Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Triển khai công tác tư pháp năm 2021
Thứ sáu: 20:44 ngày 08/01/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Sáng 8.1, Sở Tư pháp tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai công tác tư pháp năm 2021. Ông Nguyễn Hoàng Nam - Giám đốc Sở Tư pháp, ông Lý Hoàng Vũ - Phó Giám đốc Sở Tư pháp cùng chủ trì hội nghị.

Năm 2020, Sở Tư pháp chỉ đạo toàn ngành Tư pháp triển khai thực hiện và hoàn thành các nhiệm vụ được giao; phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành trong tỉnh, bảo đảm hoàn thành các mặt công tác.

Công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) có những chuyển biến tích cực, bảo đảm đúng trình tự, thủ tục ban hành theo quy định Luật Ban hành VBQPPL năm 2015. Các dự thảo nghị quyết, quyết định trước khi được ban hành đều được Sở Tư pháp thẩm định, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và thống nhất của văn bản. Năm 2020, Sở đã thẩm định 90 văn bản, góp ý 282 văn bản, rà soát thường xuyên 255 văn bản, qua đó phát hiện 150 văn bản hết hiệu lực toàn bộ.

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thực hiện đúng kế hoạch, chương trình cụ thể với nhiều hình thức, biện pháp thực hiện phù hợp với từng nhóm đối tượng và điều kiện của địa bàn. Các hình thức phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) ngày càng phong phú, đa dạng, nhất là hình thức PBGDPL trên các phương tiện thông tin đại chúng, thi tìm hiểu pháp luật, tuyên truyền pháp luật thông qua hoạt động hoà giải ở cơ sở, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, qua tờ gấp, đĩa CD tuyên truyền...

Trong năm, Sở tổ chức 12 cuộc thi viết tìm hiểu pháp luật, 4 cuộc thi viết tìm hiểu pháp luật về giao thông đường bộ thu hút được 40.000 bài dự thi; biên soạn, in ấn và cấp 4 số nội san Tư pháp với 2.000 quyển, 156 đĩa CD, 160.000 tờ gấp, 2.000 quyển sổ tay Hỏi – đáp pháp luật; đã tiếp nhận 689 vụ hoà giải, đưa ra hoà giải 688 vụ, hoà giải thành 589 vụ. Bên cạnh đó, Sở Tư pháp thực hiện tốt các nhiệm vụ của Chương trình hành động quốc gia về đăng ký và thống kê hộ tịch của Việt Nam giai đoạn 2017-2024 trên địa bàn tỉnh; thực hiện có hiệu quả Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo thực hiện công tác hộ tịch, chứng thực, nuôi con nuôi đối với UBND cấp huyện, xã; xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp (LLTP), giải quyết kịp thời, đúng quy trình, thủ tục hộ tịch, quốc tịch… phục vụ tốt nhu cầu của nhân dân.

Công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp được chú trọng thực hiện. Sở phối hợp mở 1 lớp đào tạo nghề luật sư; khai thác và sử dụng phần mềm Cơ sở dữ liệu công chứng, chứng thực trên địa bàn tỉnh; ban hành Quy định đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn tỉnh; triển khai các VBQPPL trong hoạt động bổ trợ tư pháp mới có hiệu lực. Củng cố, kiện toàn tổ chức và hoạt động các tổ chức bổ trợ tư pháp, nâng cao chất lượng đội ngũ luật sư, công chứng viên, đấu giá viên, giám định viên. Hiện trên địa bàn tỉnh có 75 luật sư là thành viên Đoàn luật sư tỉnh Tây Ninh, 11 đấu giá viên, 129 giám định viên tư pháp và 5 người giám định theo vụ việc…

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận và làm rõ hạn chế của công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục ở các địa phương là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19; vấn đề hộ tịch, quốc tịch liên quan đến người di cư tự do từ Campuchia về cư trú trên địa bàn tỉnh; việc chuyển đổi vị trí công tác công chức hộ tịch - tư pháp cấp xã, biên chế đối với các phòng Tư pháp cấp huyện; đăng ký giấy khai sinh có yếu tố nước ngoài; khó khăn trong việc cấp bản chính, bản sao giấy khai sinh cho người dân để làm CCCD gắn chíp điện tử…

Kết luận hội nghị, Giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Hoàng Nam yêu cầu ngành Tư pháp tiếp tục tập huấn, hướng dẫn và triển khai thực hiện tốt Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành VBQPPL; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP; Chỉ thị số 43/CT-TTg ngày 11/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật. Nâng cao chất lượng công tác thẩm định VBQPPL; thực hiện thường xuyên công tác rà soát VBQPPL thuộc trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương. Hoàn thành việc thực hiện Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2019 – 2021”, triển khai công tác PBGDPL toàn diện, tăng cường ứng dụng CNTT, tiếp tục nghiên cứu, triển khai chuyển đổi số trong công tác PBGDPL.

Các đơn vị tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Hộ tịch và các văn bản quy định chi tiết thi hành; đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ của Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch; tập trung triển khai thực hiện Nghị định số 87/2020/NĐ-CP ngày 28.7.2020 quy định về Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến; thực hiện tốt việc xây dựng cơ sở dữ liệu LLTP; tăng cường thực hiện cấp phiếu LLTP trực tuyến, qua dịch vụ bưu chính công ích; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bổ trợ tư pháp, chú trọng công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, kịp thời xử lý nghiêm các vi phạm; chú trọng TGPL đối với các vụ việc tham gia tố tụng gắn với nâng cao chất lượng dịch vụ TGPL…

Thiên Di

Tin cùng chuyên mục