Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Triển vọng từ cánh đồng lớn trên cây mía
Thứ ba: 15:06 ngày 31/01/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Với khoản đầu tư không hoàn lại, nông dân sẽ được hỗ trợ các chi phí như cắm mốc, phá bờ lô thửa, dọn dẹp, san phẳng mặt ruộng; lắp đặt hệ thống tưới mía bằng béc (đối với mía tơ, trồng đất nhà); thực hiện hệ thống giao thông nội đồng, kênh mương nội đồng; hỗ trợ chi phí thực hiện cơ giới hoá từ trồng đến thu hoạch; hỗ trợ chuyển đổi cây trồng với diện tích cây trồng hiện có…

Thu hoạch mía.

Cho đến nay, vùng nguyên liệu mía Tây Ninh đa số canh tác nhỏ lẻ, manh mún, đan xen với các loại cây trồng khác, chủ yếu sản xuất mía thủ công, chi phí cao, khó áp dụng cơ giới hoá nên dẫn đến hiệu quả kinh tế còn thấp. Do đó, tình trạng nông dân bỏ cây mía để chuyển sang cây trồng khác diễn ra khá phổ biến.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), ước tính trên đơn vị diện tích 1 ha, lợi nhuận bình quân đối với trồng 3 vụ lúa/năm khoảng 21 triệu đồng; 2 vụ lúa/năm khoảng 18,5 triệu đồng; 1 vụ lúa – 1 vụ mì/năm khoảng 17,5 triệu đồng; trồng mía khoảng 27,5 triệu đồng. Như vậy, đối với một số vùng đất triền trảng, sản xuất 2 – 3 vụ lúa/năm hoặc 1 vụ lúa – 1 vụ mì cho năng suất, hiệu quả kinh tế còn thấp nên cần thực hiện chuyển đổi sang cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn, trong đó có cây mía.

Nhu cầu phát triển mía cung cấp nguyên liệu cho sản xuất đường đang ngày càng bức thiết. Tuy nhiên, để nông dân “chịu theo” cây mía, các nhà máy trước hết phải bảo đảm cho người trồng mía có lãi. Đồng thời, Nhà nước, các doanh nghiệp chế biến mía đường cần hình thành các khu sản xuất mía tập trung, có hệ thống tưới tiêu, giao thông nội đồng hoàn chỉnh nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất trên 1 ha đất.

Để hội nhập, yêu cầu phải phát triển sản xuất nông nghiệp hiện đại và việc xây dựng cánh đồng lớn trên cây mía để làm tiền đề phát triển ngành mía đường bền vững là yêu cầu bắt buộc. Tháng 9.2016, Sở NN&PTNT đã triển khai thực hiện kế hoạch thí điểm xây dựng cánh đồng lớn, liên kết sản xuất và tiêu thụ mía năm 2016. Theo kế hoạch này, tỉnh sẽ tập trung xây dựng các cánh đồng lớn, liên kết sản xuất mía tại 5 huyện trọng điểm trồng mía của tỉnh là Tân Biên, Tân Châu, Châu Thành, Bến Cầu và Dương Minh Châu; xây dựng hạ tầng, thực hiện thống nhất quy trình canh tác, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng cơ giới hoá đồng bộ từ trồng đến thu hoạch nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất mía. Ngành Nông nghiệp sẽ đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi các diện tích trồng lúa, trồng mì năng suất, hiệu quả thấp sang trồng mía, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nhằm nâng cao thu nhập và đời sống của nông dân, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Thời gian nông dân tham gia thực hiện cánh đồng lớn là 2 chu kỳ mía (6 năm), bắt đầu từ vụ Đông – Xuân 2016-2017. Nông dân tham gia trên tinh thần tự nguyện, tự giác và chủ động trong thực hiện mô hình. Bên cạnh đó, việc xây dựng cánh đồng lớn trên cây mía phải đáp ứng được các tiêu chí như: quy mô diện tích tối thiểu xây dựng cánh đồng lớn mía theo hướng tập trung sản xuất trong một khu vực là 20 ha trở lên, có ít nhất 2 hộ tham gia. Diện tích liền canh, có thể phá bờ lô thửa tại các vị trí theo quy hoạch; có khả năng thoát nước, giao thông thuận lợi; địa hình cánh đồng phù hợp thực hiện cơ giới hoá đồng bộ từ trồng đến thu hoạch mía. Đất tham gia cánh đồng lớn là đất trống, trong trường hợp có cây trồng đang canh tác chưa thu hoạch, doanh nghiệp và nông dân tự thoả thuận mức hỗ trợ. Bên cạnh đó, phải thực hiện quy hoạch, cải tạo đồng ruộng, hoàn thiện hệ thống giao thông, thuỷ lợi nội đồng và những công trình phục vụ sản xuất khác bảo đảm đáp ứng yêu cầu thâm canh sản xuất mía, áp dụng đồng bộ giống, tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và cơ giới hoá đồng bộ các khâu từ trồng đến thu hoạch. Có sự liên kết sản xuất và tiêu thụ mía thông qua hợp đồng, có bảo hiểm lợi nhuận tối thiểu cho nông dân tham gia cánh đồng lớn.

