Kinh tế   Nông - lâm - thủy sản

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Triển khai Đề án Quản lý, phát triển rừng sản xuất tỉnh Tây Ninh 

Cập nhật ngày: 14/02/2020 - 08:56

BTNO - Chiều 13.2, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì tổ chức hội nghị triển khai thực hiện Đề án Quản lý, phát triển rừng sản xuất tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2019 - 2025, định hướng đến năm 2035.

Theo Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh, tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh là 4.041,25 km2, trong đó diện tích quy hoạch cho lâm nghiệp đến năm 2025 là 72.253,43 ha, chiếm 17,78% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh, trong đó rừng đặc dụng có 31.550,38 ha, rừng phòng hộ 30.174,56 ha, rừng sản xuất 10.428,49 ha.

Đại diện Chi cục Kiểm lâm thông qua quyết định triển khai thực hiện Đề án.

Mục tiêu của Đề án là phát triển lâm nghiệp bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường, từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả năng lực cạnh tranh; nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm và dịch vụ môi trường rừng; tăng giá trị sản xuất bình quân hàng năm 4 - 4,5%; góp phần tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, cải thiện sinh kế, bảo vệ môi trường sinh thái để phát triển bền vững.

Định hướng thực hiện Đề án là cơ cấu lại các loại rừng, phát triển nâng cao chất lượng rừng: Nâng cao trữ lượng rừng tự nhiên là rừng sản xuất là 25% so với hiện nay, đạt tăng trưởng bình quân từ 4- 5m3/ha; nâng cao chất lượng rừng tự nhiên để đạt tỷ lệ gỗ thương phẩm bằng 75% trữ lượng gỗ cây đứng; nâng cao chất lượng rừng trồng đạt bình quân 15m3/ năm, đạt chất lượng gỗ thương phẩm là 80% và phát triển công nghiệp chế biến gỗ.

Trong đó, bao gồm những nội dung, giải pháp quản lý, phát triển rừng sản xuất như: Thực hiện giao, cho thuê rừng sản xuất (rừng trồng, rừng tự nhiên) cho tổ chức, cá nhân, bảo đảm rừng có chủ quản lý, sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích lâm nghiệp; phát triển rừng sản xuất là rừng trồng; phát triển rừng sản xuất là rừng tự nhiên; các hoạt động khác nhằm nâng cao giá trị rừng sản xuất; các giải pháp hỗ trợ phát triển rừng sản xuất; giải pháp về vốn.

Rừng trong VQG Lò Gò- Xa Mát.

Để triển khai thực hiện Đề án có hiệu quả, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, hướng dẫn UBND các huyện xây dựng và tổ chức thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch giao, cho thuê rừng hàng năm của UBND huyện; phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND tỉnh chuyển giao diện tích quy hoạch rừng sản xuất từ Ban quản lý Khu rừng văn hóa - lịch sử Chàng Riệc về UBND huyện Tân Biên và Ban quản lý Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng về UBND huyện Tân Châu quản lý, để tiến hành công tác giao, cho thuê rừng và đất rừng sản xuất cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích lâm nghiệp.

Đồng thời, giao UBND các huyện xây dựng kế hoạch giao rừng, cho thuê rừng; có văn bản thông báo về việc đề nghị đăng ký nhu cầu giao rừng, cho thuê rừng gửi UBND cấp xã; Ban quản lý Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng và Ban quản lý rừng văn hoá- lịch sử Chàng Riệc quản lý các hợp đồng trồng rừng có liên quan và tổ chức bàn giao thực địa diện tích rừng sản xuất cho 2 huyện Tân Châu và Tân Biên quản lý sau khi có quyết định của UBND tỉnh.

Nhi Trần


Liên kết hữu ích