Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Nhân ngày thầy thuốc việt nam 27.2:
Triển vọng mới trong công tác chăm sóc sức khoẻ người dân
Thứ sáu: 14:50 ngày 24/02/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án 1816 của Bộ Y tế; hoàn thiện dần việc tin học hoá trong hệ thống khám, chữa bệnh; tăng cường tập huấn cho cán bộ ngành y tế trong việc thay đổi thái độ, cung cách phục vụ, hướng tới sự hài lòng cho bệnh nhân khi đến các cơ sở y tế…

Nhân kỷ niệm 62 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27.2, Báo Tây Ninh có cuộc trao đổi với bác sĩ CKII Hoa Công Hậu- Giám đốc Sở Y tế về những thành quả nổi bật cũng như những khó khăn còn tồn tại của ngành Y tế tỉnh nhà trong năm 2016.

Dịp này, bác sĩ Hoa Công Hậu cũng điểm qua những dự định trọng tâm của ngành trong năm 2017, nhằm hướng đến chất lượng và hiệu quả trong công tác chăm sóc sức khoẻ cho người dân trên địa bàn tỉnh nhà.

Khám nha tại y tế tuyến xã.

Khởi sắc từ nhiều dự án đầu tư

Theo Giám đốc Sở Y tế, trong năm 2016, ngành Y tế tỉnh nhà đã phối hợp chặt chẽ với các ngành, các địa phương làm tốt công tác y tế dự phòng. Bệnh dịch tuy có xảy ra nhưng tỷ lệ người mắc và tử vong thấp hơn so với các năm trước. Mạng lưới khám, chữa bệnh từ tỉnh đến xã được tập trung đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế. Đến hết năm 2016, có 58/95 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế. Chất lượng khám, chữa bệnh cũng được cải thiện rõ rệt.

Năm qua, nhiều dự án đầu tư, nâng cấp cơ sở y tế đang tiến hành và đã được UBND tỉnh cho chủ trương. Đáng kể là dự án nâng cấp Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã hoàn thành giai đoạn I. Trong năm, Sở Y tế và Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh đã đón nhận 70% số trang thiết bị từ nguồn vốn JIKA của Nhật Bản, trị giá khoảng 156 tỷ đồng. Đồng thời, Sở cũng đã trang cấp 9 xe cứu thương từ nguồn ngân sách tỉnh và vận động xã hội hoá cho các cơ sở y tế để hỗ trợ công tác chuyên môn.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương cho ngành Y tế hợp tác với Công ty VHH (Công ty CP Việt Nam Healthcare Holding) để đầu tư khu điều trị chất lượng cao tại Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh, kinh phí dự kiến trên 1.000 tỷ đồng với khoảng 400 giường bệnh. Dự kiến khi dự án hoàn thành, Tây Ninh sẽ có một bệnh viện đạt chuẩn xanh, sạch trong khám và điều trị bệnh để phục vụ bệnh nhân.

 Sở Y tế cũng đã tiến hành trang bị thang máy cho các Trung tâm Y tế (TTYT) Châu Thành, Dương Minh Châu và Bệnh viện Phục hồi chức năng (PHCN); tiến hành xây mới TTYT Tân Biên và xây dựng đề án xây mới TTYT Gò Dầu. Có thể thấy, với những dự án này, thời gian tới, ngành Y tế tỉnh nhà sẽ có những thay đổi tích cực đối với bộ mặt cơ sở khám và chữa bệnh, tạo niềm tin cho người dân.

CỐ GẮNG GIẢI BÀI TOÁN NHÂN LỰC

Giám đốc Sở Y tế thừa nhận, một trong những khó khăn nhất hiện nay của ngành là thiếu bác sĩ, cả về chất lượng và số lượng, nhất là nguồn bác sĩ cho tuyến xã. Đây là khó khăn không chỉ riêng ở tỉnh ta. Số bác sĩ được đào tạo chuyên sâu đầu ngành cũng không đủ.

Sở Y tế rất chú trọng công tác đào tạo cán bộ cho ngành. Cụ thể như liên kết với Trường đại học Y dược Cần Thơ đào tạo bác sĩ theo địa chỉ; nâng cao trình độ y sĩ lên bác sĩ 44 sinh viên. Trong đó có 9 sinh viên ngành hiếm: lao, phong, tâm thần, giải phẫu bệnh.

Liên kết với Trường đại học Phạm Ngọc Thạch tổ chức đào tạo, cấp chứng chỉ tại Tây Ninh được 3 lớp gồm: 1 lớp kỹ thuật siêu âm với 65 bác sĩ được đào tạo, cấp chứng chỉ trong thời gian 3 tháng; 1 lớp kỹ thuật điện tim với 56 bác sĩ và đang đào tạo lớp bác sĩ gia đình với 90 bác sĩ. Việc đào tạo này nhằm cung ứng nguồn nhân lực đủ khả năng chuyên môn sử dụng các loại máy siêu âm, điện tim trong việc thanh toán BHYT.

Trong năm qua, thực hiện chính sách thu hút nhân tài của tỉnh, Sở Y tế đã tiếp nhận 27 sinh viên mới ra trường, đồng thời thu hút được 5 bác sĩ từ nơi khác về.

Theo bác sĩ Hoa Công Hậu, Sở lập kế hoạch sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực hiện có như tăng cường bác sĩ tại các trạm y tế thị trấn, phường gần trung tâm về thực hiện công tác tại các TTYT huyện để tránh lãng phí nguồn nhân lực. Những trạm y tế các xã vùng sâu, vùng xa sẽ được trang bị cơ sở vật chất, bố trí bác sĩ đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân.

Bác sĩ Hậu cho biết thêm, công tác quản trị ngoài chuyên môn cũng là một trong những khó khăn của ngành Y tế tỉnh nhà. Theo ông, đa số bác sĩ lãnh đạo tại các trung tâm hiện nay chưa qua trường lớp đào tạo về công tác quản lý nên hiệu quả vẫn chưa như mong muốn. Thời gian qua, đã xảy ra nhiều vụ việc phiền hà đối với ngành liên quan đến công tác quản lý ngoài chuyên môn như căn-tin, giữ xe, tình hình an ninh trật tự… Thực trạng này cũng nằm trong những nguyên nhân gây sách nhiễu, phiền hà người dân khi đến khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế.

Thời gian tới, Sở sẽ tập trung đào tạo bác sĩ làm công tác quản lý để nâng cao hiệu quả, bởi có quản lý tốt mới góp phần giảm những phiền hà cho người dân khi đến với các cơ sở y tế.

Điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện Phục hồi chức năng.

TRIỂN VỌNG TRONG CÔNG TÁC KHÁM, ĐIỀU TRỊ

Bên cạnh những nỗ lực nhằm giải quyết, nâng cao bài toán về nhân lực, Sở Y tế luôn có những cố gắng để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.

Giám đốc Sở cho biết, Sở đã xây dựng 4 đề án trình UBND tỉnh và đã được duyệt 3 đề án. Trong đó có đề án bệnh viện Vệ tinh ký kết với Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh đã được Bộ Y tế phê duyệt và tỉnh cho chủ trương.

Đề án bệnh viện vệ tinh chủ yếu tập trung 4 chuyên khoa quan trọng là tim mạch và can thiệp tim mạch, điều trị nội khoa ung thư, ngoại tiết niệu, ngoại chấn thương chỉnh hình. Đề án được UBND tỉnh phê duyệt mức đầu tư dự kiến khoảng 48 tỷ đồng để mua trang thiết bị, đáng chú ý là có trang bị máy chụp kỹ thuật số xoá nền DSA. Đây là loại máy có thể giúp can thiệp đặt stent động mạch cho người bị nhồi máu cơ tim, giảm nguy cơ tử vong cho bệnh nhân.

Tại tỉnh ta, tỷ lệ tử vong đối với bệnh nhân nhồi máu cơ tim luôn ở mức cao do không được can thiệp kịp thời.

Đến nay, ngành Y tế cũng đã triển khai thực hiện đề án tin học hoá kết nối từ tuyến tỉnh đến xã trong khám, điều trị bệnh và thanh, quyết toán chi phí. Bác sĩ Hậu cho biết, tuy rằng khi thực hiện đề án ngành vẫn gặp nhiều khó khăn, nhưng sau 8 tháng hoạt động, đề án đang dần được vận hành tốt.

 Trong đề án tin học hoá, UBND tỉnh cho chủ trương ghi vốn thực hiện đối với hệ thống Telemedicine (hội chẩn y tế trực tuyến/từ xa). Hệ thống này giúp tận dụng sự hỗ trợ của nguồn nhân lực chất lượng cao từ các bệnh viện đầu ngành (các bệnh viện có liên kết như Chợ Rẫy, Đại học Y dược) trong điều trị bệnh.

Để giải quyết vấn đề về hỗ trợ điều trị nhồi máu cơ tim, Sở trình UBND tỉnh cho chủ trương vận hành hệ thống MUSE, nhằm phát hiện kịp thời những bệnh nhân nhồi máu cơ tim, tranh thủ thời gian “vàng” để điều trị. Hệ thống có kết nối với các bệnh viện lớn trong hỗ trợ điều trị nhồi máu cơ tim.

Với những đề án này, hy vọng khi thực hiện sẽ giúp cho người dân Tây Ninh tiếp cận được với những kỹ thuật khám, chữa bệnh hiện đại mà không mất nhiều thời gian, chi phí vì phải đi xa; cũng như có nhiều cơ hội sống hơn khi bị nhồi máu cơ tim.

Năm 2017, bác sĩ Hoa Công Hậu cho biết, Sở Y tế đã đề ra những giải pháp để nâng cao chất lượng, gồm một số giải pháp nổi bật như: tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án 1816 của Bộ Y tế; hoàn thiện dần việc tin học hoá trong hệ thống khám, chữa bệnh; tăng cường tập huấn cho cán bộ ngành y tế trong việc thay đổi thái độ, cung cách phục vụ, hướng tới sự hài lòng cho bệnh nhân khi đến các cơ sở y tế; bên cạnh đó cũng tăng cường giáo dục về y đức với người thầy thuốc, tăng cường công tác quản trị ngoài chuyên môn đối với các cơ sở y tế, thực hiện hiệu quả Nghị quyết 80 của HĐND tỉnh về thu hút nhân tài; hằng năm.

Sở cũng sẽ rà soát, đề xuất đào tạo bổ sung nguồn nhân lực kịp thời, tiến hành và thực hiện hiệu quả đề án bệnh viện vệ tinh, tiếp tục hoàn thành công tác xây dựng những trung tâm y tế, bệnh viện, kết hợp cùng VHH sớm xây dựng khu bệnh viện chất lượng cao tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

NGÔ TUYẾT

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh