Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội đảng
Đại hội đảng
Triển khai thi công nâng cấp đồng loạt nhiều khu tưới: Cần tổ chức mạng lưới giám sát cộng đồng
2009-09-28 04:07:00

Dự án “Hiện đại hoá hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng” với tổng kinh phí xây dựng gần 1.000 tỷ đồng đã được triển khai từ mấy năm trước. Đầu tháng 8 vừa qua, dự án tiếp tục thực hiện. Với khối lượng thi công rất lớn, địa bàn thi công rộng, làm sao có thể quản lý chặt chẽ được tất cả các công trình?

Tiểu dự án “Hiện đại hoá hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng” thuộc “Dự án hỗ trợ thuỷ lợi Việt Nam” do Ngân hàng thế giới đầu tư cho vay với tổng kinh phí xây dựng gần 1.000 tỷ đồng. Dự án đã được triển khai từ mấy năm trước. Đầu tháng 8 vừa qua, dự án tiếp tục thực hiện đồng loạt ở nhiều khu tưới trên địa bàn tỉnh. Với khối lượng thi công rất lớn, địa bàn thi công rộng, làm sao có thể quản lý chặt chẽ được tất cả các công trình?

Trong mấy năm qua, dự án “Hiện đại hoá hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng” đã triển khai ở khu vực đầu mối do Trung ương quản lý gồm các công trình nâng cấp: đập chính, đập phụ, các cống điều tiết, cống dẫn dòng... để bảo đảm an toàn hồ chứa. Từ tháng 4.2009, công trình nâng cấp kênh chính Tây được khởi công và đến tháng 8 năm 2009, công trình nâng cấp kênh chính Đông được khởi công để đảm bảo chuyển tải đủ lưu lượng thiết kế tưới cho hơn 115.000 ha bao gồm khu tưới hiện tại và khu tưới mở rộng khi tiếp nước từ hồ Phước Hoà. Trong mùa mưa năm nay, toàn hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng ngưng mở nước tưới trong thời gian 70 ngày, từ đầu tháng 8 đến giữa tháng 10 để tiến hành thi công.

Công trường thi công kênh thuỷ lợi.

Cùng với việc ngưng mở nước để triển khai nâng cấp 2 kênh chính, đầu tháng 8 vừa qua, hệ thống thuỷ lợi, từ kênh cấp 1 trở xuống do tỉnh quản lý cũng đồng loạt được khởi công nâng cấp ở nhiều khu tưới với mục tiêu là gia cố, xây dựng bổ sung hệ thống kênh từ cấp 1 đến kênh nội đồng tận mặt ruộng và hệ thống kênh tiêu để đảm bảo tưới 57.300 ha trên địa bàn tỉnh. Trong đó lớn nhất là 2 khu tưới mẫu N20 và TN17. Khu tưới mẫu N20 thuộc kênh chính Đông tưới cho huyện Trảng Bàng, có diện tích tưới gần 4.000 ha, bao gồm 1 kênh cấp 1 và 58 tuyến kênh cấp 2, 3. Còn khu tưới mẫu TN17 thuộc kênh chính Tây tưới cho huyện Châu Thành, có diện tích tưới hơn 5.600 ha, bao gồm 1 tuyến kênh cấp 1 và 57 tuyến kênh cấp 2,3,4.

Do 2 khu tưới mẫu khởi công chậm hơn dự kiến lúc đầu đến 2 năm nên trong năm nay ngoài 2 khu tưới mẫu N20 và TN17 thì trên địa bàn tỉnh Tây Ninh còn triển khai thi công đồng loạt thêm nhiều khu tưới khác để đưa vào phục vụ tưới kịp thời và đồng bộ. Ba khu tưới được chọn triển khai cùng 2 khu tưới mẫu là các khu thuộc hệ thống kênh N14, TN1 và TN21. Trong đó khu tưới thuộc kênh N14 có diện tích tưới khoảng gần 2.000 ha, bao gồm 1 tuyến kênh cấp 1 và 12 tuyến kênh cấp 1,2; khu tưới thuộc kênh TN1 có diện tích tưới gần 3.000 ha, bao gồm 1 tuyến kênh cấp 1 và 24 tuyến kênh cấp 3 và khu tưới thuộc kênh TN21 có diện tích tưới hơn 1.800 ha, bao gồm 1 tuyến kênh cấp 1 và 16 tuyến kênh cấp 2.

Như vậy, mùa mưa năm nay trên địa bàn tỉnh đã và đang chuẩn bị khởi công nâng cấp hơn 100 tuyến kênh các cấp, chạy dọc ngang trong vùng tưới rộng hơn 15.000 ha trên địa bàn nhiều huyện thị. Điều đáng băn khoăn là với khối lượng rất lớn như vậy, thi công trên địa bàn rộng như vậy nhưng thời gian thi công chỉ có 70 ngày (trong thời gian 2 tuyến kênh chính cắt nước) thì liệu tiến độ và chất lượng công trình có bảo đảm hay không? Tất nhiên, ở bất cứ công trình nào cũng có bộ phận giám sát thi công. Tuy nhiên, công trình nâng cấp kênh thuộc tiểu dự án “Hiện đại hoá hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng” có đặc thù riêng, phải hoàn thành khối lượng lớn, hiện trường trải rộng đều khắp mà chỉ trong thời gian rất ngắn. Cho nên cho dù có bố trí nhưng lực lượng giám sát “chính quy” chưa chắc có đủ người, đủ thời gian để đến từng nơi thi công giám sát kỹ lưỡng được. Như vậy phải giải quyết thế nào để công tác giám sát thi công đạt kết quả tốt nhất?

Trong đợt giám sát tình hình quản lý, sử dụng và giải ngân các nguồn vốn vay, vốn chương trình mục tiêu và vốn trái phiếu Chính phủ, Phó Chủ tịch HĐND Phan Văn Sử đã đề xuất ngành chức năng phối hợp các địa phương tổ chức mạng lưới giám sát cộng đồng đối với công trình nâng cấp hệ thống kênh mương hiện đang triển khai thi công. Ý kiến đề xuất này được nhiều người đồng tình. Bởi vì trong thời gian qua, có nhiều nơi đã tổ chức tốt mạng lưới giám sát cộng đồng để tham gia giám sát các công trình xây dựng cơ bản và đã mang lại hiệu quả thiết thực, phát hiện và chấn chỉnh nhiều vi phạm.

Trong điều kiện đặc thù như việc nâng cấp đồng loạt hệ thống kênh mương như hiện nay, chỉ có sự tham gia của mạng lưới giám sát cộng đồng mới có thể góp phần thực hiện tốt nhất chức năng giám sát thi công, đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình, sử dụng hiệu quả nhất nguồn vốn vay đầu tư cho các công trình quan trọng.

SƠN TRẦN

 

Từ khóa:
Báo Tây Ninh
Liên kết hữu ích
Báo Tây Ninh
Tin liên quan