Sở NN&PTNT cũng yêu cầu doanh nghiệp hỗ trợ nông dân trong quá trình tham gia thực hiện cánh đồng mía lớn, như hỗ trợ đầu tư có thu hồi vốn (vốn đầu tư cơ bản, vốn thâm canh, vốn tưới mía). Nếu chi phí thực tế phát sinh cao hơn chính sách chung, doanh nghiệp cần đầu tư bổ sung vốn tối đa 110% so với chính sách chung nhưng không vượt quá chi phí thực tế phát sinh.

Với khoản đầu tư không hoàn lại, nông dân sẽ được hỗ trợ các chi phí như cắm mốc, phá bờ lô thửa, dọn dẹp, san phẳng mặt ruộng; lắp đặt hệ thống tưới mía bằng béc (đối với mía tơ, trồng đất nhà); thực hiện hệ thống giao thông nội đồng, kênh mương nội đồng; hỗ trợ chi phí thực hiện cơ giới hoá từ trồng đến thu hoạch; hỗ trợ chuyển đổi cây trồng với diện tích cây trồng hiện có… Bên cạnh đó, doanh nghiệp sẽ hỗ trợ dịch vụ thu hoạch mía bằng máy cho người trồng mía trong cánh đồng lớn với giá dịch vụ là 150.000 đồng/tấn. Ngoài ra, doanh nghiệp hỗ trợ thu mua mía, bảo hiểm lợi nhuận cho mía tươi và trong trường hợp mía cháy. Các doanh nghiệp tham gia cánh đồng lớn mía gồm Công ty cổ phần Mía đường Thành Thành Công, thực hiện cánh đồng lớn tại các huyện Tân Biên, Bến Cầu, Dương Minh Châu; Công ty CP Đường Nước Trong thực hiện tại huyện Tân Châu; Công ty CP Đường Biên Hoà – Tây Ninh thực hiện tại huyện Châu Thành.

Rạch hàng, bón phân lót trên cánh đồng mía.

Tại Công ty cổ phần Đường Nước Trong, việc xây dựng cánh đồng lớn trên cây mía đã được triển khai thực hiện từ hơn 2 tháng qua. Ông Nguyễn Hồng Sơn– Phó phòng Kỹ thuật nông nghiệp công ty cho biết, để đáp ứng được các tiêu chí của xây dựng cánh đồng lớn trên cây mía, công ty đã chọn thực hiện tại những diện tích đất lớn, liền kề nhau. Tại vùng nguyên liệu của công ty, có 3 hộ tham gia thực hiện cánh đồng lớn với quy mô diện tích 30 ha ở xã Tân Hội, huyện Tân Châu. Công tác vận động nông dân khá thuận lợi, do đây là những nông dân đã hợp tác lâu năm với nhà máy và bản thân họ cũng thấy được hiệu quả khi tham gia mô hình.

Bên cạnh được hưởng các chính sách chung hỗ trợ trồng mía cho vụ 2016 – 2017, nông dân tham gia cánh đồng lớn của công ty còn được hỗ trợ thêm các chi phí cho cắm mốc, phá bờ lô thửa là 1 triệu đồng/ha; xây dựng hệ thống điện tưới mía 1 triệu đồng/ha. Ông Sơn cho biết, việc triển khai thực hiện đại trà mô hình cánh đồng lớn trên cây mía sẽ giúp nhà máy chủ động được kế hoạch sản xuất, áp dụng cơ giới hoá thuận tiện và hiệu quả hơn, đồng thời cũng giúp nông dân tiết kiệm được chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả canh tác.

Ông Roãn Quốc Sỹ (ngụ ở ấp Hội Thanh, xã Tân Hội, huyện Tân Châu) là một trong ba nông dân tham gia mô hình cánh đồng lớn cho biết, ông đã có gần 20 năm gắn bó với cây mía. Những năm trước đây, trồng mía không mang lại lợi nhuận nhiều bằng cây mì hay cây cao su. Tuy nhiên, gần đây trồng mía có lợi nhuận khá hơn, bình quân mỗi vụ khoảng 30 triệu đồng/ha.

Theo ông Sỹ, cánh đồng mía lớn là mô hình mang lại hiệu quả và có nhiều lợi ích thiết thực trong quá trình sản xuất, canh tác. Với tổng diện tích đất sản xuất của gia đình khoảng 47 ha, trong thời gian tới, ông Sỹ sẽ chuyển dần sang canh tác theo mô hình cánh đồng lớn.

Xây dựng cánh đồng lớn trên cây mía hướng tới mục tiêu đạt năng suất bình quân 100 tấn/ha, chữ đường 10 CCS; lợi nhuận bình quân tối thiểu 20 triệu đồng/ha/vụ; cánh đồng lớn được áp dụng đồng bộ giống, quy trình sản xuất, tỷ lệ cơ giới hoá đồng bộ từ trồng đến thu hoạch mía đạt 100%... Với những mục tiêu như trên, việc thực hiện cánh đồng lớn trên cây mía hứa hẹn sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân, góp phần phát triển bền vững ngành mía đường cũng như ngành nông nghiệp nói chung.

TRÚC LY

Tin cùng chuyên mục