BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nhà máy đường TTC Biên Hoà - Tây Ninh:

Triển khai nhiều mô hình liên kết trồng mía 

Cập nhật ngày: 17/02/2017 - 11:12

BTNO - Nhà máy đường TTC Biên Hoà- Tây Ninh triển khai một số mô hình sản xuất áp dụng cơ giới hoá đồng bộ từ trồng đến khi thu hoạch, nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững cho người nông dân.

Xuống giống mía mô hình “Cánh đồng mẫu lớn”.

Để phát triển một nền nông nghiệp theo hướng hàng hoá, hướng tới xuất khẩu và cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập, việc tăng năng suất cây trồng, tiết giảm chi phí là những yêu cầu cấp thiết. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tình trạng đất sản xuất manh mún vẫn còn, công lao động nông nghiệp ngày càng khan hiếm, làm chi phí sản xuất tăng nhưng lại không đáp ứng tính thời vụ trong nông nghiệp. Từ đó dẫn đến hiệu quả sản xuất thấp.

Trước tình hình đó, Nhà máy đường TTC Biên Hoà- Tây Ninh triển khai một số mô hình sản xuất áp dụng cơ giới hoá đồng bộ từ trồng đến khi thu hoạch, nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững cho người nông dân.

HIỆU QUẢ MÔ HÌNH CÁNH ĐỒNG LIÊN KẾT MẪU

Vụ Đông Xuân 2015-2016, Nhà máy đường TTC Biên Hoà- Tây Ninh đã kết hợp với khách hàng Nguyễn Văn Hùng thực hiện mô hình “Cánh đồng liên kết mẫu” trên diện tích 21 ha tại xã Hoà Thạnh, huyện Châu Thành. Mô hình này nhằm tạo thửa mía lớn, tập trung để thuận tiện trồng và canh tác mía bằng cơ giới từ khâu làm đất, trồng, chăm sóc và thu hoạch. Đồng thời ứng dụng được quy trình sản xuất mía tiên tiến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành và nâng cao lợi nhuận.

Thực hiện mô hình, nhà máy ký kết hợp đồng trực tiếp với nông dân theo phương thức đầu tư vốn và ghi nợ cho nông dân. Nhà máy tổ chức thực hiện các dịch vụ cơ giới, giám sát trồng, chăm sóc theo quy trình hai bên thống nhất; đồng thời cam kết bảo hiểm mức lợi nhuận 15.000.000 đồng/ha/vụ, trong thời gian 2 vụ. Nếu lợi nhuận vượt trên mức bảo hiểm, khách hàng hưởng 100% lợi nhuận có được.

Về chính sách, Nhà máy đầu tư 100% vốn trồng và chăm sóc cho nông dân; hỗ trợ bã bùn, tro lò (20 tấn/ha) theo giá ưu đãi 150.000 đồng/tấn bao gồm chi phí vận chuyển. Nông dân được hưởng 100% chi phí hỗ trợ trồng mới từ chính sách đầu tư vụ 2015-2016. Giá thu mua theo chính sách chung từng vụ.

Ngày 10.2.2017 vừa qua, Nhà máy đường TTC Biên Hoà-Tây Ninh đưa máy đến bắt đầu thu hoạch mía vụ đầu tiên trên diện tích thực hiện mô hình “Cánh đồng liên kết mẫu”. Kết quả rất khả quan. Ông Nguyễn Văn Hùng- chủ mía liên kết với nhà máy thực hiện mô hình cho biết, trên diện tích 21 ha này, nhiều năm trước đây ông trồng mía chưa có năm nào đạt năng suất đến 60 tấn/ha. Thế nhưng năm nay, qua liên kết với nhà máy, năng suất mía đạt bình quân đến 100 tấn/ha.

Theo tính toán của ông Hùng, đây là vụ đầu tiên thực hiện mô hình nên mức đầu tư khá cao- bình quân hơn 65 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, với năng suất đạt 100 tấn/ha, vụ này ông có lãi không dưới 30 triệu đồng/ha. Đây là năm ông trồng mía thu lãi cao nhất từ trước đến nay. Trong những vụ sau, mức đầu tư cho mỗi ha mía thấp hơn do mía lưu gốc, nên lợi nhuận thu được cao hơn vụ đầu. Theo ông Hùng, có thể vụ tới, mỗi ha ông có thể lãi đến gần 40 triệu đồng.

TIẾP TỤC TRIỂN KHAI MÔ HÌNH CÁNH ĐỒNG MẪU LỚN

Với hiệu quả mang lại từ mô hình “Cánh đồng liên kết mẫu” trong vụ Đông Xuân 2015-2016, vụ Đông Xuân 2016-2017, Nhà máy đường TTC Biên Hoà- Tây Ninh tiếp tục phát triển cánh đồng liên kết mẫu.

Tuy nhiên, do hầu hết nông dân không có diện tích lớn tập trung trồng mía để thực hiện theo mô hình “Cánh đồng liên kết mẫu”, nên nhà máy chuyển sang mô hình liên kết theo phương thức “Cánh đồng mẫu lớn”. Theo đó, nhiều nông dân có đất sản xuất liền kề nhau liên kết lại với nhau để tạo cánh đồng lớn, sau đó liên kết với nhà máy triển khai mô hình. Mục tiêu mô hình là tạo ra cánh đồng lớn để tập trung cơ giới hoá các khâu, tổ chức tưới mía, xây dựng hạ tầng, thực hiện đồng nhất quy trình canh tác. Qua đó, tiết giảm chi phí sản xuất, đồng thời tăng năng suất và chất lượng mía.

Thực hiện mô hình này, nhà máy đầu tư vốn và ghi nợ cho khách hàng, đồng thời tổ chức thực hiện các dịch vụ cơ giới, giám sát trồng, chăm sóc theo quy trình hai bên thống nhất, có cam kết bảo hiểm mức lợi nhuận tối thiểu. Ngoài ra, nhà máy còn có thêm nhiều khoản hỗ trợ như phí lắp đặt hệ thống tưới, cày ngầm, cày sâu không lật, hạ tầng giao thông, tiêu nước...

Đặc biệt, mô hình “Cánh đồng liên kết mẫu” có sự tham gia của Nhà nước, mà cụ thể là ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và chính quyền địa phương trong việc quy hoạch, tuyên truyền vận động nhân dân tham gia mô hình.

Theo ông Lê Quốc Phong- Phó Giám đốc phụ trách nguyên liệu Nhà máy đường TTC Biên Hoà- Tây Ninh, đến nay, nhà máy đã hợp tác xây dựng xong 2 mô hình “Cánh đồng mẫu lớn”. Trong đó có 1 mô hình ở xã Ninh Điền (Châu Thành) gồm 4 hộ nông dân liên kết với nhau tạo cánh đồng diện tích 24 ha và 1 mô hình ở xã Hoà Thạnh (Châu Thành) gồm 3 hộ nông dân liên kết với diện tích gần 20 ha. Hai mô hình này đã xuống giống mía xong, năm sau sẽ thu hoạch.

Hy vọng mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” sắp tới sẽ có hiệu quả cao như mô hình “Cánh đồng liên kết mẫu”, để nông dân Tây Ninh tin tưởng, tiếp tục trồng mía.

Sơn Trần