Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Bệnh khảm lá trên cây mì (sắn) bùng phát và lây lan trên địa bàn tỉnh Tây Ninh từ tháng 7.2017. Đây là loại bệnh nguy hiểm do virus gây ra trên cây mì, hiện chưa có thuốc đặc trị, bệnh làm giảm năng suất và chất lượng tinh bột.
Ông Nguyễn Văn Hồng – Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV kiểm tra thực tế hai giống mì HN3 và HN5 sau thu hoạch.
Để duy trì và phát triển cây mì, từ năm 2018 đến nay, Cục Bảo vệ thực vật và Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc tế (CIAT) và Chi cục Trồng trọt và BVTV Tây Ninh triển khai chương trình nghiên cứu và khảo nghiệm trên 102 giống mì kháng bệnh khảm lá dưới áp lực bệnh trên đồng ruộng tại xã Tân Hội, huyện Tân Châu.
Ông Nguyễn Anh Vũ – Phó Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm (thuộc Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam) cho biết, các ruộng thí nghiệm giống sắn khảo nghiệm đều phát triển rất tốt, chiều cao và tán lá tốt hơn so với giống đối chứng (KM419, HL-S11) và các ruộng của nông dân xung quanh.
Đánh giá năng suất củ mì giống khảm ngang bằng với các giống đang trồng tại địa phương.
Sau khi đánh giá khả năng kháng bệnh khảm lá trên đồng ruộng và tham khảo kết quả năng suất, tỷ lệ tinh bột từ các thí nghiệm diện hẹp đã thu hoạch của Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam, xác định được 8 giống có khả năng chống chịu được bệnh khảm lá sắn gồm: C4, C9, C36, C48, C97, HN3, HN4, HN5. Trong đó, 2 giống HN3 và HN5 có khả năng chống chịu được bệnh khảm lá mì mạnh nhất, Đồng thời, còn cho năng suất và hàm lượng tinh bột tương đương với giống KM140 và KM419 (được trồng phổ biến hiện nay).
Hiện Viện cùng với Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Tây Ninh đang triển khai các bước để nhân giống với số lượng lớn hai giống mì HN3 và HN5, sớm đưa vào sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Hồng – Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Tây Ninh cho biết sau hơn 2 năm Chi cục cùng với Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam thực hiện đề tài nghiên cứu, khảo nghiệm hơn 100 giống mì.
Đến nay, về cơ bản đã có thể khẳng định hai giống mì HN3 và HN5 hoàn toàn kháng được bệnh khảm lá. Đồng thời, qua quá trình theo dõi và đánh giá đây là 2 giống có năng suất và chất lượng tinh bột ngang với các giống mì địa phương như HL419, HL05.
Ông Nguyễn Văn Hồng – Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV kiểm tra thực tế hai giống mì HN3 và HN5 sau thu hoạch.
Cũng theo ông Hồng, trong vụ sản xuất sắp tới, Chi cục sẽ triển khai nhân rộng hai giống mì này với diện tích khoảng 10ha. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam theo dõi, đánh giá. Dự kiến trong năm 2022 sẽ triển khai cho nông dân trồng đại trà, thay thế những giống mì địa phương đang bị nhiễm khảm lá.
Nguyên An