Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Bộ Tư pháp:
Triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp
Thứ sáu: 20:03 ngày 18/12/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Sáng 18.12, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu chủ trì hội nghị.

Đại biểu tham dự tại điểm cầu Tây Ninh.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2021. Luật đã bổ sung 1 điều mới (Điều 26a về thời hạn giám định); sửa đổi, bổ sung 8 điều (Điều 10; Điều 20; Điều 24; Điều 25; Điều 31; Điều 32; Điều 36; Điều 41); bổ sung 4 khoản; sửa đổi, bổ sung 22 khoản; bổ sung 4 điểm và sửa đổi, bổ sung 9 điểm.

Luật này sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật năm 2012 về phạm vi giám định tư pháp; nguyên tắc thực hiện giám định; hồ sơ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên tư pháp gắn với cấp, thu hồi thẻ giám định viên tư pháp; quyền và nghĩa vụ của giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc; công nhận và đăng tải danh sách người, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc; quyền và nghĩa vụ của người trưng cầu giám định.

Để đáp ứng kịp thời yêu cầu giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử được thu thập ngày càng tăng mạnh trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử các vụ án nói chung và các vụ án tham nhũng, kinh tế nói riêng, Luật đã có quy định về “Phòng giám định hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao” (tại khoản 5, Điều 12). Đây là tổ chức giám định tư pháp công lập mới có tính chất đặc thù, được bổ sung vào hệ thống tổ chức giám định kỹ thuật hình sự.

Để khắc phục những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong trưng cầu và thực hiện giám định trong các vụ án, nhất là án tham nhũng, kinh tế, Luật đã bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về cơ chế thông tin, phối hợp giữa cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng với cá nhân, tổ chức dự kiến được trưng cầu giám định và cơ quan có liên quan trước khi ban hành Quyết định trưng cầu, đặc biệt trường hợp nội dung giám định của vụ việc liên quan đến nhiều lĩnh vực chuyên môn cần xác định tổ chức chủ trì và tổ chức phối hợp (Điều 25).

Khắc phục tình trạng kéo dài thời hạn trong hoạt động giám định của một số vụ án, nhất là án tham nhũng, kinh tế, ảnh hưởng tới tiến độ xét xử của các vụ ản này, Luật đã quy định thời hạn giám định là 3 tháng, trường hợp có tính chất phức tạp hoặc khối lượng công việc lớn thì thời hạn giám định tối đa là 4 tháng, trường hợp phải gia hạn thì không quá một phần hai thời hạn giám định tối đa đối với loại việc đó. 

Căn cứ vào thời hạn giám định tối đa theo quy định nêu trên và tính chất chuyên môn đặc thù của lĩnh vực giám định, các bộ, cơ quan ngang bộ quản lý chuyên môn về lĩnh vực giám định tư pháp sez quy định thời hạn giám định cho từng loại việc cụ thể.

Ngoài ra, Luật còn bổ sung, sửa đổi một số điểm về kết luận giám định; hồ sơ giám định; nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các cơ quan tiến hành tố tụng đối với công tác giám định tư pháp.

Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, làm rõ một số nội dung, giải đáp vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Luật này; đồng thời gợi ý phương hướng, giải pháp nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ, quyền hạn của một số Bộ, ngành, địa phương về giám định tư pháp ở từng lĩnh vực trong thời gian tới.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đề nghị, thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần nghiên cứu, quán triệt các quy định mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp để nắm bắt chính xác, đầy đủ, toàn diện, gắn với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng đơn vị.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp nhấn mạnh, các bộ, ngành, địa phương cần tổ chức thực hiện hiệu quả, đầy đủ các nhiệm vụ đã được giao theo Quyết định số 1450/QĐ-TTg ngày 24.9.2020 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch triển khai thi hành Luật giám định tư pháp. 

Trong đó, tập trung xây dựng hoàn thiện các quy định pháp luật, quy trình giám định; kiện toàn tổ chức bộ máy, đội ngũ giám định viên, người làm công tác giám định, nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ này; quan tâm giải quyết chế độ, chính sách, kịp thời động viên, khen thưởng; bố trí cơ sở vật chất, kỹ thuật, trang thiết bị và các điều kiện đảm bảo phục vụ cho công tác giám định…

Thiên Di

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục