Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội đảng
Đại hội đảng
Triển khai tháo dỡ cọc chà, đẩy đuổi lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông
2024-10-08 16:58:05

Những năm qua, tình trạng lục bình phát triển mạnh trên sông Vàm Cỏ Đông gây ách tắc giao thông đường thuỷ vào các tháng mùa khô. Mặc dù các cơ quan chức năng tỉnh đã có nhiều biện pháp xử lý nhưng hiệu quả chưa cao, nhiều thời điểm lục bình dày đặc, phủ kín mặt sông, ảnh hưởng đến việc đi lại, vận chuyển hàng hoá, nông sản của người dân.

Phương tiện, máy móc thực hiện công tác tháo dỡ cọc chà và đẩy, đuổi lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông

Nhằm chủ động trong công tác xử lý lục bình, bảo đảm lưu thông tuyến đường thuỷ trên sông Vàm Cỏ Đông, ngày 7.10, Công ty Cổ phần phát triển nông nghiệp Thành Thành Công, đơn vị được UBND tỉnh giao thi công thực hiện công tác xử lý lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông và các kênh, rạch thuộc địa bàn các huyện, thị xã đã triển khai tháo dỡ cọc chà và đẩy, đuổi lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông, khu vực cầu Gò Chai (đoạn từ xã Long Vĩnh đến ấp Gò Nổi, xã Ninh Điền, huyện Châu Thành).

Ông Huỳnh Long Uyên- Chỉ huy đội tàu xử lý lục bình thuộc Công ty Thành Thành Công cho biết, theo hợp đồng số 141/HĐ-XLLB ngày 30.11.2022 giữa Công ty và Sở Giao thông vận tải Tây Ninh, từ ngày 7.10 đến ngày 30.11.2024, Công ty tiến hành huy động phương tiện, máy móc thực hiện công tác tháo dỡ cọc chà và đẩy, đuổi lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông nhằm hạn chế tình trạng lục bình sinh sôi, phát triển nhanh trong thời gian tới.

Theo ông Uyên, trước khi tháo dỡ cọc chà và đẩy, đuổi lục bình, Công ty đã có văn bản đề nghị UBND huyện Châu Thành chỉ đạo các địa phương phối hợp triển khai công tác tuyên truyền, vận động người dân tháo dỡ cọc chà trên sông và các kênh rạch chảy ra sông Vàm Cỏ Đông. Tuy nhiên, trong quá trình đơn vị thực hiện vẫn còn một số hộ dân chống đối, không để công ty tháo dỡ cọc chà đẩy đuổi lục bình. Do đó, ông Uyên rất mong chính quyền các xã quan tâm hơn công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận để công tác xử lý lục bình của Công ty được thuận lợi hơn.

Từng mảng lục bình được đẩy khỏi khu vực cắm cọc chà ven sông

Theo Sở Giao thông vận tải, sông Vàm Cỏ Đông chảy qua địa bàn tỉnh Tây Ninh khoảng 105km, bắt đầu từ khu vực biên giới giữa Việt Nam - Campuchia thuộc xã Phước Vinh, huyện Châu Thành đến ranh giới giáp với tỉnh Long An tại xã Phước Chỉ, thị xã Trảng Bàng. Ngoài ra, toàn tỉnh có 170 kênh, rạch với tổng chiều dài 336,02 km chảy ra sông Vàm Cỏ Đông.

Từ trước đến nay, người dân cặp hai bên bờ sông thường có thói quen cắm cọc giữ lục bình làm nơi trú ngụ cho các loài thuỷ sản, đây là điều kiện để lục bình phát triển nhanh. Đến mùa khô, các hộ này tiến hành dỡ cọc chà thu hoạch cá, nên lục bình bị đẩy ra sông, kết hợp với lục bình từ thượng nguồn đổ về gây ùn ứ tại các khúc cua, đoạn cong như khu vực cầu Gò Chai, cầu Bến Sỏi (Châu Thành), xã Cẩm Giang (Gò Dầu), cầu Lái Mai (xã Phước Chỉ, thị xã Trảng Bàng)...

Đây là nguyên nhân chính làm cho lục bình phát triển, gây cản trở luồng ghe tàu và phương tiện thủy qua lại trên sông.

Do đó tỉnh đã cho chủ trương thực hiện tháo dỡ cọc chà và đẩy, đuổi lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông từ hai bên bờ ra giữa dòng sông, lợi dụng vào mùa mưa nước sẽ đẩy trôi lục bình về phía hạ lưu nhằm làm giảm lượng lục bình hiện có trên sông. Để thực hiện có hiệu quả và đồng bộ trên nhiều địa bàn, Ban Chỉ đạo xử lý lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông và trên các kênh, rạch thuộc địa bàn các huyện, thị xã ban hành Kế hoạch số 02/KH-SGTVT ngày 10.1.2024 triển khai công tác xử lý lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông và trên các kênh, rạch năm 2024.

Phương tiện, máy móc thực hiện công tác tháo dỡ cọc chà và đẩy, đuổi lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông.

Trong đó, Ban chỉ đạo xử lý lục bình tỉnh giao UBND các huyện, thị xã xây dựng Kế hoạch tuyên truyền, vận động người dân tháo dỡ cọc chà trên sông và các kênh rạch chảy ra sông Vàm Cỏ Đông; chỉ đạo bộ phận chuyên môn, nghiệp vụ phối hợp với đơn vị thi công xử lý lục bình (Công ty Thành Thành Công) kiểm tra, rà soát lại các kênh, rạch tương ứng với diện tích mặt nước có lục bình cần xử lý trong năm 2024 theo thực tế tình trạng lục bình trong các kênh, rạch hiện nay; chỉ đạo Phòng Quản lý đô thị hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng kiểm tra, xác nhận các kênh, rạch thuộc địa bàn quản lý mà đơn vị thi công đã thực hiện xong công tác xử lý lục bình;

Phối hợp Tổ giúp việc tổ chức kiểm tra công tác xử lý cọc chà trên sông Vàm Cỏ Đông và trong các kênh, rạch tại địa phương; định kỳ hàng quý (đầu tháng của quý liền kề) báo cáo kết quả công tác xử lý cọc chà trên sông Vàm Cỏ Đông và trong các kênh, rạch về Ban Chỉ đạo (qua đơn vị Cảng vụ đường thủy nội địa) để theo dõi tổng hợp.

Minh Dương

Từ khóa:
Tin liên quan