hạn Hiệp định vay, đề xuất bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch vốn hàng năm cho dự án.

Tây Ninh đã đề xuất Trung ương cho phép điều chỉnh giảm kế hoạch vốn ODA năm 2021 là 172,428 tỷ đồng- giảm thêm 8,786 tỷ đồng so với số vốn đã đề nghị tại Công văn số 3178/UBND-KT, do dự án cần thực hiện rất nhiều quy trình, thủ tục nên chưa thể giao kế hoạch và giải ngân vốn ngay trong năm 2021. Về phía tỉnh sẽ giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn ngân sách Trung ương năm 2021 là 941,992 tỷ đồng (kế hoạch sau khi hoàn trả ngân ngân sách Trung ương 172,428 tỷ đồng vốn ODA).

Thời gian qua, Tây Ninh đẩy mạnh công tác đền bù, giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư trên địa bàn; tổ chức đối thoại với người dân bị ảnh hưởng để tuyên truyền, thuyết phục sự hưởng ứng, ủng hộ trong quá trình triển khai, thực hiện dự án; chú trọng thực hiện công tác dân vận trong đền bù, giải phóng mặt bằng.

Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ thẩm định dự án, thiết kế cơ sở, bản vẽ thi công, tổng dự toán; kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình thẩm định; rút ngắn thời gian thẩm định, trình phê duyệt.

Đồng thời, khẩn trương sắp xếp, bố trí thời gian kiểm tra hồ sơ chất lượng nghiệm thu công trình (tối đa không quá 5 ngày) khi nhận được hồ sơ đề nghị kiểm tra nghiệm thu của các chủ đầu tư.

 Các chủ đầu tư chủ động lập kế hoạch tiến độ thực hiện và tỷ lệ giải ngân, các mốc thời gian của từng giai đoạn trước khi triển khai thực hiện dự án, cam kết về khối lượng và tỷ lệ giải ngân (của từng dự án và toàn bộ kế hoạch vốn được giao) từng tháng trong năm, bảo đảm tỷ lệ giải ngân bắt buộc quý II là 50%, quý III là 75% và cả năm là 100% (kể cả vốn được giao bổ sung).

Trên cơ sở này, hằng tháng tổng hợp báo cáo kết quả giải ngân bảo đảm thời gian quy định. Các chủ đầu tư kiểm soát chặt chẽ năng lực của các nhà thầu trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu và thương thảo ký hợp đồng, bảo đảm đủ số lượng chỉ huy trưởng, kỹ thuật, nhân công phù hợp để thi công các gói thầu, không để một chỉ huy trưởng cùng lúc thực hiện quá nhiều dự án, không bố trí đủ nhân lực theo đúng kế hoạch yêu cầu, làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án; rà soát tiến độ giải ngân của từng dự án để kịp thời có phương án điều chuyển theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định, bảo đảm hiệu quả vốn đầu tư.

Đối với các dự án có khối lượng hoàn thành, đôn đốc nhà thầu phải khẩn trương hoàn thiện hồ sơ thanh toán gửi chủ đầu tư; phối hợp với Kho bạc Nhà nước giải ngân vốn trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị thanh toán khối lượng của nhà thầu.

Đạt được những kết quả tích cực nhưng công tác triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công thời gian qua còn gặp một số khó khăn. Dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp ảnh hưởng rất lớn đến các dự án đầu tư công.

Cụ thể, các đơn vị tư vấn thiết kế gặp khó khăn trong khảo sát địa hình địa chất, khảo sát vùng công trình. Vì vậy, công tác lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, lập dự án đầu tư, thiết kế bản vẽ thi công dự toán ảnh hưởng tiến độ dự án. Công tác lập, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, lập hồ sơ đền bù, chi trả đền bù cho các hộ dân chậm do diễn biến phức tạp của dịch bệnh.

Thi công đường Trần Phú, thị xã Hoà Thành. Ảnh minh hoạ

Công tác đấu thầu được thực hiện qua mạng nhưng việc thương thảo ký kết hợp đồng, đối chiếu tài liệu gốc của các nhà thầu từ vùng dịch (trong và ngoài tỉnh) gặp khó khăn.

Các văn phòng công chứng không làm việc, nhà thầu gặp khó trong cung cấp hồ sơ chứng thực sao y, quá trình làm rõ hồ sơ dự thầu mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến thời gian đánh giá của tổ chuyên gia. Một số dự án đã hoàn thành đấu thầu và lựa chọn nhà thầu nhưng chưa thể triển khai thi công.

Công tác thi công dự án thực hiện cầm chừng hoặc tạm dừng trong thời gian dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Bên cạnh đó, để bảo đảm công tác chống dịch, số lượng công nhân thi công tại công trường giảm; việc qua lại các chốt kiểm soát của công nhân gặp khó khăn; khả năng cung cấp vật tư xây dựng của các đơn vị cung ứng chậm trễ hoặc không đầy đủ, giá cả một số loại vật liệu xây dựng tăng đột biến, một số dự án tạm dừng thi công do được sử dụng làm khu cách ly... ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện của dự án.

Để hoàn thành kế hoạch xây dựng cơ bản năm 2021, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, khó lường, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để các dự án được triển khai thuận lợi, bảo đảm tiến độ đã được phê duyệt, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương khẩn trương thẩm định, phê duyệt các hồ sơ đền bù, giải phóng mặt bằng; đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ đền bù theo kế hoạch; hỗ trợ các chủ đầu tư và Trung tâm Phát triển quỹ đất các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương thực hiện công tác đền bù các dự án trọng điểm bảo đảm theo kế hoạch.

Mặt khác, xây dựng giải pháp triển khai dự án đẩy nhanh tiến độ thi công trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang tiếp diễn, bảo đảm hoàn thành kế hoạch. Tăng cường giám sát thi công, kiểm tra chất lượng công trình, thường xuyên tổ chức kiểm tra tại hiện trường, kiên quyết xử lý vi phạm trong thực hiện hợp đồng thi công; thanh tra chất lượng các công trình xây dựng sử dụng vốn ngân sách Nhà nước; thực hiện tốt công tác giám sát và đánh giá đầu tư theo Nghị định số 84/2015/NĐ-CP ngày 30.9.2015 nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, ngăn ngừa và khắc phục những hiện tượng tiêu cực như thất thoát, lãng phí tham nhũng trong đầu tư xây dựng cơ bản.

Đẩy mạnh công tác quyết toán vốn đầu tư đối với các công trình hoàn thành đưa vào sử dụng; có biện pháp chế tài công tác quyết toán vốn đầu tư, không để tình trạng tồn đọng công trình hoàn thành không quyết toán. Ban hành kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn ngân sách địa phương, làm cơ sở để triển khai kế hoạch hằng năm.

Giang Hà

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục