Kinh tế   Nông - lâm - thủy sản

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Triển khai quyết liệt nhiệm vụ phòng chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò 

Cập nhật ngày: 29/05/2021 - 09:50

BTNO - Ngày 27.5, ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị trực tuyến phòng, chống dịch bệnh viêm da nổi cục (VDNC) trên trâu bò . Tại điểm cầu Tây Ninh, ông Nguyễn Văn Mấy - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì hội nghị.

Ông Nguyễn Văn Mấy - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì hội nghị.

Bệnh VDNC lần đầu tiên được phát hiện tại Zambia vào năm 1929, sau đó dịch bệnh đã lây lan và lưu hành ở hầu hết khắp các châu lục.

Bệnh VDNC trên trâu, bò lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam vào tháng 10.2020, đến ngày 25.5.2021 dịch bệnh đã xảy ra tại 2.306 xã của 32 tỉnh, thành phố, với tổng số 60.176 con gia súc mắc bệnh và 9.539 con gia súc chết và tiêu hủy.

Hiện nay, cả nước có 1.419 ổ dịch chưa qua 21 ngày tại 201 huyện của 27 tỉnh, thành phố với 48.465 con gia súc mắc bệnh và 7.027 con gia súc đã bị chết và tiêu hủy.

Nguy cơ dịch bệnh VDNC tiếp tục phát sinh và lây lan diện rộng trong thời gian tới là rất cao do thời tiết thay đổi, tạo điều kiện thuận lợi cho các vật chủ trung gian truyền bệnh phát triển; một số địa phương chưa triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; chưa thực hiện nghiêm việc công bố dịch và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định; chưa có kế hoạch, chưa bố trí kinh phí phòng, chống dịch, đặc biệt là kinh phí mua vắc xin và tổ chức tiêm phòng bệnh VDNC; tỷ lệ tiêm phòng vắc xin VDNC thấp, trong khi cần tối thiểu 21 ngày sau tiêm phòng vắc xin mới đáp ứng miễn dịch phòng chống bệnh có hiệu quả.

Tính đến ngày 10.5.2021, các doanh nghiệp đã nhập khẩu trên 3,2 triệu liều vắc xin VDNC các loại; đã cung ứng trên 2 triệu liều vắc xin VDNC cho các địa phương và các doanh nghiệp chăn nuôi trâu, bò, hiện tại còn hơn 700 ngàn liều vắc xin đang được bảo quản tại kho của các doanh nghiệp. Dự kiến trong thời gian tới, các doanh nghiệp tiếp tục nhập khẩu 8 triệu liều, nhằm bảo đảm không thiếu vắc xin đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh.

 Tăng cường phòng chống bệnh VDNC trên trâu, bò. Ảnh minh họa

Từ tháng 12.2020 đến nay, trên cả nước đã tiêm phòng được 2 triệu liều vắc xin tại 33 tỉnh, thành phố và 28 cơ sở chăn nuôi. Hiện nay, các địa phương đang tiếp tục triển khai tiêm phòng khẩn cấp chống dịch.

Theo báo cáo của các địa phương, công tác tiêm vắc xin phòng, chống bệnh VDNC được thực hiện tốt, đạt 80% tổng đàn thuộc diện tiêm, góp phần ngăn chặn dịch bệnh hiệu quả. Việc tiêm phòng vắc xin được đẩy mạnh, vì vậy tình hình dịch bệnh tại các địa phương xuất hiện bệnh VDNC trên trâu, bò đã được kiểm soát, số ổ dịch đã giảm rõ rệt từ 30 -60%, không phát sinh thêm gia súc mắc bệnh.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều địa phương chưa có kế hoạch, chưa kịp thời bố trí kinh phí hoặc có bố trí nhưng không đủ và chưa bảo đảm nguồn lực để tổ chức tiêm vắc xin VDNC cho đàn gia súc ở các vùng có dịch, địa phương có nguy cơ cao; thủ tục mua vắc xin cần rất nhiều thời gian, thời điểm mua và tổ chức tiêm phòng tại các huyện trong cùng một tỉnh cũng khác nhau; không có hoặc có thú y cơ sở nhưng mức thù lao, hỗ trợ ngày công tiêm phòng thấp so với công lao động phổ thông nên việc tổ chức tiêm phòng gặp khó khăn.

Trên địa bàn tỉnh Tây Ninh hiện có 11 ngàn con trâu, 100 ngàn con bò, 13.591 con bò sữa. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, đến nay trên địa bàn tỉnh chưa xuất hiện bệnh VDNC trên trâu, bò nên công tác phòng, chống chủ yếu là ngăn ngừa mầm bệnh xâm nhập; tuân thủ mọi chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc phòng chống dịch bệnh. Trong thời gian tới, tỉnh Tây Ninh sẽ tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác phòng chống bệnh VDNC trên trâu, bò... với mục tiêu là không để mầm bệnh xâm nhập.

Bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò.

Để công tác phòng chống bệnh VDNC trên trâu, bò có hiệu quả, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương, đơn vị cần tập trung các nguồn lực dể tổ chức, triển khai quyết liệt đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định của Luật Thú y.

Theo đó, các địa phương cần có kế hoạch và bố trí kinh phí để tổ chức phòng, chống dịch bệnh bao gồm: kinh phí mua vắc xin để tiêm phòng, bảo đảm tỷ lệ tiêm phòng đạt tối thiểu trên 80% số gia súc thuộc diện tiêm; tiền công tiêm vắc xin; kinh phí mua thuốc diệt côn trùng tại các địa phương đang có dịch.

Ngoài ra, các địa phương cần tổ chức giám sát, phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo và xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh, không để lây lan diện rộng; hướng dẫn chủ chăn nuôi trâu, bò tăng cường áp dụng các biện pháp chủ động phòng dịch; xử lý nghiêm đối với các trường hợp vận chuyển, buôn bán trâu, bò, sản phẩm từ trâu, bò nhập lậu qua biên giới, không rõ nguồn gốc.

Nhi Trần