Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Triển khai dự án phát triển rừng, du lịch sinh thái trên đảo Nhím
Thứ hai: 05:40 ngày 05/06/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Đảo Nhím trong lòng hồ Dầu Tiếng được xúc tiến đầu tư một dự án khá quy mô với nhiều triển vọng phát huy tiềm năng kinh tế, du lịch sau nhiều năm chờ đợi. Để dự án này trở thành hiện thực, Đảng bộ và chính quyền huyện Dương Minh Châu đang nỗ lực tháo gỡ những khó khăn, giải quyết các tồn đọng kéo dài từ nhiều năm trước.

Cày bỏ nhiều diện tích mì trồng trái phép trên đất rừng ở đảo Nhím.

TRIỂN VỌNG TƯƠNG LAI

Mới đây, UBND tỉnh đã ký quyết định về việc cho Công ty cổ phần đầu tư Xuân Cầu Tây Ninh thuê 4.319.144,9m2 đất tại xã Suối Đá (huyện Dương Minh Châu) để thực hiện dự án đầu tư bảo vệ phát triển rừng kết hợp phát triển du lịch sinh thái tại đảo Nhím - hồ Dầu Tiếng. Thời hạn sử dụng đất để thực hiện dự án là 50 năm.

Trước đó, ngày 22.4.2016, lãnh đạo UBND tỉnh đã trao quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án du lịch sinh thái đảo Nhím cho Công ty TNHH Xuân Cầu. 

Theo giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, dự án này có 3 hạng mục chính: Thứ nhất là khu resort nghỉ dưỡng sinh thái dưới tán rừng rộng 25 ha. Hạng mục này bao gồm các resort được thiết kế đầu tư xây dựng với các bungalow (nhà nhỏ một tầng), biệt thự và khu nghỉ thấp tầng nằm dưới tán cây bên mặt hồ, tôn trọng tối đa yếu tố riêng tư và thiên nhiên.

Hạng mục thứ hai là các khu vui chơi, hoạt động thể thao, giải trí mặt nước. Đây là nơi nghỉ ngơi, sinh hoạt cộng đồng ngoài trời, phục vụ các hoạt động cắm trại, dã ngoại, thể thao vui chơi gần gũi thiên nhiên.

Hạng mục thứ ba là khu trồng rừng, nuôi thả thú. Đây được xem là phần cốt lõi của dự án, gắn mục tiêu phát triển du lịch, tham quan với công tác phục vụ nghiên cứu và bảo tồn đa dạng động, thực vật.

Tổng diện tích đất sử dụng trong dự án này gần 286 ha, tổng vốn đầu tư 290 tỷ đồng. Dự án được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (3 năm đầu): Chủ đầu tư nghiên cứu phát triển một số giống thực vật, động vật, khoanh nuôi bảo vệ rừng; kết hợp đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ khai thác du lịch sinh thái, đưa vào sử dụng phần dịch vụ du lịch sinh thái dưới tán rừng, các khu cắm trại, bãi tắm, khu thể thao mặt nước và tàu thuyền.

Giai đoạn 2 (những năm còn lại), chủ đầu tư dự án triển khai khâu chăm sóc, bảo vệ rừng; tiếp tục đầu tư xây dựng các khu resort nghỉ dưỡng và hạ tầng, hệ thống xử lý nước sạch, xử lý nước thải, khai thác đồng bộ các dịch vụ du lịch sinh thái. 

Có thể nói, quần thể hồ Dầu Tiếng, núi Cậu và các đảo trong hồ Dầu Tiếng có tiềm năng đáng kể để đầu tư, khai thác du lịch, nhất là du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Cùng với các danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử ở Tây Ninh, quần thể hồ Dầu Tiếng là điểm nhấn quan trọng để phát triển ngành “công nghiệp không khói” của tỉnh nhà.

Trước tầm quan trọng của thắng cảnh hồ Dầu Tiếng, thời gian qua, Tây Ninh đã có nhiều nỗ lực thu hút đầu tư để phát triển du lịch và kinh tế - xã hội khu vực hồ Dầu Tiếng nói riêng và huyện Dương Minh Châu nói chung. Đã có nhiều nhà đầu tư đến khảo sát và dự kiến đầu tư các dự án quy mô trên đảo Nhím- được ví như một hòn ngọc thô chưa được gia công chế tác. Thế nhưng, do nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan, các dự án trên đều dang dở trong sự tiếc nuối của chính quyền và nhân dân địa phương. Bởi một khi đảo Nhím - hồ Dầu Tiếng được đầu tư và khai thác đúng mức, đúng tầm, bộ mặt kinh tế - xã hội của huyện Dương Minh Châu và của Tây Ninh sẽ có sự thay đổi tích cực.

Do đó, trước việc Công ty cổ phần đầu tư Xuân Cầu Tây Ninh khảo sát, mong muốn thực hiện dự án đầu tư bảo vệ phát triển rừng kết hợp phát triển du lịch sinh thái tại đảo Nhím, lãnh đạo tỉnh đã tạo mọi điều kiện thuận lợi, rút ngắn tối đa thời gian giải quyết các thủ tục hành chính để nhà đầu tư có thể triển khai dự án nhanh nhất. Đây là quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Tây Ninh nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư vào tỉnh nhà, phát triển các dự án mang tính chiến lược, bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội lâu dài cho địa phương.

ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ TRỒNG RỪNG, GIAO ĐẤT DỰ ÁN

Để bàn giao đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án bảo vệ phát triển rừng kết hợp phát triển du lịch sinh thái tại đảo Nhím - hồ Dầu Tiếng, UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Dương Minh Châu chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan tổ chức kiểm tra, rà soát và tiếp tục xử lý những tồn đọng liên quan đến việc hỗ trợ, bồi thường, di dời dân trên đảo theo chủ trương từ trước.

Thực hiện chủ trương của UBND tỉnh, những ngày qua, UBND huyện Dương Minh Châu giao các ngành chức năng đẩy nhanh tiến độ rà soát, thống kê, đo đạc để bàn giao đất trên thực địa cho nhà đầu tư. Đáng chú ý là huyện đã tổ chức “tái thu hồi” khoảng 90 ha đất rừng bị người dân bao chiếm trồng mì, canh tác nông nghiệp trái phép. Sau khi thu hồi, số đất trên đã được trồng rừng để bàn giao cho nhà đầu tư thực hiện dự án bảo vệ phát triển rừng, kết hợp phát triển du lịch sinh thái tại đảo Nhím quản lý theo quy định.

Việc chính quyền huyện Dương Minh Châu tổ chức cày đất bị người dân lấn chiếm để canh tác nông nghiệp là đúng quy định của pháp luật. Dù vậy, cũng có dư luận cho rằng chính quyền huyện “hơi mạnh tay”. Trước dư luận này, UBND huyện Dương Minh Châu cho biết, từ nhiều năm qua, huyện đã nhiều lần tổ chức cưỡng chế “tái thu hồi” đất rừng bị người dân lấn chiếm. Tuy nhiên sau đó, đối với những diện tích đất chưa được trồng rừng, người dân lại tiếp tục “tranh thủ” trồng mì. Trước mỗi đợt “tái thu hồi” đất vài tháng, chính quyền địa phương và ngành chức năng đều thông báo, tuyên truyền rộng rãi để người dân biết và khuyến cáo người dân không được sản xuất nông nghiệp, trả đất cho địa phương trồng rừng.

“Việc chính quyền địa phương cày đất bị lấn chiếm để trồng rừng là hợp tình hợp lý, không ép uổng người dân. Đáng nói là những hộ sản xuất nông nghiệp trái quy định bị thu hồi đất để trồng rừng đợt này đều không phải là chủ đất trước đây”, một cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Dương Minh Châu cho biết. Theo ông, đến nay, quá trình “tái thu hồi” 90 ha đất bị lấn chiếm để trồng rừng trên đảo Nhím đã hoàn tất và cơ bản đạt được sự đồng thuận cao trong nhân dân.

CẦN SỚM GIẢI QUYẾT NHỮNG TỒN ĐỌNG KÉO DÀI

Thực tế, trên đảo Nhím thời gian qua vẫn còn một số hạn chế trong quá trình thực hiện dự án di dời dân trên đảo. Theo UBND huyện Dương Minh Châu, năm 2002, UBND tỉnh phê duyệt dự án di dời tái định cư các hộ dân 4 ấp đảo trong lòng hồ Dầu Tiếng. Dự án này được tỉnh giao cho UBND huyện Dương Minh Châu làm chủ đầu tư, phạm vi vùng dự án nằm trên địa bàn xã Suối Đá, gồm các ấp Suối Bà Chiêm, Tà Dơ, Đồng Kèn và Suối Nhím. Hiện huyện Dương Minh Châu chỉ quản lý đảo Nhím, các ấp khác đã được chuyển giao về xã Tân Thành, huyện Tân Châu quản lý. Tổng diện tích đất thuộc diện phải thu hồi, giải phóng mặt bằng thuộc dự án là 374,4 ha, có 241 hộ được nhận tiền hỗ trợ, bồi thường. Tuy nhiên, trong số đó, đến nay vẫn còn 12 hộ (diện tích 23,7 ha) chưa nhận tiền bồi thường.

Mục tiêu của việc di dời tái định cư đối với dân 4 ấp đảo trên là bảo vệ môi trường sinh thái và giữ gìn nguồn nước sạch trong hồ; ổn định phát triển cộng đồng dân cư gắn liền với nhiệm vụ sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp, nâng cao mức sống của người dân; bảo đảm vai trò của rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Dầu Tiếng. Trong các ấp đảo phải di dời, bố trí lại thì Suối Nhím phải di dời toàn bộ cư dân đến nơi ở mới.

Tuy nhiên, do nhiều lý do khách quan và chủ quan, việc thực hiện dự án di dời tái định cư các hộ dân 4 ấp đảo trong lòng hồ Dầu Tiếng gặp khó khăn kéo dài trong suốt thời gian qua. Đối với khu vực đảo Nhím, từ khi thực hiện dự án đến nay, nhiều người vẫn tiếp tục canh tác nông nghiệp (chủ yếu là trồng mì) trên đất đã được Nhà nước bồi thường và thu hồi triển khai dự án. Song song đó, nhiều năm qua, trên đảo Nhím còn tồn tại thực trạng những người dân xâm nhập trái phép chặt phá, đốt cây rừng, nhưng do địa bàn hẻo lánh, lực lượng chức năng và chính quyền địa phương chỉ đến xử lý “phần ngọn” mà không ngăn chặn kịp thời, cũng không xác định được đối tượng vi phạm.

Rừng được trồng trên đảo Nhím.

Hiện trên đảo Nhím đang tồn tại 68 hộ với hơn 170 nhân khẩu sống thường xuyên. Đây chủ yếu là những hộ nghèo trước đó đã được bố trí tái định cư tại ấp Đồng Kèn 2 (xã Tân Thành, huyện Tân Châu) nhưng quay trở lại đảo cất chòi, nhà tạm để mưu sinh. Ngoài ra, trên đảo cũng có một số hộ có điều kiện kinh tế khá, có nhà ở nơi khác nhưng vào đây sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi gia súc.

Trước thực trạng này, để bảo đảm thực hiện dứt điểm dự án di dời tái định cư các hộ dân 4 ấp đảo trong lòng hồ Dầu Tiếng, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án bảo vệ phát triển rừng kết hợp phát triển du lịch sinh thái tại đảo Nhím - hồ Dầu Tiếng, chính quyền huyện Dương Minh Châu đang tích cực giải quyết 2 vấn đề lớn: Giải quyết xong vấn đề bồi thường hỗ trợ đối với 12 hộ chưa nhận tiền để chính thức thu hồi đất; xác định địa giới và bàn giao tổng diện tích khu đất được tỉnh cho Công ty cổ phần đầu tư Xuân Cầu Tây Ninh thuê. “Với nỗ lực của huyện, sự hỗ trợ của tỉnh và sự phối hợp của nhà đầu tư, chúng tôi sẽ sớm giải quyết xong hai vấn đề này”, một cán bộ huyện Dương Minh Châu khẳng định.

Theo ghi nhận của người viết, vẫn còn một vấn đề quan trọng cần được tỉnh quan tâm, chỉ đạo, hỗ trợ các địa phương giải quyết căn cơ: nhiều hộ dân sau khi được di dời về khu tái định cư Đồng Kèn 2 rồi quay lại đảo Nhím đều có đời sống khó khăn, không có hoặc có rất ít đất sản xuất ở nơi tái định cư. Một khi triển khai thực hiện dự án của Công ty Xuân Cầu Tây Ninh, những hộ này lại phải rời khỏi đảo trong tình trạng kinh tế bấp bênh. Do đó, chính quyền cần có chính sách an sinh, có phương án hỗ trợ đối với những hộ này cũng như quan tâm, tạo điều kiện để các hộ dân ở khu tái định cư Đồng Kèn 2 an cư lạc nghiệp.

BẢO TÂM

data:
Liên kết hữu ích
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh