Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Mô hình nuôi cá chạch lấu trong ao đất được chuyển giao tại ấp Phước Long, xã Phước Chỉ, thị xã Trảng Bàng bước đầu đạt kết quả tích cực, mở hướng phát triển kinh tế mới cho người dân vùng nông thôn.
Những năm qua, tình trạng ô nhiễm nguồn nước, cùng với việc đánh bắt tràn lan, khiến nhiều loài thuỷ sản dần cạn kiệt. Để tái tạo nguồn lợi thuỷ sản và phục vụ nhu cầu thực phẩm hằng ngày, Trung tâm Khuyến nông tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố đã triển khai nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả trên từng tiểu vùng sinh thái của tỉnh. Qua đó đã tạo việc làm và tăng thu nhập cho nông dân. Trong đó, mô hình nuôi cá chạch lấu (còn gọi là cá chạch bông) trong ao đất được chuyển giao tại ấp Phước Long, xã Phước Chỉ, thị xã Trảng Bàng bước đầu đạt kết quả tích cực, mở hướng phát triển kinh tế mới cho người dân vùng nông thôn.
Cá chạch lấu phát triển nhanh.
Từ tháng 9.2023, mô hình này được Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai thí điểm tại hộ anh Lê Công Phú, ngụ ấp Phước Long, xã Phước Chỉ (thị xã Trảng Bàng). Anh Phú được Trung tâm hỗ trợ 50% con giống và thức ăn; đồng thời được tập huấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật nuôi. Với diện tích 1.000 m2 mặt nước, anh Phú cho thả 5.000 con cá chạch lấu giống. Sau hơn 7 tháng thả nuôi, cá phát triển khá tốt, đạt trọng lượng khoảng 200-250g/con, chưa xuất hiện bệnh.
Với giá bán cá thương phẩm dao động từ 180.000 đồng đến hơn 230.000 đồng/kg, ước tính sau khi trừ chi phí, đến khi thu hoạch, gia đình anh Phú đạt lợi nhuận gần 100 triệu đồng.
Anh Lê Công Phú cho biết, anh có người quen ở miền Tây chuyên làm nghề thu mua cá chạch lấu nên bén duyên với nghề này từ vài năm trước. Tuy nhiên, thời điểm đó, anh chỉ ương nuôi và bán cá giống chứ chưa nuôi thương phẩm. Nhờ có kinh nghiệm đó, nên khi Trạm Khuyến nông thị xã Trảng Bàng gợi ý làm điểm triển khai mô hình nuôi cá chạch lấu trong ao đất, anh đã mạnh dạn đồng ý.
Theo anh Phú, ngoài việc được hỗ trợ con giống, thức ăn và được hướng dẫn quy trình kỹ thuật nuôi, anh cũng bỏ thêm chi phí trang bị, lắp đặt hệ thống sục khí và cánh quạt để bảo đảm nguồn oxy trong nước cho cá sinh trưởng, phát triển.
“Cá chạch lấu không khó nuôi như nhiều người nghĩ, chỉ cần cho ăn đúng cách và chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật. Cho cá ăn cũng nên theo giờ nhất định vào buổi sáng và buổi chiều để tạo thói quen, tầm 4, 5 ngày thay nước một lần. Trong quá trình nuôi, lượng ô xy trong ao rất quan trọng.
Vì vậy, cần có máy sục khí hoặc quạt nước để tăng cường ô xy cho cá. Chạch lấu có sức đề kháng cao, ít bệnh, nên người nuôi cũng không quá vất vả. Tuy nhiên, nguồn nước rất quan trọng, nước trước khi cho vào ao cần được xử lý, bảo đảm lượng khoáng chất cần thiết, đồng thời loại bỏ các chất độc hại”- anh Phú chia sẻ thêm.
Ông Nguyễn Lộc Vĩnh- nhân viên Trạm Khuyến nông thị xã Trảng Bàng cho biết, mô hình nuôi cá chạch lấu trong bể lót bạt được triển khai thành công tại một số nơi trong tỉnh. Tuy nhiên, nuôi trong ao đất là mô hình đầu tiên, theo kiểu bán tự nhiên. Thích hợp với điều kiện nuôi của nông dân, cá nhanh lớn, thịt dai nên được thương lái ưa chuộng hơn.
Hiện nay, trên địa bàn thị xã Trảng Bàng đang triển khai mô hình này tại 3 hộ (2 hộ ở xã Phước Chỉ và 1 hộ ở phường An Hoà), mỗi hộ là 1000 m2 thả nuôi 3.500 con giống (hộ anh Phú tự mua thêm 1.500 con thả thêm cho đủ 5.000 con). Trong đó, Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ 50% con giống và vật tư.
Sau hơn 7 tháng triển khai, số cá chạch lấu tại các điểm thả nuôi phát triển khá tốt, đồng đều, tỷ lệ hao hụt ít, chưa phát hiện cá bệnh, trọng lượng trung bình trên 0,2kg/con.
Từ thành công của mô hình nuôi thí điểm này, Trung tâm sẽ đánh giá hiệu quả kinh tế, xây dựng quy trình nuôi để chuyển giao và nhân rộng ở những địa phương có điều kiện nuôi phù hợp.
Minh Dương - Nhật Quang