Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Triển khai ứng dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp
Thứ tư: 17:38 ngày 24/10/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ứng dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc Kipus sẽ giúp các đơn vị sản xuất nông nghiệp tài liệu hoá tất cả các bước theo trình tự của VietGAP hoặc bất kỳ tiêu chuẩn nào; ghi lại và theo dõi chi tiết mỗi chu kỳ cây trồng để có thể thực hiện truy xuất nguồn gốc đầy đủ; cung cấp phương án để tạo ra cơ sở dữ liệu cho mỗi mùa vụ hoặc chu kỳ sản xuất; tiết kiệm thời gian…

Công ty TNHH Sáu Như Một áp dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc Kipus.

Hiện nay, một trong những rủi ro lớn nhất khi sản xuất nông nghiệp là ở khâu đầu ra. Nguyên nhân chính là người sản xuất nông nghiệp không tiếp cận được với các nhà tiêu thụ lớn vì không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của nông sản. Các doanh nghiệp lớn hoặc các nhà nhập khẩu nông sản ở nước ngoài, thậm chí trong nước có yêu cầu rất cao về thông tin của sản phẩm, sự minh bạch trong quá trình sản xuất để chứng minh được sản phẩm bảo đảm chất lượng, an toàn cho người dùng.

Ðể giúp các đơn vị sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao hơn trong việc lập hồ sơ tài liệu - vốn đang là tiêu chí được yêu cầu ngày càng cao đối với các đơn vị thu mua, mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn liên kết với Công ty KIAG (Cộng hoà liên bang Ðức) triển khai phần mềm truy xuất nguồn gốc Kipus trong sản xuất nông nghiệp. Theo đó, công ty sẽ hỗ trợ các đơn vị sản xuất lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng thí điểm trong thời gian 4 tháng không tính phí để trải nghiệm cũng như đánh giá về lợi ích của phần mềm này.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ứng dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc Kipus sẽ giúp các đơn vị sản xuất nông nghiệp tài liệu hoá tất cả các bước theo trình tự của VietGAP hoặc bất kỳ tiêu chuẩn nào; ghi lại và theo dõi chi tiết mỗi chu kỳ cây trồng để có thể thực hiện truy xuất nguồn gốc đầy đủ; cung cấp phương án để tạo ra cơ sở dữ liệu cho mỗi mùa vụ hoặc chu kỳ sản xuất; tiết kiệm thời gian…

Phần mềm này còn giúp người tiêu dùng nắm rõ quy trình sản xuất, nguồn gốc sản phẩm để yên tâm sử dụng; giúp cho cơ quan quản lý Nhà nước trong việc quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, phù hợp với nhu cầu thị trường và thế mạnh của địa phương.

Ông Nguyễn Văn Nghĩa, Phó Giám đốc Công ty TNHH Sáu Như Một (ấp Thạnh Sơn, xã Thạnh Tây, huyện Tân Biên) cho biết, là một đơn vị sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp với diện tích 50 ha bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP, sau hơn 2 tháng sử dụng thử phần mềm, công ty thấy ứng dụng này dễ sử dụng, hiệu quả cao, tạo được niềm tin cho người tiêu dùng khi sử dụng sản phẩm. Ông Nghĩa tin rằng việc ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc sẽ được phổ biến rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp thời gian tới.

Thực tế hiện nay, ở nhiều địa phương, nhiều nông dân đã áp dụng các quy trình sản xuất nông sản an toàn như quy trình GlobalGAP, VietGAP... Tuy nhiên, khi sản phẩm sản xuất theo các quy trình này được đưa ra thị trường người tiêu dùng không thể phân biệt được với sản phẩm thông thường, hoặc các sản phẩm “nhái”.

Ông Nghĩa còn cho biết, sắp tới, công ty sẽ ứng dụng chính thức phần mềm truy xuất nguồn gốc Kipus trên diện tích 50 ha đối với sản phẩm bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng đến sản xuất GlobalGAP để đầu ra sản phẩm được mở rộng, giá bán cao hơn.

Ông Lưu Văn Xu (thành viên HTX xoài tứ quý Thạnh Bắc, xã Thạnh Bắc, huyện Tân Biên) cho biết, việc ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm nông nghiệp từ khâu trồng, chăm sóc, bón phân, thu hoạch, đóng gói, bảo quản, xuất ra thị trường... là rất cần thiết cho các đơn vị sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp hiện nay.

Ðể nâng cao chất lượng sản phẩm và khẳng định thương hiệu xoài tứ quý trên thị trường trong và ngoài nước, HTX tham gia các lớp tập huấn về việc sử dụng phầm mềm Kipus, và sẽ áp dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc sản phẩm trên diện tích sản xuất 22,4 ha, với 16 thành viên tham gia sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Theo ông Nguyễn Duy Ân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để phần mềm truy xuất nguồn gốc trong sản xuất nông nghiệp đi vào thực tế, Sở Nông nghiệp đã lập nhóm công tác hỗ trợ cho nông dân trong thời gian triển khai thí điểm về cách nhập và truy xuất dữ liệu trên các thiết bị điện tử như máy tính bảng, laptop, điện thoại.

Sở sẽ thường xuyên theo dõi và tiếp tục đánh giá hiệu quả của việc sử dụng phần mềm qua 4 tháng triển khai thí điểm tại HTX xoài Thạnh Bắc và Công ty TNHH Sáu Như Một (huyện Tân Biên). Sau đó, Sở sẽ triển khai việc sử dụng phần mềm Kipus rộng rãi trên địa bàn tỉnh, giúp các đơn vị sản xuất nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp.

THANH NHI

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục