Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Sau thông tin ca nhiễm bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên của Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh, ngày 12.10.2022, Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh (Bộ Y tế) có buổi kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.
Đoàn công tác Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh (Bộ Y tế) kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ tại Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh.
Đoàn công tác do Tiến sĩ Nguyễn Vũ Thượng- Phó Viện trưởng Viện Pasteur làm trưởng đoàn. Viện Y tế công cộng, Bệnh viện Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh, Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khoẻ Trung ương cùng tham gia đoàn kiểm tra.
TĂNG CƯỜNG TRUYỀN THÔNG
Bác sĩ Nguyễn Văn Cường- Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, trước thông tin về ca nhiễm đầu tiên tại Việt Nam, theo hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ của Bộ Y tế, ngành đã triển khai kế hoạch công tác giám sát tại các cơ sở y tế trực thuộc; truyền thông về ca mắc bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên xuất hiện tại TP. Hồ Chí Minh vào ngày 3.10.2022 trên các nền tảng số, đồng thời kiện toàn 2 đội phản ứng nhanh, sẵn sàng xuống địa bàn điều tra, truy vết các trường hợp nhập cảnh từ vùng dịch tễ có nghi ngờ hoặc mắc bệnh, khoanh vùng, xử lý ổ dịch, đưa cách ly điều trị theo quy định.
Tại các cửa khẩu quốc tế, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế triển khai thực hiện giám sát nhiệt độ tự động theo dõi từ xa tại các cửa khẩu, nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ đối với các trường hợp nhập cảnh từ Campuchia về Việt Nam.
Triển khai, chuẩn bị phòng cách ly tạm thời tại các cửa khẩu, không thực hiện lấy mẫu xét nghiệm mà chuyển về cơ sở cách ly điều trị thực hiện các bước tiếp theo. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, trang bị sơ đồ phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ, các infographic khuyến cáo của Bộ Y tế tại các cửa khẩu bằng tiếng Việt và tiếng Anh, truyền thông cho toàn thể nhân viên trong đơn vị về bệnh đậu mùa khỉ...
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Tây Ninh, mới đây, TTYT huyện Gò Dầu báo cáo trường hợp nghi mắc bệnh đậu mùa khỉ tại một phòng khám tư nhân. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm ban đầu của CDC cho thấy cháu bé chỉ mắc bệnh tay chân miệng, đơn vị đã hướng dẫn TTYT huyện tiếp tục theo dõi, giám sát các trường hợp nghi mắc.
LÊN KỊCH BẢN SẴN SÀNG ỨNG PHÓ
Bác sĩ Nguyễn Thái Bình- Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh cho biết, bệnh viện đã thành lập 2 đội cơ động phản ứng nhanh chống dịch bệnh, thành viên của đội luôn sẵn sàng khi có sự điều động của lãnh đạo, đồng thời lên kịch bản cho ca khám bệnh ban đầu. “Để chủ động các biện pháp phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ, bệnh viện triển khai kịch bản diễn tập ca khám bệnh ban đầu bằng ba phương án, thời gian diễn tập dự kiến từ ngày 14.10 và thực hiện xuyên suốt cho đến khi thạo việc”- bác sĩ Bình nói.
Theo kịch bản, bệnh viện sẽ triển khai tiếp nhận người nghi mắc bệnh tại khoa Khám bệnh, khoa Cấp cứu và tại khu cách ly khoa Nhiễm. Nếu xác định trường hợp nghi mắc bệnh đậu mùa khỉ sau khi phân loại tại khoa Khám hoặc khoa Cấp cứu, người bệnh sẽ được chuyển đến khu cách ly khoa Nhiễm, tiến hành cận lâm sàng tại giường như: chụp X-quang phổi, lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm, thực hiện thở máy và chăm sóc bệnh nhân thở máy... Bệnh viện cũng đã chuẩn bị 20 giường bệnh tại khoa Nhiễm, nếu gia tăng trên 20 ca, bệnh nhân sẽ được chuyển đến khu cách ly mới.
