Trong những năm gần đây, Tây Ninh ngày càng tập trung phát triển lĩnh vực công nghiệp để tăng tốc tiến trình công nghiệp hoá. Một trong những giải pháp được chú trọng là quy hoạch phát triển khu công nghiệp (KCN). Đến nay Tây Ninh đã triển khai 2 khu kinh tế cửa khẩu (KKTCK), 9 KCN, 18 cụm công nghiệp (CCN). Trong thời gian qua, đã có nhiều KKTCK, KCN thực hiện công tác bồi thường, giải toả, thu hồi đất. Thế nhưng đến nay hầu như chưa có nơi nào thực hiện hoàn chỉnh khu tái định cư.
|
Nhiều nhà ở Khu Liên hợp Phước Đông - Bời Lời đã giải toả nhưng chưa có khu tái TĐC |
KCN Trảng Bàng được hình thành đầu tiên, với tổng diện tích ban đầu là 1.650 ha, trong đó có 760 ha đất công nghiệp. Sau đó KCN Trảng Bàng được điều chỉnh diện tích 1.650 ha giảm xuống còn 614 ha- trong đó có 400 ha đất công nghiệp. Đến nay, KCN Trảng Bàng cơ bản đã được lấp đầy với 153 dự án đầu tư- trong đó có 118 dự án đầu tư nước ngoài và 35 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký là 419 triệu USD và 2.391 tỷ VND. Khu tái định cư KCN Trảng Bàng, diện tích 6,5 ha có quyết định thành lập từ năm 2005, với 456 nền. Sau gần 5 năm thực hiện, khu tái định cư này mới phân lô giao nền cho các hộ thuộc diện tái định cư. Thế nhưng, do thời gian giao nền kéo dài nên có một số hộ đã tự động bán nền tái định cư và trong đó có nhiều hộ không tiến hành xây cất nhà cửa. Do đó, nhìn tổng thể khu tái định cư này vẫn còn trống vắng và trong đó có không ít hộ nhận nền tái định cư nhưng không thuộc diện bị giải toả thu hồi đất.
Trên địa bàn huyện Trảng Bàng còn có Khu Công nghiệp Bourbon- An Hoà triển khai từ năm 2008, sau 1 năm triển khai, dự án đã bồi thường giải phóng mặt bằng được hơn 98% số hộ trong vùng dự án. Theo quy hoạch, trong khu công nghiệp này xây dựng khu tái định cư khoảng 75 ha bao gồm gần 2.000 nền tái định cư. Riêng số hộ có nhu cầu đăng ký tái định cư lên đến hơn 1.100 hộ. Tuy nhiên do vẫn còn một số hộ chưa đồng tình với phương án bồi thường, không chấp nhận giao đất, cho nên đến nay khu tái định cư trong Khu Công nghiệp Bourbon -An Hoà vẫn chưa giao nền tái định cư cho các hộ đăng ký.
Trên địa bàn huyện Gò Dầu có quy hoạch 2 khu công nghiệp là một phần Khu Liên hợp công nghiệp- đô thị- dịch vụ Phước Đông -Bời Lời và Khu Công nghiệp Hiệp Thạnh. Trong đó Khu Công nghiệp Hiệp Thạnh- quy hoạch diện tích 250 ha đã tạm ngưng triển khai do chủ đầu tư là Công ty TNHH Visarim Orume mất khả năng tài chính không thể tiếp tục thực hiện. Riêng Khu Liên hợp Phước Đông- Bời Lời có quy mô diện tích lên gần 3.000 ha, do Công ty CP đầu tư Sài Gòn VRG làm chủ đầu tư thì triển khai giải phóng mặt bằng khá nhanh. Đến nay, phần diện tích trên địa bàn huyện Gò Dầu thuộc khu liên hợp đã tiến hành bồi thường được hơn 98%, đồng thời đã triển khai xây dựng hạ tầng giao thông đối với một số tuyến giao thông chính. Tuy nhiên, tiến độ triển khai xây dựng khu tái định cư- được quy hoạch trên địa bàn ấp 6 xã Bàu Đồn thì cũng triển khai rất chậm so với thời gian dự kiến. Theo quy hoạch khu tái định cư này có diện tích 72 ha, dự kiến phân bố hơn 2.700 nền tái định cư. Thế nhưng đến nay khu tái định cư này vẫn chưa triển khai xây dựng hạ tầng do vẫn còn một số hộ chưa đồng ý nhận tiền bồi thường và bàn giao đất.
|
Quy hoạch xây dựng khu TĐC Xa Mát nhưng chưa thực hiện do thiếu vốn |
Riêng khu tái định cư trong Khu KTCK Xa Mát đã được lập và trình UBND tỉnh phê duyệt từ năm 2009 với diện tích là 10,21 ha phân bố 373 nền nhà. Toàn khu tái định cư có quy mô dân số đến 2.000 người. Đến giữa năm 2010, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng khu tái định cư này cơ bản hoàn thành với tổng kinh phí bồi thường khoảng gần 20 tỷ đồng. Nhưng sau khi giải phóng mặt bằng xong thì chủ đầu tư không thể tiến hành xây dựng hạ tầng được do nguồn vốn đầu tư quá lớn. Theo dự toán, tổng nguồn vốn đầu tư khu tái định cư Khu KTCK Xa Mát là gần 68 tỷ đồng, trong đó riêng chi phí xây lắp chiếm đến hơn 35 tỷ đồng. Chi phí xây lắp cao do trong đó không chỉ có nhà dành cho các đối tượng tái định cư mà còn phát triển thêm các khu phố thương mại, dịch vụ để tạo thêm bộ mặt khang trang cho khu đô thị cửa khẩu, tăng cường khả năng thu hút đầu tư. Thực tế do “lực bất tòng tâm” nên khu tái định cư này sau khi thu hồi vẫn đang còn là bãi đất trống.
Việc chậm trễ hình thành khu tái định cư đã khiến cho nhiều hộ dân trong vùng dự án rất băn khoăn do giữ tiền bồi thường trong thời gian dài sẽ mất giá, thất thoát và đến khi giao nền thì sẽ không còn đủ để cất nhà ở.
Do đó mà có ý kiến cho rằng chủ đầu tư phải có trách nhiệm bù khoản trượt giá cho các hộ bị giải toả trong thời gian chờ hoàn tất hạ tầng và giao nền cho các hộ thuộc diện tái định cư.
Sơn Trần