Bên cạnh đó, đội ngũ phòng, chống dịch phải thực hiện nghiêm ngặt quy định về bảo hộ, như: khẩu trang y tế, quần áo bảo hộ chống dịch. Riêng nhân viên tiếp xúc trực tiếp với người nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ phải trang bị áo quần bảo hộ cấp 4, khẩu trang N95, đồng thời vệ sinh tay, mũi, họng thường xuyên bằng dung dịch sát khuẩn và theo dõi sức khoẻ 14 ngày sau tiếp xúc ca bệnh.
GIÁM SÁT CHẶT KHU VỰC CỬA KHẨU QUỐC TẾ
Thạc sĩ, bác sĩ Lương Chấn Quang- Phụ trách khoa Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật, Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh nhận định, hiện chưa có quy trình xét nghiệm bệnh đậu mùa khỉ, tuy nhiên, Bộ Y tế đề nghị theo sát quy trình xét nghiệm của CDC, đơn vị này cần tổ chức tập huấn cho các cơ sở y tế về quy trình xét nghiệm của Bộ Y tế. Ông đề nghị phải thực hiện 2K tại khu vực cửa khẩu, nếu có yếu tố dịch tễ thì nên “ở đâu ở yên đó”.
Đề cập đến ca mắc bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên được phát hiện tại TP. Hồ Chí Minh, bác sĩ Lương Chấn Quang cho biết sau khi phát hiện, người bệnh đã nhanh chóng được cách ly để tránh lây lan ra cộng đồng. Qua điều tra dịch tễ, nữ bệnh nhân có thời gian sống tại Dubai, sau đó về Việt Nam, khởi phát bệnh với các triệu chứng như sốt cao, ho ít, ớn lạnh, đau đầu, đau nhức toàn thân, xuất hiện một nốt đỏ ở tay chân, âm hộ và trên toàn thân.
Ngay sau khi có kết quả dương tính với đậu mùa khỉ, 9 người tiếp xúc gần (4 nhân viên y tế và 5 người thân của bệnh nhân) cũng được theo dõi sức khoẻ trong 21 ngày theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Đến ngày 6.10, nữ bệnh nhân phục hồi sức khoẻ tốt, xét nghiệm PCR dịch tiết ở một số vị trí đã âm tính, 9 người có nguy cơ bị lây nhiễm cao nhất hiện không có các triệu chứng nghi ngờ bệnh.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Vũ Thượng- Phó Viện trưởng Viện Pasteur ghi nhận, đánh giá cao công tác phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Nhận định thêm, Tiến sĩ Thượng cho rằng nguy cơ bệnh nội tại không cao. Tuy nhiên, cần thực hiện nghiêm giám sát dịch bệnh tại các cửa khẩu, đặc biệt tại cửa khẩu quốc tế.
Ông đề nghị ngành Y tế tỉnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh và các cơ sở y tế cần tăng cường phòng ngừa nhiễm khuẩn, xét nghiệm, giám sát, chú trọng đối tượng có nguy cơ cao, điều tra dịch tễ, kiểm soát nguồn lây (lây khi có triệu chứng), kể cả phòng khám tư nhân.
Đồng thời, triển khai tập huấn cho cán bộ, nhân viên y tế tuyến cơ sở thực hiện giám sát dựa vào sự kiện tại cộng đồng để phát hiện sớm, ngăn chặn dịch bệnh kịp thời; sẵn sàng thu dung, điều trị, phân tuyến điều trị và cách ly bệnh nhân, thực hiện tốt việc phân luồng, kiểm soát lây nhiễm tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Riêng Bệnh viện Đa khoa tỉnh cần phối hợp Bệnh viện Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh tập huấn công tác điều trị, thu dung, đặc biệt khi phát hiện ca mắc đậu mùa khỉ.
6 khuyến cáo của Bộ Y tế, người dân cần thực hiện để phòng bệnh đậu mùa khỉ:
1. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi. Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.
2. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay.
3. Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân, chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Đồng thời, cần chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục.
4. Tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh đậu mùa khỉ, tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Không tự ý điều trị khi mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
5. Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ (khu vực Trung và Tây Phi) cần tránh tiếp xúc với động vật có vú (chết hoặc sống) như: động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng có thể chứa virus đậu mùa khỉ. Khi quay trở về Việt Nam cần chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn.
6. Đảm bảo an toàn thực phẩm; thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khoẻ.
Tâm Giang